Monday, 29 December 2014

Sáng kiến tổ chức sân chơi cho trẻ em

TTO - Hội đồng Anh vừa phát động chương trình ELEVATE nhằm đóng góp sáng kiến về đổi mới và sáng tạo để cải thiện hoạt động vui chơi của trẻ nhỏ (từ 0 đến 8 tuổi), 

Những sáng kiến mới này nhằm tưởng tượng lại không gian đô thị và các sân chơi, cũng như cách thức trẻ em tương tác với không gian đó.

Chương trình ELEVATE nhằm tạo cơ hội cho các cá nhân có sáng kiến về văn hóa được hợp tác cùng các đồng nghiệp trên toàn thế giới, trau dồi kĩ năng nghề nghiệp và cùng hiện thực hóa những ý tưởng của mình với sự hỗ trợ đặc biệt về kinh phí.

ELEVATE hướng đến mục tiêu xây dựng một cộng đồng toàn cầu gồm những cá nhân có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các thách thức và vấn đề hiện nay trong xã hội như quá trình đô thị hóa, hiện tượng già hóa dân số và sự phát triển bền vững.

Những người có ý tưởng xuất sắc nhất sẽ trở thành những thành viên đầu tiên của ELEVATE, và sẽ được đài thọ mọi chi phí tham gia Trại Sáng tạo ở  Trung tâm Nghệ thuật và Truyền thông Yamaguchi / Yamaguchi Center for Arts and Media [YCAM], Nhật Bản vào tháng 2-2015.

 

Monday, 22 December 2014

Trẻ em cần được tự do hơn?

(Làm mẹ) - Bạn đã cho trẻ cơ hội tự do tự khám phá mình và thế giới xung quanh? Bạn có vì mục tiêu an toàn cho trẻ mà cản trở sự phát triển và độc lập của con?

Bạn có phải là cha mẹ trực thăng, gói con cái bạn trong bông gòn? Hay bạn là người ôm lấy khái niệm tự do cho con bằng cách cho trẻ đi xe bus một mình, sử dụng điện thoại di động từ bé và cho phép trẻ làm mọi điều bé thích?

Đôi khi khái niệm tự do khiến cho phụ huynh lo lắng và nhầm lẫn. Bởi có thể ngày còn bé, bạn có thể lang thang chơi trên các con phố mà không gặp bất cứ nguy hiểm nào, nhưng ngày nay thì nhiều người đang hoảng loạn vì nhận thấy vô số nguy hiểm đang rình rập trẻ.

Một bé ba tuổi có nên được phép đối mặt với nguy cơ có thể bị chấn thương khi leo lên xem mạng nhện ở sân chơi? Bé 6 tuổi có nên đi một mình đến hồ bơi hoặc tự đi mua quà vặt? Bé 12 tuổi có nên được phép đi xem phim cùng với bạn khác giới? Hay bé 16 tuổi có nên ở nhà một mình thay vì đến nhà bà ngoại ở?

Đó là những câu hỏi đau đầu các bậc phụ huynh.

Hãy cho trẻ cơ hội được độc lập

Một nhà báo Mỹ, đồng thời là một người mẹ, Lenore Skenazy, đã gây nên một làn sóng phản đối toàn cầu vào năm 2008 khi cô để con trai 9 tuổi của mình trong một cửa hàng bách hóa ở Manhattan với các hướng dẫn về cách tìm đường về nhà bằng tàu điện ngầm. Cô đã bị xem là "bà mẹ tồi tệ nhất nước Mỹ" khi cô kêu gọi cha mẹ nên cho trẻ tự lực an toàn. Có phải là bố mẹ đang quá kiểm soát gắt gao trẻ và can thiệp quá nhiều vào cuộc sống trẻ? Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Tây Úc thì không phải mọi ý kiến đều sai lầm.

Một nghiên cứu có tên là: "Không có gì phải sợ hãi" đã nhận thấy bố mẹ ngày nay đang càng ngày càng hạn chế sự độc lập và tự do của trẻ em, mặc dù thực tế là chưa có bằng chứng nào cho thấy thế giới đang trở nên nguy hiểm với trẻ. Những nỗi sợ hãi và ám ảnh của chính cha mẹ về sự an toàn của trẻ đang đe dọa sự phát triển tinh thần và sức khỏe thể chất của trẻ.

"Đa số các vụ bắt cóc và làm dụng trẻ thường do người quen của trẻ làm", Phó giáo sư Lisa Wood, một trong những tác giả của nghiên cứu nói. "Theo thống kê, cơ hội để người lạ bắt cóc trẻ rất thấp và không tăng trong những năm qua".  Nghiên cứu cho thấy nỗi sợ hãi của cha mẹ có mối liên quan đến việc lo ngại gia tăng nguy cơ và áp lực bảo vệ cùng với các hoang tưởng khác từ cha mẹ.

Cả xã hội chung sức

Có câu ngạn ngữ rằng " Cả xã hội mới có thể nuôi dạy một đứa trẻ", nghiên cứu cho thấy các bậc cha mẹ đang trở nên hoang tưởng hơn vì đã phá vỡ khối đoàn kết của người lớn và tin tưởng vào sự hỗ trợ, đánh giá của phụ huynh khác. Theo giáo sư Wood thì họ lo lắng về việc các phụ huynh khác sẽ đánh giá nếu họ để con cái họ tự do.

Kết quả là, chúng ta đang nuôi một thế hệ trẻ em sợ hãi với người xa lạ và không có kỹ năng sống. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ độc lập từ khi còn nhỏ như cho phép trẻ được ăn món trẻ thích, ăn mặc theo sở thích và làm những điều trẻ muốn.

"Điều quan trọng là cha mẹ cung cấp cho trẻ cơ hội độc lập hơn, nhưng trong môi trường quen thuộc và an toàn". Thực tế đang chứng tỏ sự mâu thuẫn của bố mẹ, trong khi cha mẹ hạn chế quyền tự do thể chất của trẻ thì ở nhà trẻ lại đang được cho xem những bộ phim không phù hợp với lứa tuổi và chơi trò bạo lực trên video. "Một mặt chúng ta không cho phép trẻ học những kỹ năng để trẻ có thể độc lập và giúp đỡ người khác, mặt khác, chúng ta lại cho phép trẻ tiếp xúc với những thứ không thích hợp."

Giải pháp cho cha mẹ

Theo chuyên gia giáo dục trẻ em thì bố mẹ nên áp dụng "quy tắc của ngón tay cái".  Từ 10 tuổi, trẻ em có tầm nhìn xã hội bên ngoài vì vậy trẻ có thể qua đừng an toàn và có thể học cách đối phó với những tình huống cuộc sống đơn giản. ở độ tuổi này, bố mẹ có thể bắt đầu chuẩn bị cho trẻ tự đi xa bằng cách lần đầu tiên cho trẻ đi theo và cùng thảo luận về những gì sẽ xảy ra. 

Đối với trẻ nhỏ - khoảng dưới 6 tuổi- thì có thể giữ trẻ trong tầm quan sát của mình, nhưng vẫn cho trẻ có cơ hội khám phá môi trường của trẻ. Đối với tất cả các lứa tuổi, điều quan trọng là phải hiểu những gì con bạn đã sẵn sàng gặp và giúp trẻ có cách đối phó với những mối nguy hiểm, giúp trẻ vạch ra ranh giới và phạm vi mà trẻ được phép, đồng thời khuyến khích các hoạt động nhóm, tham gia vào các hoạt động chung.

 

Friday, 19 December 2014

Đừng sợ dơ, hãy cho con chơi thỏa thích

Mẹ đừng nhăn nhó khi thấy cục cưng lấm lem cả người sau một ngày "tung hoành" vui chơi. Chính những trò chơi – đôi khi khiến mẹ mất hàng giờ tắm táp sạch sẽ cho bé – lại khiến bé vui hơn cả, chưa kể còn học được bao điều hay.

Đó là lời khuyên từ Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh tại buổi gặp gỡ cùng các gia đình trẻ theo chủ đề "Cùng bé yêu tận hưởng tuổi thơ" tại TP.HCM ngày 5/10/2014. Đặc biệt, Tiến sĩ Thụy Anh gợi ý nhiều trò chơi trẻ em cho bé trong từng lứa tuổi, vì ở mỗi độ tuổi, bé sẽ có những đặc điểm tâm lý khác nhau và cần học những kỹ năng riêng biệt.
Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh tại buổi gặp gỡ cùng các gia đình trẻ
Từ 1 – 3 tuổi: "làm quen" thế giới qua trò chơi
Giai đoạn từ 1 – 3 tuổi là lúc bé bắt đầu chủ động làm quen với thế giới xung quanh qua mọi giác quan, đặc biệt là xúc giác. Sự giao tiếp bằng ngôn ngữ, sự ôm ấp yêu thương của cha mẹ khiến bé gắn bó và yêu thương cha mẹ hơn.
Có nhiều trò chơi giúp bé phát triển nhận thức và kỹ năng ngôn ngữ như: trò chơi đoán bộ phận thân thể; chơi trốn tìm ngay trên giường ngủ (giấu một con thú bông dưới gối, nệm và đố bé tìm được). Các trò chơi đơn giản ngoài trời như: đi dạo, quan sát sự vật xung quanh, chuyền bóng, ném bóng… cũng khiến bé hào hứng và giúp bé phát triển các kỹ năng vận động. Dơ một chút cũng không sao, quan trọng là bé vui và thoải mái.
Đây là cách chị Liên Hoan (TP.HCM) thường chơi với con: "Như mọi đứa trẻ khác, ở tuổi thích khám phá, mỗi khi đi chơi công viên, Viva đều được mẹ cho thoải mái vọc đất cát, hay thậm chí chơi những trò đòi hỏi phải cầm, nắm, sờ các vật thể lạ... Mỗi lần đi chơi về, mặt mũi đầu tóc Viva lem nhem toàn đất cát nhưng nhìn con vui vẻ, tôi tin rằng mình đã làm đúng khi khuyến khích con đến gần với thiên nhiên."
Viva luôn được mẹ cho thoải mái vọc cát, tự tay mày mò khám phá mọi thứ xung quanh
Từ 3 – 6 tuổi: phát triển tư duy và kỹ năng qua trò chơi
Lên 3 tuổi, bé đặc biệt phát triển tư duy và trí tưởng tượng qua những tiếp xúc với cuộc sống mỗi ngày (trường lớp, thầy cô, bạn bè, người bé gặp ngoài xã hội…). Cũng như người lớn, bé đôi khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Chơi đùa giúp bé giảm căng thẳng, giải tỏa năng lượng, cân bằng tâm lý; học cách đoàn kết, tính hòa đồng, chia sẻ khi chơi tập thể.
Có những trò chơi giúp bé phát huy trí sáng tạo và tưởng tượng như: vẽ tranh, tô màu, kể chuyện hỏi đáp, đố vui… Ngoài ra, những trò vận động trong nhà lẫn ngoài trời như trốn tìm, chạy nhảy, ném bóng, đuổi bắt, kéo co… là lúc bé được cười đùa thỏa thích. Càng "lăn xả" hết mình trong những trò chơi, đôi khi cả người lấm lem, lại chính là khi trẻ hạnh phúc và sảng khoái nhất. Đó là lúc cha mẹ biết rằng bé đang thực sự hạnh phúc trong những ngày thơ ấu của mình.
Mẹ Diệu Bình (TP.HCM) chia sẻ: "Lúc rảnh rỗi, hai mẹ con thường cùng nhau làm bánh. Tôi cho con tham gia vào cả quá trình từ lúc nhào nặn, tạo hình đến bỏ khuôn nướng. Mỗi lần nhớ đến vẻ hí hửng của nàng ấy khi được tận tay đập trứng, nhào nhào nặn nặn là tôi lại phì cười. Nhìn con mặt mũi lem luốc, bàn bếp vương vãi lung tung nhưng phấn chấn hơn hẳn, tôi thấy thật hạnh phúc."
"Trò chơi" làm bánh luôn khiến Gin vô cùng phấn khích

Thursday, 18 December 2014

Sân chơi cho trẻ em: Không khó, nếu tận tâm

 

Khu vui chơi cho trẻ em tại khu Trung Kính Hạ được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: DUY LINH

Thời gian gần đây, quận Cầu Giấy là đơn vị dẫn đầu thành phố trong việc xã hội hóa đầu tư các khu vui chơi cho trẻ em tại các khu dân cư, biến các khu đất xen kẹt, hoặc những mảnh sân chung trong các khu tập thể thành điểm vui chơi sạch đẹp dành cho các cháu nhỏ, góp phần giúp trẻ em phát triển thể chất và tinh thần lành mạnh.

"Đánh thức" đất xen kẹt

Vừa buông phịch chiếc cặp sách xuống cửa, bé Hải đã vội chạy ào ra lăn lê, đùa nghịch với các bạn trên thảm cỏ xanh mượt mà, đua nhau leo dây, thả mình trên cầu trượt, bập bênh, thú nhún… Đứng trước nhà vẫn có thể nhìn thấy con chơi đùa vui vẻ, chị Nguyễn Thị Thanh rất vui mừng và cảm ơn chính quyền đã quan tâm đầu tư cho khu dân cư Trung Kính Hạ (phường Trung Hòa) một khoảng không gian dành cho trẻ em thật giá trị. Trước kia, đi học về, con chị cứ quanh quẩn trong nhà, hết xem ti-vi lại mở máy tính. Nhắc con đi chơi thì cháu bảo, sang nhà bạn ngại lắm, kéo bạn sang nhà mình thì bạn ấy không thích, rồi cũng chỉ rủ nhau chơi game trên máy tính. Có khi hai đứa tranh nhau thành ra giận dỗi. Từ ngày có sân chơi, chúng ríu rít rủ nhau đi, tinh thần vui phơi phới; khi về nhà làm việc gì cũng nhanh nhẹn. Chị bảo thích nhất là các thiết bị vui chơi đều rất đẹp, chắc chắn và an toàn, không cũ kỹ, hoen gỉ như nhiều khu vui chơi khác...

Theo Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và Quản lý duy tu hạ tầng đô thị (quận Cầu Giấy) Lê Văn Thu Phó, đây vốn là mảnh đất trống trong khu dân cư, diện tích hơn 2.000 m2. Tháng 8-2013, UBND quận Cầu Giấy đầu tư hạ tầng như san nền, lát gạch, xây hàng rào bao quanh, trồng cây xanh và kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư những thiết bị vui chơi và làm thảm cỏ nhân tạo trên diện tích hơn 400 m2. Tổng mức đầu tư sân chơi hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp đóng góp 567 triệu đồng. Những thiết bị vui chơi được lắp đặt tại đây đều được nhập khẩu từ Nhật Bản, chất lượng cao, bền, đẹp và rất an toàn. Đây là một trong những điển hình thực hiện chủ trương của quận về khuyến khích sử dụng các diện tích đất xen kẹt trong khu dân cư làm sân vui chơi cho trẻ em. Sân chơi được toàn thể các hộ dân đồng tình ủng hộ và cùng nhau bảo vệ.

Tại tổ 32 phường Dịch Vọng, cuối năm 2013 cũng có một sân chơi như vậy với diện tích hơn 1.220 m2 được đưa vào sử dụng. Trước kia khu vực này là sân chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, sân chỉ được lát gạch, không có thiết bị đồ chơi và sau mười năm đã bị xuống cấp cho nên không gian vui chơi rất tẻ nhạt, ngày càng thiếu bóng trẻ em chơi đùa. Nhiều gia đình đã tận dụng khu vực này phơi phóng, để đồ đạc, xe cộ, càng làm cho nó trở nên nhếch nhác. Nay được đầu tư làm sân vui chơi với các thiết bị hiện đại, không gian ấy sáng bừng lên, vang tiếng trẻ thơ.

Muốn tìm, khắc thấy chỗ

Tuy nhiên, mặc dù được chính quyền quan tâm và các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, nhưng không phải nơi nào cũng làm được việc này. "Nếu cơ sở đề xuất địa điểm, quận sẵn sàng đầu tư về hạ tầng và kêu gọi được doanh nghiệp bỏ tiền ra mua trang thiết bị. Nhưng hiện nay rất nhiều khu dân cư không còn quỹ đất. Song chưa phải đã hết cách. Nếu thật sự quan tâm thì việc tìm ra không gian cho trẻ em vẫn có thể làm được"- Trưởng Ban Tuyên giáo quận ủy Cầu Giấy Lê Văn Thư khẳng định.

Thực tế là quận đã làm được điều đó. Tại khuôn viên Nhà Văn hóa phường Dịch Vọng Hậu và trong sân Trường tiểu học Trung Yên, quận đã bố trí đầu tư được hai sân chơi cho trẻ em với diện tích 600 m2 và gần 1.600 m2, có thảm cỏ nhân tạo, lắp đặt nhiều thiết bị chơi rất hấp dẫn, an toàn, phục vụ miễn phí. Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Yên Hoàng Thu Hằng, cho biết: "Tới đây, khi hoàn thiện hệ thống chiếu sáng và công trình phụ, sân chơi của trường sẽ không chỉ phục vụ học sinh mà còn mở cửa từ sau giờ học đến tối để đón trẻ em khu dân cư chung quanh tới vui chơi". Những đồi cỏ nhân tạo tại Công viên Cầu Giấy và Công viên Nghĩa Đô cũng là hình thức khai thác quỹ đất và đầu tư xây dựng không gian cho trẻ em như vậy. Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2012 tới nay, hai khu vui chơi luôn nhộn nhịp, chứng tỏ sự đầu tư hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hiện nay, quận Cầu Giấy đang tiếp tục triển khai xây dựng các không gian cho trẻ em tại phường Quan Hoa, Nhà văn hóa phường Mai Dịch, sân chơi khu X4 (phường Mai Dịch), sân chơi tổ 24 phường Trung Hòa, sân chơi tổ 27 phường Trung Hòa và sân chơi khu A10, A11 tổ 3, 4 phường Nghĩa Tân. Dự kiến, các sân chơi sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay, bổ sung thêm những địa điểm hoạt động ngoài trời bổ ích, góp phần để trẻ em phát triển thể chất và tinh thần lành mạnh. Những sân chơi nói trên mặc dù còn ít so với nhu cầu của người dân, song sự quan tâm và những nỗ lực của quận Cầu Giấy là rất đáng ghi nhận. Và có thể nói cách khai thác không gian, cũng như mời gọi được doanh nghiệp đầu tư xây dựng thành những khu vui chơi miễn phí cho trẻ em là một thành công trong công tác xã hội hóa của quận rất cần được nhân rộng.

Không có sân chơi, rời trường học trở về nhà, hầu hết trẻ em chỉ biết làm bạn với các thiết bị công nghệ. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới việc phát triển thể chất mà đời sống tinh thần của trẻ cũng rất đáng lo ngại. Vì vậy, tạo cho trẻ không gian vui chơi ngay chính nơi mình sinh sống là điều vô cùng cần thiết. Làm được điều ấy quả là không dễ nhưng cũng không quá khó nếu chúng ta thật sự quan tâm tới thế hệ tương lai của đất nước.
Anh Phan Kế Đại, tổ trưởng dân phố cho biết: "Người dân ở đây rất phấn khởi. Ngay khi biết sẽ xây dựng sân chơi, các hộ gia đình đã đóng góp ủng hộ 100 triệu đồng. Cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, phụ nữ, thanh niên trong khu thay nhau quét dọn vệ sinh. Nhìn các cháu được vui chơi an toàn, ai cũng thích."

 

Friday, 12 December 2014

Thêm sân chơi cho trẻ

Đoàn trường Đại học Nha Trang vừa khánh thành, đưa vào sử dụng công trình thanh niên "thiết bị sân chơi trẻ em miễn phí cho trẻ em" tại thôn Phú Bình, xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang). Công trình đã phát huy hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo thiếu nhi đến vui chơi.

Trẻ em rất hào hứng khi tham gia vui chơi.

Anh Lê Công Lập - Bí thư Đoàn trường Đại học Nha Trang cho biết: "Phú Bình là một trong những thôn còn nhiều khó khăn, chưa có khu vui chơi dành cho trẻ em, nên chúng tôi chọn nơi đây để thực hiện công trình. Khu vui chơi được xây dựng trong khuôn viên Nhà Văn hóa thôn, diện tích xây dựng khoảng 200m2 với 10 trò chơi liên hoàn như: cầu trượt, leo núi bằng lưới, cầu thăng bằng, vượt chướng ngại vật, xích đu, xà đơn, xà kép... vừa giúp các em vận động tay chân, vừa hỗ trợ phát triển trí não, sáng tạo. Tổng kinh phí thực hiện công trình gần 50 triệu đồng".

Công trình hoàn thành sau hơn 1 tháng thi công,  bằng việc huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ và công sức của đoàn viên, sinh viên tình nguyện. Theo anh Hồ Chí Hận - Bí thư Đoàn khoa Xây dựng Trường Đại học Nha Trang, hơn 30 tình nguyện viên trong trường đã tích cực thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế, lên phương án thi công, tìm kiếm vật liệu, lắp ráp… Những vật liệu sử dụng thực hiện khu vui chơi đều thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn cho trẻ. Để tiết kiệm chi phí, các sinh viên đã lặn lội đến tận xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) để chặt tầm vông; tìm và tận dụng những phế liệu như: lốp xe, dây thừng để gia công.

Khu vui chơi chính thức đưa vào sử dụng trong niềm vui của người dân thôn Phú Bình. Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung - người dân thôn Phú Bình tâm sự: "Sau giờ học ở trường, tụi nhỏ chỉ lang thang chơi ở bãi đất trống gần bờ sông nên chúng tôi rất lo lắng. Giờ đây, các cháu được vui chơi thoải mái ngay gần nhà nên chúng tôi không phải lo lắng nhiều". Em Đinh Minh Hiếu - học sinh lớp 8 Trường THCS Lương Thế Vinh khoe: "Khu vui chơi có nhiều trò chơi nên không chán. Đi học về là tụi em rủ nhau ra đây…".

Bà Trịnh Thị Phượng - Bí thư Chi bộ thôn cho biết, hiện nay, toàn thôn có hơn 300 thiếu nhi. Trước đây, trẻ em trong thôn thường phải đi quãng đường khá xa đến Nhà Văn hóa xã hoặc Nhà Thiếu nhi tỉnh để vui chơi. Khu vui chơi do Đoàn trường Đại học Nha Trang thực hiện rất thiết thực, bổ ích, đáp ứng nhu cầu của trẻ em trong thôn cũng như những địa bàn lân cận. Thôn giao cho Ban quản lý Nhà Văn hóa thôn gìn giữ, trông coi và mở cửa hàng ngày để các em được vui chơi.

Được biết, thời gian tới, Đoàn trường Đại học Nha Trang sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của công trình này để xây dựng thêm những khu vui chơi cho trẻ em ở các địa phương khác, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn. Theo kế hoạch, tháng 2-2015, Đoàn trường sẽ thực hiện một công trình tại thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm).

Wednesday, 10 December 2014

Trò chơi của học sinh vùng cao

Cây gậy, viên sỏi, những con sâu béo tròn hay chú chim sẻ đáng yêu trở thành trò chơi say mê của học trò vùng cao.

 

Bắn súng cao su, trò chơi "kinh điển" thời thơ ấu của bao thế hệ học trò từ nông thôn tới thành thị, từ đồng bằng đến vùng núi cao. Với những nam sinh người Mông này, súng cao su không chỉ là đồ chơi mà còn là dụng cụ để săn chim rừng.

 

 

Sâu măng béo tròn được một học trò 4 tuổi ở điểm trường La Chí Chải, Nàn Ma (Xín Mần, Hà Giang) bắt đến lớp. Đó là đồ chơi ưa thích của cậu bé và nhanh chóng được chuyền tay khắp trường. Đồ chơi này có thể khiến nhiều bạn miền xuôi sởn gai ốc.

 

 

Ngoài sách vở, những chú chim sẻ nho nhỏ cũng theo chân các em tới trường.

 

 

Trò chơi với những viên sỏi (ua chứ, đánh sỏi) gần như là sự kết hợp của trò đánh chắt, đánh chuyền. Quân chuyền không phải là thanh tre mà là những viên sỏi. Trò đánh sỏi thường có 4 người trở lên tham gia và là trò ưa thích của các nữ sinh mỗi giờ ra chơi.

 

 

Chơi chuyền không chỉ quen thuộc với những bé gái vùng nông thôn mà còn gắn liền với tuổi thơ của những nữ sinh người Mông. Này chuyền một, một đôi. Này chuyền hai, hai đôi, này chuyền ba, ba đôi...

 

 

Những viên bi ve tròn, nhiều màu sắc khiến các cậu bé mê tít trò bắn bi.

 

 

Giờ ra chơi, học sinh ở điểm trường Si Cà Lá, Pà Vầy Sủ (Xín Mần, Hà Giang) chia làm hai đội chơi trò đẩy gậy. Gần giống chơi kéo co nhưng dùng lực để đẩy đối phương thay vì kéo, đẩy bên kia qua vạch là thắng.

 

 

Những trò chơi gắn liền với đất như kim kỉm kìm kim tưởng như chỉ còn trong ký ức thơ ấu của nhiều người nhưng vẫn được các em nơi đây chơi hàng ngày. Khoanh một vòng tròn trên mặt đất làm "nhà", lấy vật nhỏ làm ''chó giữ nhà" rồi chôn xuống, không cho ai nhìn thấy "chó giữ nhà" được giấu ở đâu, rồi bắt đối phương bằng một lần phải tìm cho ra. Câu đồng dao "Kim kỉm kìm kim nhà ai mất chó sang đây mà tìm" đồng thanh vang lên say sưa khi chơi trò này.

 

 

Chơi trốn tìm với học sinh lớp 4 điểm trường Nấm Lu, Nấm Dẩn (Xín Mần, Hà Giang).

 

 

Bỏ qua các trò chơi tập thể cùng bạn bè, cậu học trò này cho miếng kim loại cắt tròn có đục hai lỗ, lồng sợi dây dù qua, lắc vài vòng rồi kéo căng sợi dây để cho đồng xu quay tít.

 

 

Trong ánh nắng chiều bình yên, các nam sinh ở điểm trường tiểu học số 2 Tả Ngảo (Sìn Hồ, Lai Châu) ngồi tụ tập trên sân trường chơi trò nặn đất.

 

 

Trường học là ngôi nhà đất ba gian, học trò Thèn Phàng (Xín Mần, Hà Giang) chơi trò đo trường, nắm tay nhau thành một vòng tròn xem trường rộng bằng mấy người ôm.

 

 

Tuổi thơ lớn lên bên ruộng lúa, nương ngô còn nhiều kham khổ, được đến trường đã là niềm vui. Phòng học nhiều nơi còn là tranh tre nứa lá, sân chơi của các em cũng rất đơn giản, đôi khi là bãi đất rộng nằm ở lưng chừng núi, lưng chừng trời.

 

 

Có lúc, sân chơi là mảnh ruộng bậc thang còn trơ gốc rạ nằm ở ngay dưới sân trường đang chờ mùa nước đổ.

 

 

Nhưng vẫn không ngăn được tiếng cười đùa trong trẻo của các em khi chơi trò đuổi bắt trên sân trường.

 

Hoàng Phương
Ảnh: Đỗ Hùng

 

9 cách tự thiết kế sân chơi trong nhà bé nào cũng mê tít

Không chỉ đến các khu vui chơi bé nhà bạn mới được thỏa thích nô đùa. Với 9 ý tưởng sáng tạo dưới đây, bạn hoàn toàn có thể tạo một sân chơi hoàn hảo cho bé ngay trong nhà mình.

1. Cầu trượt 

Nếu bạn ở nhà tầng và có diện tích đủ rộng thì đừng bỏ qua ý tưởng này. Một chiếc cầu trượt hình xoắn ốc ngay bên cạnh cầu thang không chỉ là trò vui cho lũ trẻ mà còn là cách di chuyển mới cho bạn nếu như không muốn bước các bậc thang để đi xuống lầu.


Một ngôi nhà nhỏ được thiết kế riêng cho bé cùng đường trốn thoát nhanh chóng là chiếc cầu trượt sẽ giúp trẻ vui chơi, vận động ngay trong nhà.


2. Leo núi trong nhà

Nếu nhà chật, vách núi nhân tạo dựng đứng là lựa chọn tuyệt vời. Một vách núi nhân tạo như thế này sẽ không tốn quá nhiều diện tích của một ngôi nhà nhỏ.


3. Sân chơi cát

Một sân chơi cát mini ngay trong nhà được hình thành chớp nhoáng bằng cách tận dụng bể bơi phao. Phần thành cao của bể bơi sẽ giúp cát không bị vương vãi ra sàn nhà. Bé nhà bạn sẽ không cần phải ra công viên mới có thể chơi đươc trò này. 


4. Cầu thang sắc màu

Nếu lũ trẻ nhà bạn là người ưa vận động, hãy biến cầu thang thành đường đua nước rút cho bé chạy nhảy trên những bậc thang sắc màu. Bên cạnh đó, có thể làm một chiếc cầu trượt để trẻ thỏa sức nô đùa.


5. Chiếc võng khổng lồ

Chỉ cần một không gian đủ rộng và có chỗ chắc chắn để đặt chiếc võng này, bạn sẽ có nơi nằm thư giãn độc đáo. 


6. Nhà bóng

Có rất nhiều cách để làm một nhà bóng trong nhà. Bạn có thể dùng bể bơi phao của trẻ, hay quây kín một góc nào đó trong nhà là có chỗ cho trẻ vui chơi.

7. Cầu trượt

Cũng vẫn là ý tưởng tận dụng bể bơi phao của bé. Hãy thổi phồng bể bơi lên và cho vào đó thật nhiều bóng cùng một chiếc cầu trượt, vậy là bé đã có chỗ "hạ cánh" an toàn với trò chơi ở khu vui chơi nào cũng có này.


8. Xà đu

Đây là ý tưởng không quá khó để bố mẹ có thể thực hiện. Chỉ cần tìm một chỗ đủ chắc chắn để treo xà đu và lót dưới sàn một tấm thảm hoặc đệm êm là bé có thể thoải mái chơi đùa.



9. Bập bênh

Dùng những tấm xốp ghép lại để tạo sân chơi êm ái cho trò bập bênh. Đây là ý tưởng siêu đơn giản để bé có thể vận động trong những ngày thời tiết xấu không thể vui chơi ngoài trời. 

(Nguồn: Buzz)

 

Sunday, 7 December 2014

Độc đáo sân chơi làm từ vật liệu tái chế

Trẻ em thích thú khi đến sân chơi siêu tiết kiệm do nhóm Think Playgrounds xây dựng tại Nông trại hữu cơ Tuệ Viên.

Những chiếc ghế bằng lốp xe ôtô sơn xanh đỏ, thang đu dây, bập bênh và xích đu màu sắc… là sản phẩm mà các bạn tình nguyện viên của nhóm Think Playgrounds đã tạo ra - họ đã biến các đồ vật bỏ đi trở thành những trò chơi thú vị cho trẻ em.

Lốp xe, dây thừng… thành công viên

Cuộc sống hiện đại khiến những sân chơi công cộng cho trẻ em vui đùa dần biến mất thay vào đó là những khu vui chơi mất tiền, nhưng trẻ em hầu như chỉ được giải trí một cách thụ động. Trước tình trạng trên, các bạn trẻ thuộc nhóm Think Playgrounds đã đưa ra ý tưởng xây dựng những sân chơi ngoài trời thú vị cho các bé, bằng cách tận dụng những khoảng trống hiếm hoi ở Hà Nội.

Sau sân chơi ở xóm Phao được xây dựng ở bãi giữa sông Hồng và sân chơi mini tại Trung Hòa, thì mới đây sân chơi Tuệ Viên ở phường Cự Khối, quận Long Biên (HN) là sản phẩm thứ ba nhóm Think Playgrounds thực hiện. Sân chơi được các thành viên trong nhóm bắt tay thực hiện từ tháng 7, đến trung thu vừa qua bắt đầu đưa vào hoạt động. Diện tích ban đầu của sân chơi Tuệ Viên chỉ là 200m2 sau đó được mở rộng thành 500m2.

Với mục tiêu cùng làm sân chơi miễn phí cho trẻ em thành phố, các thành viên trong nhóm đã kêu gọi nhiều nguồn tài trợ từ bạn bè, phụ huynh và các tổ chức tình nguyện khác ủng hộ. Điều đặc biệt, khác với những công viên thường thấy tại Hà Nội, trong sân chơi siêu tiết kiệm này tất cả các sản phẩm đồ chơi đều được làm từ vật liệu cũ tái chế như lốp xe ô tô, dây thừng, bàn ghế đã qua sử dụng. Do đó, mức giá trung bình cho mỗi sân chơi chỉ từ 5 triệu đến 15 triệu đồng. Bạn Kim Đức - một thành viên của nhóm chia sẻ: "Dù là vật liệu cũ, nhưng ban đầu nhóm cũng rất vất vả khi kêu gọi mọi người ủng hộ. Chỉ đến khi sân chơi đầu tiên hoạt động, thì mọi thứ mới bớt khó khăn hơn rất nhiều. Lý do thứ hai khiến giá cả mỗi sân chơi rẻ, vì nhân công chính là các tình nguyện viên của nhóm nữa".

Tiếng lành đồn xa

Dự án sân chơi ở bãi giữa sông Hồng đã thu hút nhiều trẻ em đến chơi. Một thành viên của nhóm - bạn Kim Đức - cho biết: "Thời gian vừa qua, nhóm còn phối hợp với một trường mầm non ở Trung Hòa xây dựng xong một sân chơi mini với diện tích 40m2. Hiện tại, nhóm cũng nhận được những cuộc điện thoại từ các tổ dân phố với mong muốn nhóm hỗ trợ thiết kế và thi công những sân chơi tiết kiệm giống như trên".

Chỉ vào những món đồ chơi, một thành viên trong nhóm Think hồ hởi nói: "Cảm thấy rất vui trước sự đón nhận tích cực của các phụ huynh khi đưa con đến đây. Đồ chơi cũng giống như đồ vật trong nhà, cần được thường xuyên bảo dưỡng, nhất là đồ chơi làm bằng gỗ thường thời gian sử dụng chỉ có một năm, nên nhóm luôn tích cực vận động người dân tham gia xây dựng cùng để giúp duy tu, bảo dưỡng. Chỉ khi có sự kết hợp với các bậc cha mẹ, thì dự án mới được duy trì bền lâu".

Riêng Nông trại hữu cơ Tuệ Viên được biết đến là một nông trại trồng cây theo phương pháp hữu cơ. Chị Liên chủ nông trại chia sẻ: "Chị muốn đem tình yêu thiên nhiên đến các con, vốn dĩ ngay từ ngày mới hình thành cách đây 6 năm, Tuệ Viên đã định hướng phát triển như một trường học thiên nhiên cho các bé, giúp các bé trở về với tự nhiên đúng nghĩa, không chỉ được thu hoạch mà con được lao động".

 

Friday, 5 December 2014

Sân chơi trong phố: Biến không thể thành có thể

(VnMedia) - Một sân chơi trong phố hay khu dân cư, thậm chí ngay trước cửa nhà với những thiết bị chơi an toàn, bổ ích mà chi phí có khi chỉ bằng… không, để con trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào là điều hoàn toàn có thể làm được ngay giữa Thủ đô Hà Nội.
 
Ngày 2/11, một sự kiện thu hút hàng trăm gia đình có trẻ nhỏ tham dự đã diễn ra tại Hà Nội. Không phải đến để nghe, nhìn hay chơi một cách thụ động, những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi đã có một ngày được chơi thỏa thích trong một không gian ngoài trời thoáng đãng, với những thiết bị hấp dẫn, an toàn được làm bởi bàn tay, khối óc và tấm lòng của các kiến trúc sư tình nguyện.
 
Nguyên vật liệu để làm ra những thiết bị chơi này là từ những chiếc lốp xe cũ, những mảnh gỗ thừa, những sợi dây thừng hay thậm chí là những viên sỏi, những chiếc lá, chiếc hộp cát tông… những vật liệu đơn giản nhưng niềm vui mà chúng mang lại thì rất lớn.
 
Chị Kim Đức, đại diện Ban tổ chức cho biết, trước thực trạng trẻ em Hà Nội thiếu một không gian vui chơi miễn phí trong các khu trung tâm, nhóm Think Playgrouds! - Nghĩ về Sân chơi trong thành phố đã xây dựng được 3 sân chơi trong nội thành Hà Nội. Đó là kết quả từ sự hỗ trợ của các cộng đồng dân cư, các tình nguyện viên, các doanh nghiệp hảo tâm cùng đóng góp tài chính, vật liệu và nhân công trong dự án xây dựng.
 
Tiếp nối hoạt động này, Think Playgrounds! cùng các nhà tài trợ quyết định tổ chức sự kiện Playday nhằm tạo một không gian vui chơi miễn phí đúng nghĩa cho trẻ em, phụ huynh cũng như thu hút sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng về tầm quan trọng của sân chơi trong sự phát triển toàn diện của các em.

Chỉ với những miếng gỗ thừa, các KTS đã tự tay mình làm thành một thiết bị chơi khiến lũ trẻ mải mê leo trèo, khám phá


 
Sự kiện chính Playday được tổ chức vào ngày mùng 2/11 tại Câu lạc bộ Mỹ, nhằm bắt đầu cho chiến dịch vận động xây dựng sân chơi, để trẻ em có được không gian vui chơi đúng nghĩa. Đây cũng là cơ hội để nhóm giới thiệu với những người quan tâm về cách thức xây dựng một sân chơi công cộng cũng như các quan niệm mới về ý nghĩa của việc "chơi". Ngoài ra nhóm cũng đã trình bày các thiết kế được làm từ vật liệu tái chế, giá thành rẻ và sáng tạo trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chí an toàn.
 
Chia sẻ tại sự kiện, bà Judith Hansen, tổ trưởng một khu phố ở Los Angeles nói rằng, trẻ em ngoài được ăn, ngủ, học hành thì phải được chơi. Và sân chơi không chỉ là nơi trẻ đến để hưởng thụ mà còn là nơi chúng học cách chia sẻ và sáng tạo.
 
"Hà Nội là nơi mà các sân chơi như vậy đang dần biến mất và nếu có chỗ chơi thì đó là nơi mà bố mẹ phải trả tiền." - bà Judith Hansen nhận xét và khẳng định, Hà Nội cần phải Hà Nội cần tạo ra rất, rất nhiều sân chơi cho trẻ em.
 
"Khi tôi đến Hà Nội, điều đầu tiên mà tôi tìm hiểu là sân chơi cho trẻ em. Ở hồ Hoàn Kiếm, tôi thấy không gian đẹp và có nhiều người lớn đi dạo, tập thể dục, đánh cờ… nhưng tôi không thấy trẻ em chơi. Cuối cùng, tôi thấy một số trẻ chơi ở chỗ Bút Tháp." Bà Judith kể lại ấn tượng về Hà Nội. 
 
Là một người từng đi khắp các nơi trên thế giới để tìm hiểu về sân chơi của trẻ em, bà Judith nói rằng, nước Mỹ không phải mọi thứ đều tốt đẹp và nước Mỹ cũng có rất nhiều vấn đề, nhưng tất cả trẻ em ở Mỹ đều được đến sân chơi, nơi mà trẻ em được chơi, gặp gỡ giao lưu với nhiều người đến từ các nền văn hóa khác nhau, nơi mà khoảng cách được xóa nhòa.
 
"Ở Mỹ, bất kỳ trường học, công viên… đều có cát cho trẻ em chơi. Mặc dù khi chơi, người chúng sẽ bị bẩn thỉu nhưng ai cũng thích. Bất kỳ người Mỹ nào lớn lên đều mang theo trong mình ký ức tuổi thơ với cảm giác bay lên khi được bố mẹ đẩy đi trên những chiếc xích đu." - bà "tổ trưởng dân phố" nói.
 
Bà Judith cũng đưa ra những ví dụ ở nhiều nước khác trên thế giới về việc quan tâm đặc biệt đến sân chơi của trẻ em, có nơi cũng từng trải qua chiến tranh như Việt Nam, bị ném bom… nhưng bây giờ, nơi các góc phố hay những chỗ từng đổ nát, họ đã làm nên những sân chơi cho trẻ em một cách đầy sáng tạo. Có thành phố còn làm cả sân chơi trên vỉa hè (Tây Ban Nha)…
 
Trong khi đó, một phụ huynh từ Úc trở về, có 2 con nhỏ cũng cho biết, về Việt Nam, chị thấy khó nhất là tìm chỗ chơi cho con (ngoài trời). Chị đành nhờ nhóm tư vấn đề làm sân chơi trên sân thượng nhà mình.

Những đứa trẻ này hoàn toàn có thể được chơi một cách sung sướng như thế này hàng ngày ở trong chính sân tập thể nơi chúng ở chỉ với những thiết bị chơi tự chế


Nhiều bậc cha mẹ, ông bà thì cho biết, họ đều có một tuổi thơ được chơi vui và hạnh phúc bởi khi đó, các khu tập thể hay khu dân cư ở Hà Nội chưa bị "bịt kín" bởi các hàng quán và ô tô, xe máy như bây giờ. Còn ngày nay, rất khó để tìm được một chỗ trống và càng khó hơn khi có một chỗ nào đó được đặt thiết bị để trẻ chơi miễn phí.
 
Đại diện ban tổ chức cho biết, bất kỳ một tổ dân phố hay khu dân cư nào có một khoảng đất trống (từ vài chục đến vài trăm mét) đều có thể làm sân chơi với chi phí rất thấp. họ cũng sẽ được tư vấn, thiết kế miễn phí, thậm chí được tặng một vài thiết bị chơi hoặc tài trợ một khoản tiền nhỏ ban đầu.
 
Sau khi tham quan khu chơi của trẻ, bà Chí, đại diện tổ dân phố 32 thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình vốn là một nhà giáo cho rằng, trẻ em ngày nay  học nhiều, ít được chơi vì không có chỗ chơi, chỗ vận động dẫn đến kém phát triển về thể chất, thiếu kỹ năng vận động, béo phì và nhất là ham mê xem TV hoặc chơi game.
 
Những sân chơi miễn phí như thế này là một gợi ý tốt để bà Chí về bàn bạc với tổ dân phố và các tổ chức, đoàn thể tìm cách có được khoảng không gian làm sân chơi. Sân chơi ở khu tập thể nơi bà Chí ở (tập thể bộ Thủy sản, ngõ 20 Nguyễn Công Hoan) hiện được dùng làm chỗ để xe và có một hộ bán phở. 
 
Trong khi đó, một số tổ trưởng dân phố khác cho biết, khu nhà họ có những khoảng đất có thể làm sân chơi, bị bỏ hoang nhiều năm và họ mong được tư vấn để làm sân chơi cho trẻ em, người già.
 
Một sân chơi trong phố hay khu dân cư, thậm chí ngay trước cửa nhà với những thiết bị chơi an toàn, bổ ích mà chi phí có khi chỉ bằng… không để con trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào là điều hoàn toàn có thể làm được nếu người lớn chúng ta thực sự quan tâm đến việc chơi của con trẻ.

"Bất kỳ tổ dân phố, khu dâncư nào muốn có sân chơi đều có thể được tư vấn miễn phí và giúp đỡ bởi các tình nguyện viên của nhóm Think Playgrounds" - chị Kim Đức - đại diện nhóm khẳng định.

Tuệ Khanh 

Monday, 1 December 2014

Sân chơi trong phố: Biến không thể thành có thể

(VnMedia) - Một sân chơi trong phố hay khu dân cư, thậm chí ngay trước cửa nhà với những thiết bị chơi an toàn, bổ ích mà chi phí có khi chỉ bằng… không, để con trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào là điều hoàn toàn có thể làm được ngay giữa Thủ đô Hà Nội.
 
Ngày 2/11, một sự kiện thu hút hàng trăm gia đình có trẻ nhỏ tham dự đã diễn ra tại Hà Nội. Không phải đến để nghe, nhìn hay chơi một cách thụ động, những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi đã có một ngày được chơi thỏa thích trong một không gian ngoài trời thoáng đãng, với những thiết bị hấp dẫn, an toàn được làm bởi bàn tay, khối óc và tấm lòng của các kiến trúc sư tình nguyện.
 
Nguyên vật liệu để làm ra những thiết bị chơi này là từ những chiếc lốp xe cũ, những mảnh gỗ thừa, những sợi dây thừng hay thậm chí là những viên sỏi, những chiếc lá, chiếc hộp cát tông… những vật liệu đơn giản nhưng niềm vui mà chúng mang lại thì rất lớn.
 
Chị Kim Đức, đại diện Ban tổ chức cho biết, trước thực trạng trẻ em Hà Nội thiếu một không gian vui chơi miễn phí trong các khu trung tâm, nhóm Think Playgrouds! - Nghĩ về Sân chơi trong thành phố đã xây dựng được 3 sân chơi trong nội thành Hà Nội. Đó là kết quả từ sự hỗ trợ của các cộng đồng dân cư, các tình nguyện viên, các doanh nghiệp hảo tâm cùng đóng góp tài chính, vật liệu và nhân công trong dự án xây dựng.
 
Tiếp nối hoạt động này, Think Playgrounds! cùng các nhà tài trợ quyết định tổ chức sự kiện Playday nhằm tạo một không gian vui chơi miễn phí đúng nghĩa cho trẻ em, phụ huynh cũng như thu hút sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng về tầm quan trọng của sân chơi trong sự phát triển toàn diện của các em.

Chỉ với những miếng gỗ thừa, các KTS đã tự tay mình làm thành một thiết bị chơi khiến lũ trẻ mải mê leo trèo, khám phá


 
Sự kiện chính Playday được tổ chức vào ngày mùng 2/11 tại Câu lạc bộ Mỹ, nhằm bắt đầu cho chiến dịch vận động xây dựng sân chơi, để trẻ em có được không gian vui chơi đúng nghĩa. Đây cũng là cơ hội để nhóm giới thiệu với những người quan tâm về cách thức xây dựng một sân chơi công cộng cũng như các quan niệm mới về ý nghĩa của việc "chơi". Ngoài ra nhóm cũng đã trình bày các thiết kế được làm từ vật liệu tái chế, giá thành rẻ và sáng tạo trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chí an toàn.
 
Chia sẻ tại sự kiện, bà Judith Hansen, tổ trưởng một khu phố ở Los Angeles nói rằng, trẻ em ngoài được ăn, ngủ, học hành thì phải được chơi. Và sân chơi không chỉ là nơi trẻ đến để hưởng thụ mà còn là nơi chúng học cách chia sẻ và sáng tạo.
 
"Hà Nội là nơi mà các sân chơi như vậy đang dần biến mất và nếu có chỗ chơi thì đó là nơi mà bố mẹ phải trả tiền." - bà Judith Hansen nhận xét và khẳng định, Hà Nội cần phải Hà Nội cần tạo ra rất, rất nhiều sân chơi cho trẻ em.
 
"Khi tôi đến Hà Nội, điều đầu tiên mà tôi tìm hiểu là sân chơi cho trẻ em. Ở hồ Hoàn Kiếm, tôi thấy không gian đẹp và có nhiều người lớn đi dạo, tập thể dục, đánh cờ… nhưng tôi không thấy trẻ em chơi. Cuối cùng, tôi thấy một số trẻ chơi ở chỗ Bút Tháp." Bà Judith kể lại ấn tượng về Hà Nội. 
 
Là một người từng đi khắp các nơi trên thế giới để tìm hiểu về sân chơi của trẻ em, bà Judith nói rằng, nước Mỹ không phải mọi thứ đều tốt đẹp và nước Mỹ cũng có rất nhiều vấn đề, nhưng tất cả trẻ em ở Mỹ đều được đến sân chơi, nơi mà trẻ em được chơi, gặp gỡ giao lưu với nhiều người đến từ các nền văn hóa khác nhau, nơi mà khoảng cách được xóa nhòa.
 
"Ở Mỹ, bất kỳ trường học, công viên… đều có cát cho trẻ em chơi. Mặc dù khi chơi, người chúng sẽ bị bẩn thỉu nhưng ai cũng thích. Bất kỳ người Mỹ nào lớn lên đều mang theo trong mình ký ức tuổi thơ với cảm giác bay lên khi được bố mẹ đẩy đi trên những chiếc xích đu." - bà "tổ trưởng dân phố" nói.
 
Bà Judith cũng đưa ra những ví dụ ở nhiều nước khác trên thế giới về việc quan tâm đặc biệt đến sân chơi của trẻ em, có nơi cũng từng trải qua chiến tranh như Việt Nam, bị ném bom… nhưng bây giờ, nơi các góc phố hay những chỗ từng đổ nát, họ đã làm nên những sân chơi cho trẻ em một cách đầy sáng tạo. Có thành phố còn làm cả sân chơi trên vỉa hè (Tây Ban Nha)…
 
Trong khi đó, một phụ huynh từ Úc trở về, có 2 con nhỏ cũng cho biết, về Việt Nam, chị thấy khó nhất là tìm chỗ chơi cho con (ngoài trời). Chị đành nhờ nhóm tư vấn đề làm sân chơi trên sân thượng nhà mình.

Những đứa trẻ này hoàn toàn có thể được chơi một cách sung sướng như thế này hàng ngày ở trong chính sân tập thể nơi chúng ở chỉ với những thiết bị chơi tự chế


Nhiều bậc cha mẹ, ông bà thì cho biết, họ đều có một tuổi thơ được chơi vui và hạnh phúc bởi khi đó, các khu tập thể hay khu dân cư ở Hà Nội chưa bị "bịt kín" bởi các hàng quán và ô tô, xe máy như bây giờ. Còn ngày nay, rất khó để tìm được một chỗ trống và càng khó hơn khi có một chỗ nào đó được đặt thiết bị để trẻ chơi miễn phí.
 
Đại diện ban tổ chức cho biết, bất kỳ một tổ dân phố hay khu dân cư nào có một khoảng đất trống (từ vài chục đến vài trăm mét) đều có thể làm sân chơi với chi phí rất thấp. họ cũng sẽ được tư vấn, thiết kế miễn phí, thậm chí được tặng một vài thiết bị chơi hoặc tài trợ một khoản tiền nhỏ ban đầu.
 
Sau khi tham quan khu chơi của trẻ, bà Chí, đại diện tổ dân phố 32 thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình vốn là một nhà giáo cho rằng, trẻ em ngày nay  học nhiều, ít được chơi vì không có chỗ chơi, chỗ vận động dẫn đến kém phát triển về thể chất, thiếu kỹ năng vận động, béo phì và nhất là ham mê xem TV hoặc chơi game.
 
Những sân chơi miễn phí như thế này là một gợi ý tốt để bà Chí về bàn bạc với tổ dân phố và các tổ chức, đoàn thể tìm cách có được khoảng không gian làm sân chơi. Sân chơi ở khu tập thể nơi bà Chí ở (tập thể bộ Thủy sản, ngõ 20 Nguyễn Công Hoan) hiện được dùng làm chỗ để xe và có một hộ bán phở. 
 
Trong khi đó, một số tổ trưởng dân phố khác cho biết, khu nhà họ có những khoảng đất có thể làm sân chơi, bị bỏ hoang nhiều năm và họ mong được tư vấn để làm sân chơi cho trẻ em, người già.
 
Một sân chơi trong phố hay khu dân cư, thậm chí ngay trước cửa nhà với những thiết bị chơi an toàn, bổ ích mà chi phí có khi chỉ bằng… không để con trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào là điều hoàn toàn có thể làm được nếu người lớn chúng ta thực sự quan tâm đến việc chơi của con trẻ.

"Bất kỳ tổ dân phố, khu dâncư nào muốn có sân chơi đều có thể được tư vấn miễn phí và giúp đỡ bởi các tình nguyện viên của nhóm Think Playgrounds" - chị Kim Đức - đại diện nhóm khẳng định.

Tuệ Khanh