Wednesday 10 December 2014

Trò chơi của học sinh vùng cao

Cây gậy, viên sỏi, những con sâu béo tròn hay chú chim sẻ đáng yêu trở thành trò chơi say mê của học trò vùng cao.

 

Bắn súng cao su, trò chơi "kinh điển" thời thơ ấu của bao thế hệ học trò từ nông thôn tới thành thị, từ đồng bằng đến vùng núi cao. Với những nam sinh người Mông này, súng cao su không chỉ là đồ chơi mà còn là dụng cụ để săn chim rừng.

 

 

Sâu măng béo tròn được một học trò 4 tuổi ở điểm trường La Chí Chải, Nàn Ma (Xín Mần, Hà Giang) bắt đến lớp. Đó là đồ chơi ưa thích của cậu bé và nhanh chóng được chuyền tay khắp trường. Đồ chơi này có thể khiến nhiều bạn miền xuôi sởn gai ốc.

 

 

Ngoài sách vở, những chú chim sẻ nho nhỏ cũng theo chân các em tới trường.

 

 

Trò chơi với những viên sỏi (ua chứ, đánh sỏi) gần như là sự kết hợp của trò đánh chắt, đánh chuyền. Quân chuyền không phải là thanh tre mà là những viên sỏi. Trò đánh sỏi thường có 4 người trở lên tham gia và là trò ưa thích của các nữ sinh mỗi giờ ra chơi.

 

 

Chơi chuyền không chỉ quen thuộc với những bé gái vùng nông thôn mà còn gắn liền với tuổi thơ của những nữ sinh người Mông. Này chuyền một, một đôi. Này chuyền hai, hai đôi, này chuyền ba, ba đôi...

 

 

Những viên bi ve tròn, nhiều màu sắc khiến các cậu bé mê tít trò bắn bi.

 

 

Giờ ra chơi, học sinh ở điểm trường Si Cà Lá, Pà Vầy Sủ (Xín Mần, Hà Giang) chia làm hai đội chơi trò đẩy gậy. Gần giống chơi kéo co nhưng dùng lực để đẩy đối phương thay vì kéo, đẩy bên kia qua vạch là thắng.

 

 

Những trò chơi gắn liền với đất như kim kỉm kìm kim tưởng như chỉ còn trong ký ức thơ ấu của nhiều người nhưng vẫn được các em nơi đây chơi hàng ngày. Khoanh một vòng tròn trên mặt đất làm "nhà", lấy vật nhỏ làm ''chó giữ nhà" rồi chôn xuống, không cho ai nhìn thấy "chó giữ nhà" được giấu ở đâu, rồi bắt đối phương bằng một lần phải tìm cho ra. Câu đồng dao "Kim kỉm kìm kim nhà ai mất chó sang đây mà tìm" đồng thanh vang lên say sưa khi chơi trò này.

 

 

Chơi trốn tìm với học sinh lớp 4 điểm trường Nấm Lu, Nấm Dẩn (Xín Mần, Hà Giang).

 

 

Bỏ qua các trò chơi tập thể cùng bạn bè, cậu học trò này cho miếng kim loại cắt tròn có đục hai lỗ, lồng sợi dây dù qua, lắc vài vòng rồi kéo căng sợi dây để cho đồng xu quay tít.

 

 

Trong ánh nắng chiều bình yên, các nam sinh ở điểm trường tiểu học số 2 Tả Ngảo (Sìn Hồ, Lai Châu) ngồi tụ tập trên sân trường chơi trò nặn đất.

 

 

Trường học là ngôi nhà đất ba gian, học trò Thèn Phàng (Xín Mần, Hà Giang) chơi trò đo trường, nắm tay nhau thành một vòng tròn xem trường rộng bằng mấy người ôm.

 

 

Tuổi thơ lớn lên bên ruộng lúa, nương ngô còn nhiều kham khổ, được đến trường đã là niềm vui. Phòng học nhiều nơi còn là tranh tre nứa lá, sân chơi của các em cũng rất đơn giản, đôi khi là bãi đất rộng nằm ở lưng chừng núi, lưng chừng trời.

 

 

Có lúc, sân chơi là mảnh ruộng bậc thang còn trơ gốc rạ nằm ở ngay dưới sân trường đang chờ mùa nước đổ.

 

 

Nhưng vẫn không ngăn được tiếng cười đùa trong trẻo của các em khi chơi trò đuổi bắt trên sân trường.

 

Hoàng Phương
Ảnh: Đỗ Hùng

 

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home