Tuesday 30 September 2014

Biến bãi đất hoang thành sân chơi trên đảo Lý Sơn

Tiếp theo dự án sân chơi Bãi giữa mà nhóm Think Playgrounds hoàn thành, 4 thành viên đã rong ruổi ra tận đảo Lý Sơn để mang niềm vui đến cho lũ trẻ nơi đây.

 



ảnh minh họa

Từ một bãi đất hoang chờ dự án, với khoảng thời gian gần một tuần "quần thảo" với nắng gió, các thành viên của nhóm kết hợp với người dân trên đảo đã tặng cho trẻ con nơi đây một sân chơi đơn sơ nhưng nhiều tiếng cười, đủ để sáng sáng, chiều chiều, trong cái nắng chói chang của miền biển vắng vẫn rộn ràng niềm vui cất lên từ sân chơi nhỏ bé.

Lý Sơn là một huyện đảo 25.000 hộ dân có nền kinh tế mạnh nhờ hoạt động đánh bắt hải sản và được sự quan tâm đầu tư của chính phủ. Không những vậy, khi Hoàng Sa là một từ khóa nóng thì đây còn là địa danh ghi lại dấu ấn của từng cá nhân khắp mọi miền tổ quốc, đến với hòn đảo có một lịch sử huy hoàng về những đội hùng binh thời Nguyễn.

Sân chơi có thể làm ở bất cứ đâu

Nhân dịp nghỉ hè của các thành viên Think Playgrounds tại Lý Sơn, nhóm tình cờ biết được công viên trên đảo dù đã được xây dựng 6 năm nay, nhưng hầu như không phát huy tác dụng của một không gian công cộng, đặc biệt là dành cho trẻ em. Đã có một số cây lớn tỏa bóng mát, nhưng già mà nó được tận dụng triệt để thì khoảng đất gần 700m2 này có thể đã là một món quà lớn cho trẻ em tại nơi đây.

Tuy nhiên để mang được niềm hạnh phúc lớn này, cần một cái duyên lớn. Nhóm đã làm việc với Phó Chủ tịch huyện Lý Sơn và nhận được hưởng ứng tích cực từ cá nhân ông. Ý tưởng làm sân chơi sẽ được đưa vào cuộc họp thường vụ vào 2 tuần tới. Tuy nhiên, ngay trong thời gian còn lưu lại tại huyện đảo này, nhóm đã tìm tất cả những không gian thích hợp để đặt một món đồ chơi đơn giản vào đó giúp lũ trẻ có thể thư giãn vui chơi bất kỳ nơi nào.

Với lũ trẻ Lý Sơn, dù đất rộng thật nhưng chúng chỉ hay chơi trên những ruộng tỏi chưa trồng với trò ném dép vào nhau. Nhiều đứa buổi chiều trở về nhà trong cảnh chân đất, chân dép, rồi bị mẹ mắng, khóc nhè… đã trở thành cảnh thường thấy của lũ trẻ.

Lũ trẻ vui đùa với trò ném dép vào nhau

Cùng với sự nỗ lực của Think Playgrounds, nhóm còn được sự hỗ trợ của CLB 67 Quảng Ngãi đã rất nhiệt tình hưởng ứng, họ sẵn sàng quyên góp và chuyển lốp từ đất liền ra đảo. Tất cả những vật liệu này đã được Think Playgrounds trực tiếp thi công trên đảo. Đây là những món quà nhỏ dành cho vùng đất nắng gió và những con người hồn hậu. Tuy nhiên, Think Playgrounds hy vọng "món quà" sẽ lớn dần lên nếu có nhiều tấm lòng cùng tham gia với nhóm, bằng những đóng góp khác phù hợp với tinh thần dự án.

Nhật ký thú vị hình thành sân chơi:

Mặc dù nhóm đã hết thời gian nghỉ hè và phải chia tay đảo để trở về Hà Nội, tuy nhiên, khi họ rời đi, công việc hoàn thiện sân chơi vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngày 20/8, sau mấy ngày chờ đợi, do việc mua cát tại đảo gặp khó khăn khi đang bước vào chính vụ trồng tỏi, nhưng cuối cùng đã có 1 xe cát 5 khối đổ vào sân chơi. Đây là loại cát san hô chuyên để dùng trong việc trồng tỏi. Nhờ lớp cát trắng phản quang đã bảo vệ những mầm hành -tỏi không bị ánh mặt trời thiêu đốt tại Lý Sơn. Bởi vậy, đây cũng là vật liệu hoàn hảo cho trẻ em chơi.

Cuối cùng lũ trẻ cũng đã có lớp cát bảo vệ để ngã không đau.

Những cảm xúc gửi lại 
-
 Ngày 12/8: Nhóm đang chờ hồi âm từ CLB 67 Quảng Ngãi. Nếu mọi chuyện vẫn như kế hoạch, trong 2 ngày tới, nhóm sẽ nhận được 10 cái lốp. Các chi phí sẽ tập trung vào mua ốc, bulong để nối lốp, làm cầu trượt, mua sơn và mua cát trải nền. 
-
 Ngày 13/8: Nhóm đã nhận được 500.000 đồng hỗ trợ và mong chờ sáng mai 13 chiếc lốp kích cỡ khác nhau sẽ cập bến Lý Sơn.

Những chiếc lốp đang được CLB 67 Quảng Ngải chuyển tới Sa Kỳ và sáng mai sẽ cập cảng Lý Sơn

·  Ngày 14/8: Trong khi kế hoạch làm 1 góc sân chơi trước UBND Huyện Lý Sơn đang trong diện "đèn vàng" chờ đợi thì kết quả làm việc tại UBND Xã An Hải có thể coi là 1 bước tiến đầu tiên và quyết định cho dự án. Các món đồ chơi sẽ được đặt tại một bãi đất trong diện chờ quy hoạch, cỏ mọc um tùm.

"Tình nguyện viên" kiểm tra tháp lốp

Các hạng mục khá đơn giản: xích đu (5 cây bạch đàn dài 4,5m), tháp lốp (3 lốp ô tô và 4 thanh gỗ ván thuyền tận dụng), 2 bập bênh (1 loại chôn xuống đất và loại bập bênh di động). Mặc dù đã phải 3 lần gõ 3 cánh cửa khác nhau nhưng xã An Hải đã có những hỗ trợ đặc biệt hữu ích. Tiến độ dự án chậm vì lý do Lý Sơn chỉ có điện từ 5h chiều -11h đêm nên việc xã cho mượn một máy phát điện chạy dầu diezel, cuốc xẻng dọn vườn là một điều đáng quý.

Các vật liệu đơn sơ làm tháp lốp. Tuy không đẹp nhưng tất cả chúng đều thuộc về nơi nào đó của biển cả và đất liền


Tất cả các thành viên đều đã đốt sạch calo trong ngày hôm nay và ngay mai sẽ tiếp tục thi công trong điều kiện nắng nóng ngoài trời. Một thách thức khác đối với dự án, dù là rất nhỏ.

·  Ngày 15/8: Không ngờ nền đất tại đây lại cứng như vậy. Các thành viên mất 2 tiếng để đào 2 cái lỗ. Như mọi hôm, Lý Sơn nắng lúc nào cũng to.

Kết quả tháp lốp


-
 Ngày 16/8: Sau 3 ngày rưỡi làm việc 100% năng lượng, thành quả đã hiện ra là xích đu, tháp lốp, lưới leo trèo và cầu thăng bằng, bập bênh. Mặc dù khu vực vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng đây có lẽ là một sự khởi đầu nào đó tại Lý Sơn. Những đứa trẻ được quyền chơi không trả phí!

Tháp lốp đã hoàn thành, sẵn sàng đợi những đôi tay nhỏ xinh bám với, cùng những đôi chân thoăn thoắt trèo.

Bập bênh Ngựa vằn và Bọ hung sóng đôi nhau chờ được cưỡi.

Quang cảnh "công trường"


 Ngày 17/8: Ngày cuối cùng tại đảo của nhóm nên từ 5h sáng, các thành viên đã đến chia tay sân chơi bằng những công việc như gia cố lại chân khung xích đu, sơn thêm một số cầu thăng bằng, dọn rác và cuối cùng là chụp ảnh lưu niệm.

Cũng đã có nhiều ý kiến thắc mắc lo lắng rằng, nếu nhóm rời đi, ai sẽ là người bảo vệ sân chơi này cho lũ trẻ. Tuy nhiên, việc này đã được tính đến khi Think Playgrounds đã gửi gắm sân chơi cho một người bạn Lý Sơn trông nom và quan sát. Tuy nhiên, việc hư hại những đồ chơi tại không gian công cộng là tất yếu, không tránh khỏi và đó là lý do người dân phải cùng tham gia bảo trì. Bên cạnh đó, dự án sân chơi tại đây vẫn để mở cho các nhóm khác tiếp tục tham gia và đóng góp vào nữa. Như vậy một sân chơi mới lâu bền được.

Sau những ngày miệt mài tạo dựng sân chơi trên đảo, Think Plagrounds đã trở lại Hà Nội, nhưng các dòng thông tin về sân chơi tại Lý Sơn vẫn tiếp tục cập nhật trên facebook của nhóm. Họ gửi lời cảm ơn đến những tấm lòng đã quan tâm và giúp đỡ kinh phí mua nguyên liệu xây dựng sân chơi, cho đến những tâm tư, cảm xúc của họ cho sân chơi này và cả những sân chơi trong tương lai nữa.

Với họ: "Lý Sơn là một vùng đất nhiều cảm xúc với những con người chân thành và dễ mến. Hi vọng, sân chơi sẽ được người dân cùng bảo quản. Tại huyện đảo này, trẻ em không thiếu không gian chơi, thậm chí có những bối cảnh tuyệt đẹp, chúng chỉ thiếu những sản phẩm mà người lớn chúng ta dành cho chúng như một chứng nhận về tình yêu và sự quan tâm nho nhỏ, rằng, có rất nhiều thứ vụn vặt trong cuộc sống có thể lắp ghép thành những món quà đơn giản". Chỉ là người lớn có nghĩ đến con trẻ và hiểu chúng không mà thôi.

Tại một bãi đất trống, nếu ta để một túi rác, nó sẽ thành bãi rác. Nếu ta để một xích đu, nó sẽ thành sân chơi.

 

Ngôi trường chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng cao

(Dân trí) - Đối với trẻ em miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, được học tập trong ngôi trường mới khang trang, đủ tiện nghi là niềm ước ao bấy lâu. Niềm mơ ước đó của các em đã thành hiện thực trong năm học mới này nhờ sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm.

Đakrông là một huyện nghèo, thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị. Trong số đó, xã A Bung là địa phương nằm giáp với biên giới Việt Nam - Lào, nên điều kiện đi lại hết sức khó khăn, cách trở. Theo thống kê, hiện vẫn còn hơn 40% dân số xã này thuộc diện nghèo, cuộc sống của người dân còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Trên địa bàn có cửa khẩu La Lay, vừa được Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào cho nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng trên vùng đất này vẫn chưa được "đánh thức", để phát triển tương xứng.

Trong nhiều năm qua, trẻ em xã A Bung, huyện Đakrông phải sinh hoạt và học tập trong điều kiện thiếu thốn, việc đi lại hết sức gian nan và vất vả. Tại nhiều điểm trường cách xa trung tâm, giáo viên và học sinh phải giảng dạy và học tập trong những ngôi trường tạm bợ, mượn của nhà dân. Các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Chính vì vậy, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập, cũng như sự phát triển toàn diện về năng lực, thể chất của các em. So với những trẻ em ở miền xuôi, đó là một sự thiệt thòi rất lớn.

Với mong muốn tạo điều kiện để trẻ em miền núi 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) được học tập trong môi trường thuận lợi, Tập đoàn Prudential phối hợp với tổ chức Plan Việt Nam đã triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng trường học và các thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh ở bậc học Mầm non và Tiểu học.

Ngôi trường được xây dựng khang trang như hiện nay đã đáp ứng được niềm mong mỏi bấy lâu của trẻ em vùng cao.

 

Từ nay các cháu sẽ được vui chơi và học tập trong không gian mới, đủ tiện nghi.

Ngôi trường đầu tiên trong chương trình hỗ trợ xây trường học cho học sinh miền núi tại tỉnh Quảng Trị của Tập đoàn Prudential và Plan là Trường Mầm non thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông. Trường Mầm non thôn A Bung được khởi công xây dựng đã đáp ứng được niềm mong mỏi bấy lâu của các bậc phụ huynh lẫn các trẻ ở địa bàn vùng núi, rẻo cao này.

Trường có thiết kế xây dựng với tổng diện tích 140 m2, gồm 2 phòng học, 2 nhà vệ sinh khép kín, kho và hệ thống quạt, điện chiếu sáng; một giếng khoan và hệ thống cung cấp nước; một sân chơi cho trẻ em và hàng rào; 2 bộ đồ dùng đồ chơi mầm non. Công trình có tổng kinh phí đầu tư 84.496 USD, trong đó Quỹ Prudence của Tập đoàn Prudential - vương quốc Anh tài trợ 67.496 USD, phần còn lại là kinh phí đối ứng của địa phương.

Việc hoàn thành ngôi trường cũng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Sau 5 tháng xây dựng, ngay trước thềm năm học mới 2014 - 2015, ngôi trường Mầm non A Bung đã được hoàn thiện, bàn giao và đưa vào sử dụng. Ngôi trường mới sẽ đón tiếp khoảng 50 - 60 em từ 3 đến 5 tuổi. Đồng thời, việc hoàn thành ngôi trường này sẽ đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên và các cháu nơi đây. Góp phần nâng cao chất lượng trong học tập của trẻ em vùng cao.

Ngày 27/8, trong niềm hân hoan của phụ huynh và học sinh địa phương, lễ khánh thành Trường Mầm non A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, huyện Đakrông, xã A Bung, đại diện ngành Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan ban ngành các cấp cùng đơn vị tài trợ Tập đoàn Prudential, thông qua Quỹ Prudence; và tổ chức Plan - đối tác triển khai dự án.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Trường Mầm non A Bung.

Phát biểu tại lễ khánh thành Trường Mầm non A Bung, ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, hoan nghênh sự chung tay đóng góp xây dựng của các nhà hảo tâm, để trẻ em xã A Bung được học tập trong ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi. Ông Hùng cũng hy vọng, khi được giảng dạy và học tập trong ngôi trường này, chất lượng học tập của các cháu sẽ được nâng lên. Hơn nữa, trẻ em sẽ được sinh hoạt và học tập trong một môi trường thân thiện, được chăm sóc chu đáo và phát triển toàn diện để có thể tiến lại gần hơn với trẻ em miền xuôi. Qua đây, ông Hùng cũng gửi lời cảm ơn tới tập đoàn Prudential, thông qua Quỹ Prudence và tổ chức Plan đã dành sự quan tâm chu đáo đến trẻ em huyện nhà.

Bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc hỗ trợ cộng đồng, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam cho biết: "Những năm qua, song song với những thành quả trong hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Prudential luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiết thực hỗ trợ cộng đồng, khuyến học, khuyến tài trên phạm vi cả nước thông qua Quỹ Prudence. 

Trong hơn 10 năm qua, Quỹ Prudence đã thực hiện và hỗ trợ nhiều hoạt động xã hội và từ thiện trên khắp đất nước. Đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế công cộng và hỗ trợ cộng đồng. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2012 và 2013, Quỹ Prudence đã hỗ trợ 15.960 suất học bổng cho học sinh, xây dựng 350 ngôi nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo, tài trợ hàng chục tỷ đồng cho các chương trình giáo dục, y tế công cộng và hỗ trợ cộng đồng khác nhau trên khắp đất nước. Đây là ngôi trường thứ 5, nằm trong dự án "Cùng xây tương lai" được khánh thành do Quỹ Prudence, thuộc các công ty của Tập đoàn Prudential tại Việt Nam tài trợ".

Bà Phạm Thị Diệu Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non A Bung, cho biết: Toàn xã A Bung có 360 hộ với hơn 500 nhân khẩu, số trẻ em ở độ tuổi từ 3-5 rất đông. Trước đây, các cháu sinh hoạt và học tập trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất như: lớp học bị nứt, ẩm mốc; phải mượn nhà dân để học; không đủ thiết bị học tập. Để có nguồn nước cho các em sử dụng, các thầy cô giáo phải đi gánh nước mỗi ngày từ nguồn nước gần trường. Với điều kiện học tập như vậy sẽ gây khó khăn, nguy hiểm cho các cháu khi mùa mưa bão đến. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ từ Quỹ Prudence, ngôi trường mới khang trang đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng được lòng mong mỏi bấy lâu của toàn thể quý phụ huynh và các cháu.

"Từ nay các cháu sẽ được sinh hoạt và học tập trong không gian mới, tốt và an toàn hơn, với nhiều thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ việc học được hỗ trợ, đầu tư cơ bản. Tập thể giáo viên và các em sẽ cố gắng phấn đấu để đưa chất lượng dạy và học đi lên. Đặc biệt, ngôi trường được xây dựng khang trang cũng góp phần tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh, để họ yên tâm đưa trẻ đến trường" - bà Hồng chia sẻ.

Các cháu nhận những món quà ý nghĩa từ nhà tài trợ...

 

...và giao lưu với nghệ sĩ, MC Quyền Linh.

Nhân dịp khánh thành trường, các em nhỏ đang học tại điểm trường A Bung đã nhận được quà tặng như ba lô, các nhu yếu phẩm và dụng cụ học tập. Ngoài ra, gia đình đặc biệt khó khăn của xã đã nhận được hỗ trợ là 5 con dê, 1 bộ bàn ghế học sinh, áo ấm, chăn nệm, đồ dùng học tập, đồ chơi, balô, tập vở, áo mưa.

Dự án "Cùng Xây Tương Lai" do Quỹ Prudence, thuộc các công ty của Tập đoàn Prudential tại Việt Nam tài trợ, là chương trình xã hội cộng đồng tập trung giúp các em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa có điều kiện được đến trường. Dự án xây dựng 10 trường tại 6 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, và Kiên Giang, với 2 đơn vị triển khai dự án là Plan Vietnam và Saigon Children's Charity, được khởi công từ tháng 3 và dự kiến sẽ hoàn tất trong 10/2014. Dự án đã thu hút được sự ủng hộ và hưởng ứng từ ban ngành địa phương, đặc biệt là người dân địa phương, những người đã tự nguyện đóng góp ngày công, tài sản để xây dựng nên ngôi trường mới.

 

Đăng Đức

 

Bí quyết chọn môn thể thao phù hợp với trẻ

Trẻ thường xuyên vận động sẽ có một hệ cơ xương vững chắc, tránh nguy cơ béo phì… Tuy nhiên, không phải môn thể thao nào bé cũng chơi được. Do đó phụ huynh nên giúp trẻ chọn môn thể thao phù hợp với độ tuổi, thể trạng cơ thể.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Hoa, Phó hội trưởng Hội Dinh dưỡng - Thực phẩm TP HCM, những hoạt động thể thao ngoài trời chính là yếu tố quan trọng, giúp con trẻ khỏe mạnh thông qua việc tiêu hao các nguồn năng lượng đã được dung nạp cũng như kích thích trẻ tích cực bổ sung thêm dưỡng chất mới.

Những bí quyết dưới đây sẽ giúp phụ huynh tối đa sự phát triển của trẻ thông qua vận động.

Hợp với lứa tuổi

Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên không chỉ tốt cho sức khoẻ mà còn "kích" chiều cao của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bé cần chơi môn thể thao phù hợp với lứa tuổi để hệ xương không bị đè nén quá sức và chịu những tác động tiêu cực. Theo đó, giai đoạn 2-5 tuổi, trẻ còn quá nhỏ để có thể tham gia vào các môn thể thao có tính vận động cao. Vì vậy, các loại hình hoạt động tự do ngoài trời không theo khuôn khổ là tốt nhất cho trẻ.

Đối với trẻ 6-7 tuổi, khả năng kết nối và tập trung chú ý của trẻ phát triển hơn. Trẻ cũng hiểu và làm theo các hướng dẫn nhanh hơn. Vì vậy, các môn thể thao như bóng đá, thể dục, bơi lội, điền kinh, tập võ... rất phù hợp. Từ 8 tuổi trở lên, trẻ đã biết khái niệm của việc thắng thua. Vì thế, trẻ đã biết nghĩ ra cách ghi bàn, vượt qua những thử thách, trẻ biết nỗ lực để dành được chiến thắng. Vì vậy, trong độ tuổi này, trẻ hầu như có thể chơi được hầu hết các môn thể thao. Dù lựa chọn bất kỳ môn thể thao nào thì cha mẹ cũng nên cho trẻ tập luyện với cường độ vừa phải và điều độ.

Hợp với thể chất

Điều kiện thể chất góp phần không nhỏ đến lựa chọn hoạt động của trẻ. Theo đó, bạn không thể ép trẻ gày gò, có vấn đề về đường hô hấp tham gia các hoạt động thể thao đòi hỏi sự vận động lớn như bóng đá, chạy... Thay vào đó, phụ huynh nên cân nhắc các môn thể thao vừa phải phù hợp với thể chất, sức khỏe của con.

Nếu muốn cho bé vận động nhiều hơn, đặc biệt bố mẹ nên luyện tập cho bé dần dần với mức độ vừa phải. Bố mẹ cần kiên nhẫn cho trẻ những lời khuyên về khả năng cũng như tính cách của trẻ và tìm một hoạt động thật phù hợp cho con thử tham gia. Trẻ thừa cân có thể thiếu độ bền để chạy nhưng lại có thể thích thú với môn bơi; trẻ quá nhỏ con có thể gặp khó khăn khi chơi bóng rổ nhưng có thể sẽ thích thú thể dục dụng cụ, bóng bàn…

Hợp với sở thích

Phụ huynh nên suy nghĩ thể thao là một trò chơi, trước tiên nó cần có sự ham thích. Sự ép buộc có thể làm ức chế tâm lý trẻ. Từ đó rất dễ làm cho trẻ bị chấn thương do thực hiện một cách cố tình hay vô ý sai kỹ thuật các động tác. Phụ huynh lưu ý không tạo áp lực thành tích cao đè nặng tâm lý của con. Điều này là nguyên tắc căn bản cho sự luyện tập thể thao ở trẻ em.

Nếu như trẻ thể hiện niềm thích thú với các bộ môn thể thao, hãy để trẻ tham gia. Một vài bé có khí chất tự nhiên sẵn sàng thích thú tham gia đội chơi trong khi các số khác thì lại cảm thấy thoải mái khi hành động riêng lẻ. Đối với các bé thích tham gia đội thì nên chọn các bộ môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền còn đối với các bé có khuynh hướng thể hiện cá nhân thì nên chọn các môn như cầu lông, tennis, karate, khiêu vũ, bơi lội, bóng bàn...

Hợp với lịch sinh hoạt

Dù thể thao rất tốt cho sức khỏe, nhưng bố mẹ cũng phải điều chỉnh sao cho con vừa bảo đảm lịch trình sinh hoạt khoa học, vừa đủ thời gian hoạt động thể thao. Theo đó, trước khi đăng ký cho con tham gia các hoạt động thể thao bạn nên xem lịch học, để tránh tình trạng trẻ vừa chơi thể thao xong phải vào học, ăn cơm ngay...  Thể thao có tổ chức mang lại nhiều lợi ích nhưng một lối sống lành mạnh không phải là chỉ chơi thể thao. Điều quan trọng ở đây là giúp con bạn nhận ra rằng hoạt động thể thao là thú vị

 

Tuesday 23 September 2014

Sân chơi bổ ích cho thiếu nhi

Giải bơi lội TP. Nha Trang năm 2014 (do Trung tâm Văn hóa, Thể thao Nha Trang tổ chức ngày 23-8 tại hồ bơi Yết Kiêu) là một sân chơi bổ ích dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.


Giải đấu thu hút hơn 100 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ các đơn vị xã, phường, trường học của thành phố. Các VĐV tranh tài ở nội dung: bơi ếch, bơi trườn sấp với 2 cự ly 50m, 100m và được phân làm 4 nhóm tuổi (sinh năm 1998 đến 2005). Theo ghi nhận của chúng tôi, trong số các giải thi đấu thể thao phong trào TP. Nha Trang tổ chức, giải đấu này đã tạo được sức hút, sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các em học sinh. Ngay từ 7 giờ sáng, bên trong khuôn viên hồ bơi đã trở nên nhộn nhịp, hấp dẫn bởi sự cạnh tranh quyết liệt của các VĐV nhí trên đường đua xanh cũng như sự cổ vũ nhiệt tình của các bậc phụ huynh.

 

Các vận động viên tranh tài tại giải.


Trong cuộc tranh tài ở nội dung chung kết 50m trườn sấp nữ nhi đồng (lứa tuổi sinh năm 2005 trở về sau) của 5 em học sinh các xã, phường: Vĩnh Phương, Ngọc Hiệp, Phước Long, Vạn Thạnh, Xương Huân, ngay khi bước vào vạch xuất phát, hầu hết các em đều thể hiện quyết tâm thi đấu đạt thành tích. Sau hơn 1 phút, các VĐV đã hoàn thành phần thi của mình một cách xuất sắc với khoảng thời gian chênh lệch nhau chỉ từ 2 - 5 giây. Cụ thể, VĐV Nguyễn Hồ Hiền Anh (Vĩnh Phương) cán đích vị trí thứ nhất với thời gian 56 giây 91, các VĐV khác như Trần Ngọc Gia Hân (về thứ 2) với thời gian 1 phút 00 giây 54, Nguyễn Ngọc Phương Anh (Vạn Thạnh, về vị trí thứ 3) với thời gian 1 phút 2 giây 15.


Có mặt tại hồ bơi từ sáng sớm để cổ vũ con trai thi đấu, anh Lê Cung Văn, phụ huynh em Lê Minh Khang, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Phước Tân 1 cho biết: "Con tôi theo học lớp tập bơi mới gần 1 năm nay, đây là lần đầu tiên cháu tham gia giải đấu cấp thành phố". Trong phần tranh tài ở nội dung chung kết 50m trườn sấp nam nhi đồng lứa tuổi sinh năm từ 2005 trở về sau, được sự cổ vũ động viên của bố, Khang đã thi đấu xuất sắc và cán đích ở vị trí thứ nhì.  Theo anh Văn, việc thành phố nói chung, Trung tâm Văn hóa Thể thao Nha Trang nói riêng thường xuyên duy trì việc tổ chức các lớp sinh hoạt hè, trong đó có môn bơi lội cũng như tổ chức giải bơi dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng là cần thiết và bổ ích. Bởi qua các lớp học, giải thể thao như thế này, bên cạnh việc các em được giao lưu, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, đây sẽ là nơi tạo điều kiện để các em trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản tự bảo vệ mình.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc triển khai các kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đang được các cấp chính quyền quan tâm. Tại Cam Ranh, UBND thành phố đang xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh các xã, phường trên địa bàn và dự kiến thực hiện trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, ở Nha Trang, từ năm 2013 đến nay, UBND thành phố đã chi một phần ngân sách cho việc duy trì các lớp học bơi hè miễn phí cho từ 50 - 100 em học sinh nghèo các xã, phường. Không chỉ vậy, hàng năm, dù trong điều kiện kinh phí hoạt động còn khó khăn, Trung tâm Văn hóa Thể thao Nha Trang vẫn cố gắng duy trì tổ chức giải bơi lội dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Đây là điều đáng khích lệ.


AN NHIÊN

 

Thursday 18 September 2014

Sân chơi cho trẻ nhỏ làm từ tầm vông, lốp xe

Các em nhỏ Hội An được chơi các trò vận động ngoài trời, có cơ hội giao lưu, gắn kết với bạn bè.

 

Các em nhỏ ở vùng nông thôn thường chơi các trò tự nghĩ ra hoặc đá bóng, bơi ở sông, hồ mà ít có các sân chơi sáng tạo. Các KTS Hoàng Thúc Hào, Phạm Đức Trung, Nguyễn Thị Minh Thủy đã tham gia thiết kế một sân chơi thú vị ở thôn Thanh Tam Tây, xã Cẩm Thanh, TP Hội An.

 

 

Sân chơi được xây dựng ở một khu đất rộng, có nhiều bóng mát, những cây cổ thụ lâu đời đã tồn tại trước đó đều được giữ lại.

 

 

Sân cũng có những phần mái che để giúp các bé nghỉ ngơi khi mệt hoặc chơi lúc trời nắng gắt.

 

 

Các KTS tạo thành những tuyến chạy dài thay đổi cao độ, kiến tạo các không gian vui chơi liên tục, biến đổi theo di chuyển của người chơi.

 

 

Các trò chơi đơn giản nhưng phong phú, trẻ có cơ hội hòa nhập cùng bạn bè, khuyến khích hoạt động nhóm.

 

 

Vật liệu sử dụng là khung sắt kết hợp tầm vông và mái tôn. Các vật liệu phế thải như lốp ôtô được sử dụng làm đồ chơi.

 

 

Chất liệu của công trình gần gũi với tự nhiên, khiến không gian này hòa hợp với khung cảnh đồng quê xung quanh.

 

 

Những tuyến đường đi lại cũng giúp trẻ phải rèn luyện sự bền bỉ, dẻo dai.

 

 

Mô hình sân chơi này đã có nhiều ở nước ngoài nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.

 

 

Những chiếc lốp hỏng được tận dụng để trang trí và làm rất nhiều dụng cụ vui chơi cho trẻ.

 

 

Trò đu dây ở tầm thấp giúp trẻ rèn luyện thể lực đồng thời giảm chứng sợ độ cao.

 

 

Người dân địa phương tham gia vào quá trình làm sân chơi, các em nhỏ cũng có thể làm các công việc nhỏ, đóng góp cho nơi vui chơi của mình.

 

Ban Mai 

Wednesday 17 September 2014

Chàng trai trẻ xứ Nghệ và sáng kiến hiện đại hóa nông thôn

Có dịp về xã Nghi Long, hỏi thăm anh Trần Ngọc Hoàng, chủ của mô hình khu vui chơi trẻ em, người dân ở đây ai cũng biết. Là thanh niên trẻ tuổi, tính cách táo bạo, Hoàng khiến nhiều người nể phục khi có nhiều sáng kiến trong quá trình phát triển kinh tế tại quê hương.
Hoàng sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đông anh em, tại xóm 7 xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2007, Hoàng chọn cho mình hướng đi để thay đổi cuộc sống bằng cách đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.
Không bằng Đại học, Trần Ngọc Hoàng làm giàu theo cách của riêng mình
Đầu năm 2014, với nguồn vốn tích lũy được sau 7 năm lao động trên đất khách quê người, Hoàng mạnh dạn xây dựng mô hình khu vui chơi trẻ em Thiên thần với số vốn khởi điểm là 300 triệu đồng.
Nhờ sự tính toán kỹ lưỡng cũng như kinh nghiệm tham khảo học hỏi được trong chuyến đi miền Nam, sau thời gian ngắn thi công, anh Hoàng đã cho ra đời mô hình khu vui chơi bao gồm hệ thống đu quay, nhà hơi, bể cá và tàu điện ở quy mô đơn giản, bảo độ an toàn cho người chơi. Với mức giá trung bình các trò chơi giao động từ 2.000 – 8.000/15 phút, sau 2 tháng hoạt động liên tục, khu vui chơi đã mang về cho Hoàng doanh thu xấp xỉ 50 triệu đồng.
Chia sẻ về 'đứa con' đầu tiên của mình, anh Hoàng vui vẻ nói: 'Thời gian đầu hoạt động, mặc dù có tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình tương tự ở Sài Gòn nhưng tôi cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ về kỹ thuật. Mặt khác, đời sống của người dân tại địa phương chưa đồng đều, đa số là nông dân nên việc cho con tham gia vui chơi liên tục là rất khó khăn. Để đảm bảo cho khu vui chơi tiếp tục hoạt động, tôi sẽ cố gắng quan tâm hơn về vấn đề giá cả cũng như vấn đề bảo hiểm an toàn cho người chơi".
Một góc của khu vui chơi Thiên thần ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) do Hoàng xây dựng
Trao đổi về mô hình khu vui chơi trẻ em của anh Hoàng, ông Đinh Hải Quang, Trưởng thôn 7, xã Nghi Long cho biết, mô hình Thiên Thần rất bổ ích, giải quyết được vấn đề giải trí cho các em thanh thiếu niên toàn xã nói chung và thôn 7 nói riêng.
Chị Hoàng Thị Loan, một phụ huynh đưa con đến chơi tại khu vui chơi trẻ em chia sẻ: 'Mô hình vui chơi này rất lí thú, giúp cho những người bận công việc nhà nước như chúng tôi có cơ hội cho con được vui chơi mà không cần mất thời gian vào tận thành phố. Mặt khác, giá cả cũng phải chăng phù hợp với túi tiền của người dân tại địa phương. Chúng tôi phải cảm ơn anh Hoàng rất nhiều'.
Mô hình khu vui chơi ra đời gần như là một điểm sáng trong phát triển và hiện đại hóa kinh tế nông thôn nói chung và vùng quê Nghi Long nói riêng. Ý chí, nghị lực và quyết tâm của chàng trai trẻ xứ Nghệ đã phần nào gieo vào lòng người dân sự khâm phục, tự hào và là tấm gương sáng để bà con noi theo. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, Hoàng cũng hi vọng sẽ còn nhiều mô hình ý nghĩa ra đời, nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Thu Hải

Friday 12 September 2014

Các thiết bị điện tử tác động tốt hay xấu đến trẻ?

Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng lúc bé 3 tuổi, việc chơi các trò chơi không giáo dục trên màn hình cảm ứng trùng hợp với việc chậm nói của bé.

 

Nhiều nghiên cứu đã phân tích những tác động tiêu cực của màn hình điện tử đến sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, kết luận của họ không ngăn được sự hiện diện phổ biến của thiết bị này trong môi trường của trẻ em và thanh thiếu niên. 

Tháng 10/2013, một cuộc khảo sát được Common Sense Media tiến hành đã chỉ ra rằng 38% trẻ em Mỹ dưới 2 tuổi đã điều khiển được (bằng tay) màn hình của một thiết bị di động hoặc máy tính bảng. 

Con số này ngày càng tăng lên. Chúng ta nghĩ gì về điều này ? Phương tiện truyền thông và giải trí có lấp chỗ cho những tác động tiêu cực của một công cụ có mặt mọi nơi trong môi trường sống của trẻ và ngay từ khi chúng còn nhỏ ?

Để tìm hiểu thêm thông tin, các bác sĩ nhi khoa của Trung tâm Cohen Children's Medical Center của New York đã tiến hành một nghiên cứu đối với trẻ em sơ sinh đến 3 năm tuổi, tất cả trẻ em này đều sử dụng màn hình cảm ứng. 

Mục đích của nghiên cứu : xác định xem hành vi này có lợi hay không có lợi về mặt giáo dục. Các kết luận của nghiên cứu này đã được trình bày tại cuộc họp của Hội hàn lâm nhi khoa.

Điện thoại thông minh xem như món đồ chơi đầu tiên

Những tác giả của nghiên cứu nhắc nhở chúng ta rằng năm 2011, Viện hàn lâm nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo các bậc cha mẹ về việc sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử đối với trẻ dưới 2 tuổi, thiết bị này có thể ảnh hưởng đến vấn đề phát triển của trẻ nhỏ và trẻ không được hưởng lợi về mặt giáo dục từ các phương tiện này.

Tuy nhiên đến năm 2013, Viện hàn lâm nhi khoa Mỹ lại công nhận những tác động "tích cực và xã hội quan trọng" của các phương tiện này đối với trẻ em, nhưng với trẻ dưới 3 tuổi nó thì không. TS Ruth Milanaik, tác giả chính của nghiên cứu, quyết định tập trung vào mối liên hệ giữa sử dụng màn hình cảm ứng và phát triển nhận thức ở trẻ em ở độ tuổi này.

"Trong bệnh viện nhi của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy rằng điện thoại thông minh là + đồ chơi + đầu tiên mà cha mẹ đưa cho con của họ, tiến sĩ nói. Thiết bị này thay thế đồ chơi truyền thống. Đối với nhiều bậc cha mẹ, màn hình cảm ứng là nguồn giải trí duy nhất cho con của họ".

Bác sĩ nhi khoa đã yêu cầu các bậc cha mẹ hoàn thành điền trên một bảng câu hỏi để đánh giá việc con cái họ sử dụng các thiết bị này. Trong các gia đình mua một thiết bị được trang bị màn hình cảm ứng, độ tuổi trung bình tiếp xúc với thiết bị đầu tiên là 11 tháng, với 36 phút trung bình sử dụng hàng ngày.

Mục đích của việc sử dụng thiết bị, 30% số người được hỏi nói họ cho con họ xem các "chương trình giáo dục", 26% nói sử dụng các ứng dụng cho mục đích giáo dục, 28% nói con họ xử lý thiết bị không có mục đích gì và 14% nói con họ chơi những trò không mang tính chất giáo dục. Sáu trong số mười phụ huynh được hỏi nói rằng màn hình cảm ứng là một "lợi ích giáo dục" cho con cái của họ.

Hệ quả ngôn ngữ

Nghiên cứu này không cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các thành tích học tập của trẻ em sử dụng các thiết bị được trang bị màn hình cảm ứng và những trẻ em không sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, kết quả thu được cho thấy những đứa trẻ chơi những trò không mang tính giáo dục bị hạn chế phát triển về mặt ngôn ngữ.

Ngoài máy tính bảng và điện thoại thông minh, sự tác động của các màn hình khác cũng được đánh giá. Viện quốc gia về phòng chống và giáo dục sức khỏe Pháp nhắc lại rằng tháng 4/2008, Bộ y tế đã thu thập ý kiến của một nhóm các chuyên gia "về kênh truyền hình đối với trẻ em dưới 3 tuổi". 

Sau đây là trích dẫn báo cáo của cơ quan này : "Truyền hình không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 3 tuổi, dù cho đó là chương trình nào và các bậc phụ huynh có mặt hay không có mặt ở đó. 

Không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng các kênh truyền hình cho trẻ nhỏ có thể có một tác dụng có lợi đến việc phát triển tâm lí và cảm xúc của trẻ. (...) Các truyền hình không thể thay thế tác động của những người thân, đặc biệt là cha mẹ, đến trẻ nhỏ".

BS tâm thần Serge Tisseron (Pháp) chia sẻ ý kiến: "Trước 3 tuổi, một đứa trẻ cầncần phải tương tác với môi trường sống của nó bằng cách sử dụng cả năm giác quan. Do đó, cần tránh càng nhiều càng tốt các màn hình.

Về phần mình, TS Ruth Milanaik tóm tắt nghiên cứu của ông bằng một vài từ ngắn gọn: "Công nghệ sẽ không bao giờ thay thế cho sự tương tác cha-con. Cách tốt nhất để khuyến khích trẻ thêm hiểu biết vẫn là tăng cường nói chuyện với chúng".

AloBacsi.vn
Theo Vnmedia

 

Tuesday 9 September 2014

Xã hội hóa đầu tư khu vui chơi cho trẻ em

(SGGP). – Sáng 7-9, tại chương trình tọa đàm "Lắng nghe và trao đổi" do Thường trực HĐND TP phối hợp Đài Truyền hình TPHCM thực hiện, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND TP khóa VII về đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011 - 2015, TP đã ưu tiên bố trí vốn xây dựng và đưa vào hoạt động 10 khu vui chơi; hoàn thành kế hoạch đầu tư 3 nhà thiếu nhi tại quận Tân Phú, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị đã xây dựng thêm 67 điểm vui chơi khác từ việc tận dụng các mặt bằng, khuôn viên. 2 huyện ngoại thành gồm Cần Giờ và Củ Chi cũng được đầu tư thêm 2 điểm vui chơi. Dự kiến đến cuối năm 2015, TP sẽ xây dựng hơn 5.700 điểm vui chơi mới cho trẻ tại các xã nông thôn mới. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh cũng nhìn nhận thực tế, diện tích các khu vui chơi rất nhỏ hẹp, dưới 100m² chiếm đến 80%; từ 100 - 1.000m² chiếm 13%; trên 1.000m² chiếm 7%. "Do diện tích khu vui chơi nhỏ hẹp nên không đáp ứng được nhu cầu của các em", ông Minh nói. Nhiều ý kiến cũng phản ánh, nhiều khu vui chơi tồn tại tệ nạn xã hội; môi trường bị ô nhiễm; có khu vui chơi xây dựng xa nơi ở của người dân; nhiều thiết bị vui chơi đã xuống cấp, hoen gỉ… Phản ánh qua điện thoại đến chương trình, một cử tri quận 11 cho rằng, tính an toàn tại các điểm vui chơi chưa cao. Ngoài ra, đến nay tại 24 quận huyện của TP có 15 phòng chiếu phim 3D được hoàn thành, 9 phòng chiếu đang hoàn thiện. Nhưng do việc xây dựng không đồng bộ, đầu phim ít và cũ, thiếu tập trung nên vẫn chưa thu hút được các em đến xem phim.

Khu vui chơi ngoài trời cho học sinh vùng sâu vừa được khánh thành tại Trường Mầm non Hoa Sen, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định TP không thiếu tiền để đầu tư chăm lo cho trẻ em. Trong đó, việc đầu tư các khu vui chơi được xác định là lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, để việc đầu tư hiệu quả thì cần thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Do vậy, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm chỉ đạo lãnh đạo các địa phương, sở ngành TP phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em.

VÂN ANH

 

Monday 8 September 2014

Trẻ hạnh phúc hơn khi chơi ngoài trời

Theo một nghiên cứu gần đây, có khoảng 70% bé cảm thấy vui hơn khi được vui chơi ngoài trời vì bé luôn muốn tìm hiểu, khám phá các sự vật, hiện tượng xung quanh…

Trẻ phát triển nhờ vui chơi 

Vui chơi là một nhu cầu chính đáng giúp các bé tận hưởng thời thơ ấu thật hồn nhiên, vui tươi và hạnh phúc. Hiện nay, có khá nhiều dạng trò chơi cho bé nhưng quan trọng nhất vẫn là những trò chơi vận động ngoài trời, trò chơi tập thể… giúp bé phát triển được nhiều kỹ năng cần thiết cho sự phát triển toàn diện, chứ không phải là chỉ cho bé quanh quẩn với trò chơi máy tính hay trên iPad. 

Mẹ sẽ bất ngờ khi biết các trò chơi vận động như đá bóng, thả diều, kéo co… sẽ rèn sự linh hoạt, khéo léo và giúp cơ thể bé khỏe mạnh hơn. Những trò chơi lắp ráp mô hình, chơi với màu, cát, đất sét… kích thích khả năng tư duy và trí tưởng tượng, rèn luyện trí nhớ, khơi dậy hứng thú tìm tòi tích cực và giúp trẻ phát triển trí thông minh, tăng cường khả năng giải quyết vấn đề… 

Bên cạnh đó, khi vui chơi ngoài trời với nhóm bạn, bé còn được hình thành và phát triển nhiều kỹ năng xã hội như: giao tiếp, lãnh đạo, hợp tác làm việc theo nhóm, thể hiện tinh thần đồng đội, biết chia sẻ, hợp tác, cư xử với nhau một cách thiện chí, biết giải quyết vấn đề, xung đột... Theo đó, những phẩm chất tốt đẹp như tính kiên trì, trung thực, biết nhường nhịn, biết cư xử đẹp khi thắng thua… sẽ được phát huy, giúp bé hình thành nhân cách hoàn chỉnh hơn.

Bé tha hồ vui chơi, không ngại lấm bẩn tại "Trại hè OMO - Manchester United" với nhiều trò chơi vận động hấp dẫn ngoài trời, giúp bé phát triển nhiều kỹ năng cần thiết để lớn khôn

Tuy nhiều trò chơi sẽ khiến bé lấm bẩn, quần áo dính bùn đất nhưng điều quan trọng hơn là bé được trải nghiệm các trò chơi với tất cả niềm say mê, hứng thú, hình thành và phát triển nhân cách một cách tự nhiên. 

Chị Lan (Quận 3) - một phụ huynh ủng hộ việc vui chơi không ngại lấm bẩn của bé - kể rằng trong lúc quan sát con trai đang xúc đất trồng cây với các bạn cùng khu phố, chị nhận thấy cả nhóm không chỉ hào hứng vọc cát, xúc đá mà còn thể hiện sự phối hợp các vai trò khác nhau: bé này xới đất thì bé kia bê cây, trang trí đá màu xung quanh chậu. Bé Tin con chị năng nổ, tích cực hưởng ứng sự phân công của bạn trưởng nhóm hẳn hoi. Sau khi hoàn thành "nhiệm vụ", quần áo Tin toàn đất cát nhưng vẫn hào hứng khoe "Con trồng được 2 cây đó mẹ ơi. Con vui lắm!". 

Gắn kết tình mẹ con

Đối với bé, chơi cùng bạn thật thích nhưng niềm vui của bé sẽ "nhân đôi" nếu có mẹ. Mỗi khi chơi những trò vận động ngoài trời, có mẹ chơi chung hoặc đứng cổ vũ, bé sẽ thêm tinh thần để hoàn thành trò chơi. Nếu chẳng may bị vấp ngã, trầy xước, lấm lem quần áo, lời động viên của mẹ sẽ hóa "sức mạnh" giúp bé tiếp tục cuộc vui chơi, chẳng ngại bẩn nữa. 

Về phía mẹ, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng khi cùng nhau vui chơi, mẹ sẽ hướng bé vào những trò chơi bổ ích, phù hợp với tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm lý và khả năng của bé. Bên cạnh đó, mẹ có thể phát hiện những hạn chế để kịp thời uốn nắn hoặc nhận ra những ưu điểm giúp bé phát huy hoặc định hướng nghề nghiệp sau này. Quan trọng hơn, đây là cơ hội quý giá để vun đắp tình cảm gia đình, thiết lập niềm tin yêu giữa các thành viên. Những khoảnh khắc ấy sẽ giúp mẹ con gần gũi nhau hơn và trở thành hai người bạn thân thiết.

Có mẹ bên cạnh mỗi khi vui chơi thoải mái ngoài trời giúp tình cảm mẹ con khắng khít hơn

Chơi với bé quan trọng là thế nhưng chơi thế nào mới đúng và phù hợp khi mẹ quá bận rộn với công việc hàng ngày? Trên thực tế, mẹ vẫn có thể quan sát, lắng nghe, động viên khi bé chia sẻ về trò chơi nhưng tốt nhất mẹ nên dành chút thời gian để chuẩn bị một số trò chơi đơn giản và chơi cùng bé. Nếu bé tự "đề nghị" cùng mẹ chuẩn bị thì mẹ hãy để bé tham gia. Đây là dịp giúp bé tăng tính chủ động và linh hoạt hơn. 

Một trong những trò chơi trong "Kho tàng trò chơi" của OMO thu hút cả mẹ và bé cùng tham gia rất vui, dù chơi xong là cả 3 thành viên đều lấm bẩn


Chơi với con không mất nhiều thời gian như mọi người vẫn nghĩ, mẹ chỉ cần sắp xếp công việc để dành giây phút cần thiết nhất cho con. Quan trọng hơn cả là mẹ mong muốn chơi cùng con, sẵn sàng khuyến khích con vui chơi sau khi hoàn thành việc học. Vui chơi cùng con chẳng những không mất gì thêm mà còn thúc đẩy bầu không khí gia đình trong lành, bền vững; là xúc tác cho mối quan hệ mẹ - con; hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển nhân cách cho bé.

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng 
(Trưởng bộ môn Tâm lý ứng dụng, Đại học Sư Phạm Tp.HCM, Hội viên Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Tp.HCM)