Tuesday 28 October 2014

“Sân chơi vui vẻ” cho trẻ em nơi biên giới

 

Những đứa trẻ Cơtu ở A Xan (H. Tây Giang, Quảng Nam) thỏa sức vui chơi ở "Sân chơi vui vẻ" Ảnh: H.Nam

VH- "Sân chơi vui vẻ" là tên gọi của Dự án xây dựng những sân chơi an toàn từ những vật liệu đơn giản do CLB Thanh niên thiện nguyện Sharing the life (Đà Nẵng) đang triển khai cho trẻ em ở khu vực miền núi Quảng Nam, Đà Nẵng.

Sân chơi đầu tiên của dự án vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng tại sân trường Mầm non Tuổi Thơ, thôn A Rầng, xã biên giới A Xan (huyện Tây Giang, Quảng Nam) đã mang lại nhiều niềm vui cho hàng trăm đứa trẻ Cơtu vùng xa xôi này, giúp bọn trẻ có được điểm vui chơi an toàn, hạn chế đu theo những trò chơi nguy hiểm đến tính mạng. Qua bàn tay khéo léo và tâm huyết của những bạn trẻ trong CLB, những vật liệu đơn giản, được tận dụng lại như: máng trượt, lốp xe tải, thép chống gỉ,… đã được thiết kế thành một sân chơi có diện tích khoảng 100 m2 an toàn, ý nghĩa cho trẻ em nơi vùng rừng núi.

Tuy diện tích nhỏ gọn, nhưng sân chơi vẫn có đến 12 trò chơi được thiết kế từ những vật liệu đơn giản, tiết kiệm và vẫn đảm bảo an toàn, đầy sáng tạo như trò bập bênh, cầu trượt, giàn xích đu, ghế nhún, lắc tay,… Những trò chơi đều hướng các bạn nhỏ đến sự sáng tạo, vận động, trợ giúp rèn luyện một số kỹ năng cần thiết cơ bản cho các bạn nhỏ. Tất cả đều do các thành viên của CLB tự tay thiết kế, thực hiện, đảm bảo độ bền và an toàn cho các thiết bị.

Ngay khi "Sân chơi vui vẻ" đưa vào sử dụng, các thành viên CLB Sharing the life đã tự tay trồng hàng cây cảnh bao quanh, tạo không gian xanh - sạch - đẹp cho công viên, tặng 315 áo ấm mới và 110 suất học bổng cho năm học mới cho các em nhỏ, 450 suất chăn ấm và nhu yếu phẩm tặng đồng bào nghèo ở A Xan.

Sau công trình này, CLB sẽ tiếp tục làm thêm nhiều sân chơi tương tự để tặng các em nhỏ miền núi vốn thiệt thòi, góp phần đa dạng hóa không gian vui chơi, giải trí, giảm thiểu tai nạn đáng tiếc do thiếu sân chơi.

Khánh Chi

 

Monday 27 October 2014

6 hoạt động ngoài trời bố mẹ có thể chơi cùng con

(YTT) - Cho dù bạn đang ở một căn hộ chung cư cao tầng hay có cả một sân vườn rộng sau nhà thì bạn cũng có thể chơi cùng con 6 trò thú vị và dễ dàng dưới đây để giúp chúng ý thức nhiều hơn về thiên nhiên.

·        

 

Khám phá hạt giống nảy mầm là trò chơi thú vị bố mẹ có thể chơi cùng con. Ảnh minh họa: Cô và trò trường Little Canary Skool

Ngày xưa trẻ con thường được gắn bó với thiên nhiên nhiều hơn. Chúng có thể đày nắng cả ngày, leo trèo câu hay bơi lội bì bõm ngoài sông. Trẻ được tự do khám phá thiên nhiên. Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển, cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên của trẻ dường như ngày càng bị co hẹp lại. Trẻ con ngày nay ít có cơ hội hòa mình với thiên nhiên. Hầu hết chúng chỉ ở nhà, chơi điện tử hoặc "khám phá" thiên nhiên thông qua… màn hình máy tính.

Theo nhà nghiên cứu Randy White trong cuốn Young Children's Relationship with Nature (Tạm dịch: Mối liên hệ giữa trẻ em và thiên nhiên) ông đã chỉ ra trẻ con ngày nay chỉ được khám phá thiên nhiên qua màn hình ti vi, hậu quả là chúng không hiểu được bản chất tồn tại của thế giới xung quanh.

Bố mẹ cần khuyến khích trẻ khám phá những kì thú của thiên nhiên xung quanh chúng. Cho dù bạn đang ở một căn hộ chung cư cao tầng hay có cả một sân vườn rộng sau nhà thì bạn cũng có thể chơi cùng con 12 trò thú vị và dễ dàng dưới đây để giúp chúng ý thức nhiều hơn về thiên nhiên.

Ngắm những chú chim

Chim choc có ở khắp nơi, thậm chí ngay cả ở trong những trung tâm thương mại sầm uất cũng có. Thỉnh thoảng hãy dẫn con ra ngoài chơi chỉ cho chúng những con chim tinh nghịch đang chuyền cành trên những tán lá, hay đơn giản là dẫn con đến sở thú để ngắm những chú chim đa dạng sắc màu. Chắc chắn bọn sẽ thích và nhìn ngắm không chớp mắt.

Xem loài kiến giúp đỡ nhau

Đừng chỉ xem kiến là loài côn trùng muốn tiêu diệt khỏi nhà. Trẻ có thể học được rất nhiều bài học hay từ loài kiến. Hãy chỉ cho con cách loài kiến cùng giúp đỡ nhau"vác" một mảnh thức ăn về tổ. Rất có thể những đứa trẻ của bạn sẽ theo dõi sự kì thú này cho đến khi bọn kiến biến mất về "hang ổ" của chúng. Trong lúc chơi, bố mẹ có thể giải thích cho con về việc giúp đỡ, chia sẻ công việc và sự chăm chỉ của loài kiến.

Khám phá mạng nhện

Thay vì ngay lập tức quét màng nhện đang đeo bám trên những cành cây hay trên tường nhà,hãy gọi con lại và chỉ cho chúng thấy. Chắc chắn trẻ sẽ ngạc nhiên, tò mò khám phá khi thấy cảnh một con ruồi bị mắc kẹt trong mạng nhện và những bước di chuyển nhanh nhẹn của những con nhện "tấn công" con mồi.

Quan sát quá trình một con sâu bướm biến thành một con bướm

Được "trải nghiệm" một cách gần gũi và hiểu rõ quá trình hình thành của một con bướm cũng là trò chơi kì thú bố mẹ có thể làm cùng con. Sự hồi hộp chờ đợi xen lẫn những khám phá chắc chắn sẽ khuyến khích trí tò mò, tìm hiểu của trẻ.

Xem cua bò

Chỉ đơn giản là ra chợ, mua một mẻ cua về giã nấu canh và chừa lại một con để vào trong chậu cho trẻ khám phá. Trong trò chơi này mẹ và bé có thể tìm hiểu về cách di chuyển của con cua.

Hạt giống nảy mầm

Hãy để con được khám phá điều kỳ diệu khi gieo hạt giống nẩy mầm. Chỉ đơn giản là một hạt đỗ xanh gieo cùng một núm đất nhỏ, hoặc để trong một cục bông ẩm tẩm nước. Hãy để cho trẻ tự tay kiểm tra chúng hàng ngày. Chắc chắn bé sẽ ngạc nhiên reo lên khi nhìn thấy những mầm non nhú lên sau đó.

Theo Yeutretho/Seatimes

 

Friday 24 October 2014

Chơi với con cũng cần phải học

Khi hồi tưởng lại thời thơ ấu, chắc hẳn cha mẹ vẫn nhớ như in những trò chơi dân dã như trèo cây, bắn bi, đá bóng, nhảy dây… Chính những niềm vui đó đã tạo nên nhiều ký ức đẹp và trở thành điểm tựa tinh thần cho cha mẹ khi họ trưởng thành.

Vì vậy, đến khi thực sự có mái ấm nhỏ của mình, cha mẹ hơn ai hết hiểu rằng được vui chơi là món quà tuổi thơ vô giá mà đứa trẻ nào cũng muốn có. Tuy nhiên, ở thời hiện đại khi cha mẹ bận rộn với bao áp lực từ cuộc sống, liệu rằng việc cho con chơi và chơi cùng con có thực sự dễ dàng?


Bé lúc nào cũng cần được vui chơi

Khi so sánh đơn giản giữa cuộc sống ngày xưa và thời hiện đại, chúng ta dễ dàng nhận ra trẻ em thời hiện đại gặp khá nhiều thiệt thòi so với thời trước. Nếu ngày trước trẻ có vườn cây rộng rãi, đồng lúa cò bay thẳng cánh để tha hồ chơi đùa chạy nhảy cùng bạn bè thì nay, các bé hầu hết đều ở trong không gian 4 bức tường nhà, trước màn hình tivi, máy tính… Chưa kể cha mẹ bận rộn đi làm nên lắm lúc con chỉ chơi một mình, làm bạn với các thiết bị công nghệ. Với bé, vui chơi nhiều khi trở thành "món quà" xa xỉ trong những dịp được cha mẹ dẫn đi công viên, ăn uống…


Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh (Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Đọc sách cùng con) cho biết: "Từ 1 tuổi trở lên, các bé bắt đầu háo hức khám phá thế giới bên ngoài qua các trò chơi. Trẻ con không cần quá nhiều để khôn lớn. Có thể học ít đi một chút, xem tivi ít đi một vài giờ, ăn bớt đi vài món thừa chất nhưng luôn cần một sân chơi! "Sân chơi" phải là nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng. Đó là một không gian được dành riêng cho trẻ, hoặc đơn giản là những khoảng cỏ xanh hoặc đất trống. Đó là nơi trẻ được chạy nhảy, là nơi trẻ hòa mình với thiên nhiên, hít thở khí trời, làm những điều con muốn mà không bị không gian thành thị bó buộc."

Đồng tình với quan điểm rằng trẻ lúc nào cũng cần có "sân chơi" của riêng mình, chị Ngũ Thị Diệu Bình (Nhân viên văn phòng, TP.HCM) chia sẻ: "Luôn muốn con có được khoảng không gian thoải mái để chơi đùa, hai vợ chồng quyết định chuyển nhà đến Nhà Bè, ngay giữa một khoảng xanh cây cối rất mát mẻ. Tuy hơi xa trung tâm thành phố một chút nhưng Gin nhà mình thì vô cùng thích vì chỉ cần bước ra khỏi cửa là con sẽ có ngay một khoảng không gian rất thoáng đãng, tha hồ chơi đùa với bạn bè. Vào những chiều hè, gió mát rượi, bé thường cùng bạn hàng xóm chạy xe đạp dạo quanh khu phố, hái hoa bắt bướm hay nô đùa thỏa thích. Mình luôn yên tâm con sẽ có thật nhiều kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ của bé."


Chị Diệu Bình luôn tạo điều kiện cho Gin vui chơi thỏa thích ngoài thiên nhiên rộng lớn.


Học cách chơi cùng con

Trong hành trình vừa chơi vừa học ấy, cha mẹ luôn đóng vai trò quan trọng bởi họ vừa là người thầy, vừa là người bạn đồng hành cùng con. Hơn ai hết, chỉ có cha mẹ - những người đã trải qua một thời tuổi thơ đầy hạnh phúc mới thấm thía niềm vui của quãng thời gian ấy, và cách thời thơ ấu đã nuôi dưỡng nên một người trưởng thành hạnh phúc ra sao.


Gin luôn có mẹ Diệu Bình làm bạn trong mọi trò chơi và khám phá.

Chơi cùng con thật ra không khó, nhiều cha mẹ đã và đang từng ngày cố gắng làm bạn cùng con, hiểu con hơn trong từng suy nghĩ, hành vi, phản ứng của con trước một sự việc. Chẳng hạn như khi con quấy khóc vì tranh giành đồ chơi với em, khi con nhất định không chịu mặc bộ quần áo mà mẹ nghĩ là đẹp mà chỉ chọn "bộ cánh" bé thích, hoặc khi con chỉ mê "vọc" Ipad chứ không ưa cùng mẹ đi công viên… Tất cả những chuyển biến về tâm lý đó cha mẹ nên hiểu và bằng tình cảm của mình trò chuyện với con, cổ vũ khích lệ khi con làm được thành quả nho nhỏ nào đó và sẵn sàng chơi cùng con những trò trẻ nít nhất. Có như vậy, cha mẹ và con hoàn toàn có thể cùng nhau tạo nên nhiều kỷ niệm tuổi thơ thật đẹp.

Chị Trương Hoài Anh (Nhân viên văn phòng, TP.HCM) chia sẻ cách chị làm bạn với con: "Luôn trò chuyện nhỏ nhẹ, sẵn sàng cùng con vận động, chơi đùa là cách tôi cùng con tận hưởng những ngày thơ ấu quý giá. Lúc rảnh rỗi, tôi sẽ dẫn cu Kem xuống sân nhà chơi bóng rổ. Kem còn nhỏ nên dĩ nhiên không thể làm nhiều động tác chuyên nghiệp rồi, nhưng bé thích mê vì có mẹ làm bạn, cùng mẹ vờn bóng, vỗ tay rối rít khi mẹ thảy bóng vào rổ… Mỗi lần chơi với con, thấy con cười đùa sảng khoái là thêm một lần tôi thấm thía niềm hạnh phúc của người làm mẹ."


Trò chơi bóng rổ yêu thích của hai mẹ con chị Hoài Anh và Kem. 

Làm bạn cùng con không hề khó vì đó sự kết nối bền bỉ đầy yêu thương của mối quan hệ huyết thống ruột rà. Tuổi thơ của con trôi rất nhanh, ngày tháng bên con tưởng dài nhưng hóa ra lại ngắn ngủi, vì vậy cha mẹ hãy dùng tình thương của mình trở thành người bạn thân thiết thời thơ ấu của con, cùng con tạo ra những niềm vui và hồi ức tươi đẹp trong hành trình khám phá cuộc sống.

 

Thursday 23 October 2014

Giúp trẻ mầm non 3 tuổi phát triển ngôn ngữ thông qua trò chơi con rối

GD&TĐ - Nhận thấy trẻ 3 tuổi rất thích chơi vơi búp bê, các con rối nhiều màu sắc, cô Dương Thị Giác Duyên  đã sáng kiến: Sử dụng con rối để giúp các bé tập nghe, hiểu, diễn đạt câu nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Co Duyên là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố của Trường mầm non Vàng Anh (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).

Sáng kiến trên của cô Duyên đã được Bộ GD&ĐT tuyển tập vào kỷ yếu "sáng kiến kinh nghiệm" dịp Liên hoan Giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc năm 2013.

Cùng trẻ làm quen và sử dụng các con rối

Thực tế cho thấy, trẻ 3 tuổi thường phát âm chưa rõ, các bé thường nói ngọng, nói đớt. Ví dụ: Con khỉ thì trẻ nói là "con hỉ", đi thì trẻ nói là "zi" v.v…

Từ thực tế trên, cô Duyên luôn suy nghĩ làm thế nào để giúp trẻ khắc phục các hạn chế trên và để trẻ phát triển tốt ngôn ngữ qua các hoạt động hàng ngày.

"Qua quan sát hoạt động của trẻ, tôi nhận thấy trẻ 3 tuổi rất thích chơi với búp bê, với các con rối nhiều màu sắc. Trong chế độ sinh hoạt của trẻ thì hoạt động vui chơi với đồ chơi ngỗ nghĩnh nhiều màu sắc là phương tiện tiếp cận trẻ hiệu quả. 

Từ đó, tôi đã quyết định sử dụng con rối để giúp trẻ 3 tuổi ở lớp tôi đang phụ trách tập nghe, hiểu, diễn đạt câu nhằm phát triên ngôn ngữ cho trẻ" – cô Duyên bộc bạch.

Theo đó, cô Duyên đã xếp đặt các con rối thuận tiện cho việc lấy, cất và thu hút sự chú ý của trẻ. 

Ví dụ: Với những con rối que tôi cắm vào từng ngăn túi nhỏ. Những con rối dẹt nhỏ hơn cho vô hộp để trẻ dễ sử dụng. Với những con rối đi kèm với đĩa ghi âm lời kể và sách hình minh họa thì cho vào từng chiếc túi theo từng câu chuyện kể.

Phân loại các con rối theo chất liệu (vải, giấy bìa, ống giấy, bao tay…) và sử dụng cho từng loại rối (Rối dẹt, rối que, rối ống, rối bao tay…) để phù hợp với sự phát triển sinh lý của trẻ.

Ở giai đoạn đầu năm học, cho trẻ sử dụng những con rối que đơn giản, đến cuối học kỳ I trẻ sử dụng rối hộp – rối li, sang học kỳ II trẻ có thể sử dụng rối bao tay. "Khi bổ sung loại rối mới tôi thường cùng trẻ xếp đặt các con rối, giúp trẻ dễ nhớ và tự lấy cất khi chơi, như vậy sẽ chủ động khi cần chơi" – cô Duyên chia sẻ.

Cũng theo cô Duyên, do đặc điểm phát triển sinh lý của trẻ 3 tuổi thì độ nhạy của các nhóm cơ còn nhỏ, việc phối hợp giữa tay và mắt trong các hoạt động với con rối còn hạn chế nên mỗi khi giới thiệu các con rối tôi hướng dẫn trẻ cách sử dụng từng loại rối từ đơn giản đến phức tạp bằng cách cùng chơi với trẻ.

Ví dụ: Loại rối đơn giản nhất là rối quê, tôi hướng dẫn trẻ cầm rối que đưa qua trái – qua phải để biểu thị con rối đang hoạt động. Với những con rối li, rối hộp tôi hướng dẫn trẻ cho các ngon tay vào chỗ khoét phía sau con rối để di chuyển con rối qua lại v.v…

 Sử dụng đồ chơi con rối để kích thích ngôn ngữ cho trẻ

Sử dụng con rối làm phương tiện phát triển ngôn ngữ

Bài tập trò chơi được thiết kế từ dễ đến khó,từ đơn giản đến phức tạp. Đối với trẻ phát âm chưa rõ, trẻ nói ngọng, vốn từ còn hạn chế: Cô sử dụng con rối làm phương tiện để kích thích trẻ lập lại lời nói của cô, tập nói từ đơn, từ đôi.

Ví dụ: Trẻ 3 tuổi ở giai đoạn đầu năm trẻ chưa biết dạ - thưa, chưa biết chào cô. Cô xuất 2 con rối que hoặc rối hộp lànNhân vật cô và bé, sau đó dạy bé nói: "Con chào cô", "dạ, cảm ơn…"

Đối với trẻ mức độ khá hơn, cô tổ chức trò chơi "Đoán tên nhân vật". Cụ thể, cô mô tả đặc điểm quen thuộc của nhân vật, trẻ nghe, chọn con rối và nói tên nhân vật đó. Từ đó, phát triển trò chơi này lên: Trẻ tự điều khiển con rối và trò chuyện với nhau về tên trẻ, tên bạn khác.

Cùng rối tập nói từ dễ đến khó

Giáo viên có thể cho trẻ tập mô tả một số đặc điểm của sự vật, hiện tượng đơn giản: Tên gọi và đặc điểm nổi bật của con vật quen thuộc, đặc điểm bên ngoài của cây hoa, quả, tên và nghề nghiệp của bố mẹ.

Đối với những trẻ ở mức độ giỏi: Đầu tiên cô sử dụng nhân vật rối là các nhân vật quen thuộc trong các câu chuyện đã biết, cho trẻ mô phỏng hành động và nói câu thoại đơn giản của nhân vật đó.

Sang học kỳ II, nâng cao yêu cầu trẻ sử dụng rối để tái tạo lại nội dung câu chuyện. Đến giai đoạn cuối năm học trẻ tự chọn con rối và tự nghĩ ra câu chuyện kể sáng tạo theo ý trẻ.

Thông qua đó nhằm phát huy kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ. Trẻ tập nói câu đơn giản, câu đơn mở rộng – câu ghép, trẻ có thể thay thế chủ ngữ - vị ngữ bằng cách thay đổi hình ảnh rối dẹt hoặc các con rối khác. Dần dần trẻ sử dụng rối kể thành câu chuyện đơn giản.

Với những biện pháp như trên, việc thực hiện các trò chơi với con rối nhằm giúp trẻ rèn tập về ngôn ngữ đã có những chuyển biến tốt như: Trẻ hứng thú tích cực tham gia vào hoạt động với con rối không những trong hoạt động vui chơi mà còn vào các thời điểm khác trong ngày. 

Đồng thời có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng nghe hiểu và diễn đạt. Biết cách sử dụng nhiều loại rối khác nhau do cô giao giới thiệu. Đặc biệt là trẻ tự tin, mạnh dạn hơn.

Thực hiện biện pháp để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua sử dụng con rối trong các trò chơi đã giúp cho giáo viên thực hiện tốt yêu cầu về phát triển ngôn ngữ theo nội dung chương trình giáo dục mầm non và đạt yêu cầu về phát triển ngôn ngữ cuối độ tuổi. Đồng thời, thỏa mãn nhu cầu được vui chơi của trẻ, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, tự tin và ham thích đến lớn.

Minh Phong (ghi)

 

Wednesday 22 October 2014

Tạo hứng thú cho trẻ vận động

Từ năm 2013, Khánh Hòa là một trong những tỉnh được chọn triển khai thí điểm chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non (MN), giai đoạn 2013 - 2016" do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phát động. Từ hiệu quả của chuyên đề này, cần phát triển sâu rộng ra nhiều trường MN.

 
Tăng cường khu phát triển thể chất


Vào năm học mới, học sinh và phụ huynh Trường MN Hương Sen (Nha Trang) rất thích thú khi nhà trường đầu tư làm sân bóng mini bằng cỏ nhân tạo và đưa sân chơi này vào khu hoạt động thể chất của nhà trường. Bên trong sân bóng, trường còn linh động bố trí khu vực để các bé đánh cầu lông, làm cầu thang bằng dây thừng để các cháu có thể chơi trò leo trèo, xích đu... Vào giờ ra chơi hay kết thúc buổi học, hầu hết học sinh của trường đều ùa ra sân để chơi, tiếng cười vui rộn một góc sân trường. Đây là công trình xã hội hóa do các mạnh thường quân và phụ huynh của trường đóng góp để thực hiện chuyên đề "Nâng cao chất lượng GD phát triển vận động cho trẻ giai đoạn 2013 - 2016". Ngoài ra, trường còn cải tạo lại khu sinh hoạt ngoài trời, mua sắm thêm các dụng cụ trò chơi như cầu tuột, xích đu bằng bánh xe, hố cát… để tăng cường hoạt động vận động cho trẻ.

 

Học sinh Trường Mầm non Hương Sen chơi các trò chơi vận động ở sân bóng đá mini.


Bên cạnh các khu vui chơi, hoạt động ngoài trời đã có từ trước, thực hiện chuyên đề này, Trường MN Hướng Dương (Cam Lâm) cũng đang xây dựng thêm khu phát triển thể chất. Theo thiết kế, khu phát triển thể chất rộng 1.500m2, được sử dụng để làm đồi cát, hầm chui, cầu treo, cầu khỉ… Ngoài ra, sẽ bố trí thêm thang leo, xích đu bằng bánh xe để tăng cường khả năng vận động của trẻ. Bà Trần Thị Oanh Kim - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường MN Hướng Dương là một trong những trường điểm tham gia chuyên đề này. Khi triển khai, trường nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía phụ huynh. Vì thế, kinh phí để thực hiện khu phát triển thể chất đều được xã hội hóa. Dự kiến, cuối tháng 10 nhà trường sẽ đưa khu này vào hoạt động".


Phát triển khả năng vận động ở trẻ


Được biết, Khánh Hòa là một trong những tỉnh được Bộ GD-ĐT chọn triển khai thí điểm chuyên đề này nhằm giúp trẻ ở độ tuổi MN phát triển cơ thể một cách cân đối, toàn diện về trí tuệ và thể lực. Sau khi kiểm tra, khảo sát thực trạng GD phát triển vận động tại các trường MN, Sở GD-ĐT đã chọn 3 trường MN: Hương Sen (Nha Trang), Hướng Dương (Cam Lâm) và Trầm Hương (Khánh Vĩnh) để xây dựng mô hình điểm.


Theo bà Đinh Thị Nhật Trinh - Hiệu trưởng Trường MN Hương Sen, sau khi triển khai, chuyên đề đã đạt kết quả rõ rệt. Thông qua các hoạt động GD phát triển vận động, trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn khi tham gia các hoạt động nhóm, tập thể; các tố chất vận động và khả năng tự lập của trẻ cũng được nâng cao. Nhiều trẻ trước đây luôn tỏ ra nhút nhát, dè dặt thì nay đã trở nên tự tin, mạnh dạn trước đám đông; hiệu quả học tập của trẻ cũng nhờ đó được nâng cao.


Bà Phan Thị Chiến - Phó Trưởng Phòng GDMN (Sở GD-ĐT) cho biết, để chuyên đề này phát triển sâu rộng trong các trường học, năm học này, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT trong tỉnh khảo sát thực trạng GD phát triển vận động ở các trường MN. Từ đó, xây dựng kế hoạch triển khai chuyên đề cho các trường; tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và từng bước chuẩn hóa các khu vui chơi, phòng học chức năng phục vụ hoạt động GD phát triển vận động. Đồng thời, hướng dẫn các trường tham gia cuộc thi "Tìm hiểu về phát triển thể chất cho trẻ trong trường MN" qua mạng internet do Bộ GD-ĐT tổ chức. Sở cũng yêu cầu các trường tăng thời lượng các bài tập vận động trong tiết học, đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động. Các trường cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hành động của phụ huynh trong việc GD phát triển vận động cho trẻ.


THẢO LY

 

Tuesday 21 October 2014

Đừng bắt con cái gánh nặng ước mơ của cha mẹ

Ảo tưởng về sức mạnh của con mình là một trong những vấn đề "bất thường" và khá nguy hại ở phụ huynh, dễ dẫn đến sự phát triển của con trẻ bị bóp méo, nhân cách bị lệch lạc.

Tương lai vẫn là một ẩn số

Anh Ba Minh (Cà Mau) nổi tiếng khắp vùng từ ngày con anh bỗng nhiên biết đọc báo, làm toán dù mới ba tuổi. Sự phát lộ tài năng bất ngờ của cháu khiến gia đình anh xáo trộn hẳn. Con trai đầu của anh (học lớp 1) trở nên lo lắng, căng thẳng vì lúc nào cũng bị người lớn so sánh với em mình. Vợ anh thì mệt mỏi vì đi cúng vái, cầu trời khẩn Phật cho cháu giỏi giang, mai này thành tài chứ đừng có "biến chứng" gì. Còn anh Minh thì ngưng cả việc bán tôm giống để ở nhà tiếp khách là bà con thân thuộc, người lạ hiếu kỳ và cả phóng viên báo đài… 

 

Nhiều lúc anh thấy lo lắng khi tự dưng con chỉ ngồi lặng im, năn nỉ cách nào cháu cũng không nói. Anh càng lo lắng thì cháu lại càng tỏ ra căng thẳng. Khi đưa cháu đến gặp chuyên gia tâm lý thì sự thể lại càng buồn: cháu có chút tự kỷ nhẹ, cần can thiệp để hòa nhập. Mong mỏi con trai trở thành "người tài xuất chúng" là quãng đường còn quá xa…

 

Chị Thúy (TP.HCM) cũng có đứa con "thần đồng". Bé Thủy mấy ngày qua tự dưng nói chuyện như người lớn. Mới bốn tuổi, cháu đã thuộc vài trăm đoạn quảng cáo trên truyền hình, đọc như phát thanh viên. Đó là chưa kể cháu có thể ngâm nga những bài thơ mà người lớn cũng phải "vặn não" mới nhớ nổi. Thấy cháu giỏi "như thần", chị Thúy thử tập cháu viết chữ. Kỳ lạ thay, chỉ sau vài ngày là cháu thành thạo một cách đáng ngạc nhiên. 

 

Chị bắt đầu nghĩ, có người hâm mộ con mình thì tại sao mình lại không đầu tư? Ai muốn thưởng thức tài năng của "thần đồng" đều phải... nộp phí. Chị không ra giá, chỉ khéo léo gợi ý. Khi "khán giả" không đưa quà hoặc bồi dưỡng quá "bèo", mẹ con chị bất mãn ra mặt. Một lần nhờ chuyên gia tư vấn, giúp đỡ vì bé Thủy càng lúc càng có biểu hiện khó chịu, đỏng đảnh, chị Thúy mới ngã ngửa khi biết con gái "có dấu hiệu lệ thuộc chú ý vào những đối tượng quen thuộc, khả năng duy trì chú ý không quá tốt". Cháu sớm "hơn người" chỉ vì hàng ngày, ông ngoại đã dạy cháu hát, thơ, chuyện kể và cả con số từ năm lên một tuổi. Điều đáng lo là cháu rất hạn chế thu nhận thông tin từ người khác - không phải ông ngoại.

 

Thực tế có nhiều trẻ em biểu hiện khả năng nào đó sớm hơn trẻ cùng tuổi. Cần nhìn nhận theo hướng phát triển toàn diện nhưng đảm bảo sự cân bằng. Điều này sẽ giúp trẻ có một cuộc sống an toàn và hạnh phúc.

 


(Ảnh minh họa)

 

Hiểu đúng và đừng kỳ vọng

 

Xét về mặt phát triển tự nhiên, mỗi trẻ có thể phát lộ một khả năng nào đó sớm. Điều này không đồng nghĩa với việc trẻ có năng khiếu vượt trội trong lĩnh vực đó, cũng không có nghĩa biểu hiện ấy hoàn toàn ổn định và vững bền. Nó có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ngay cả trường hợp được phát hiện sớm, tác động đúng hướng cũng không duy trì hay đẩy tài năng lên đến đỉnh cao.

 

Đừng nhầm tưởng rằng trẻ em có những biểu hiện phát triển về một năng lực nào đó như đọc, viết, tính toán nghĩa là trẻ phi thường. Ảo tưởng về sức mạnh của con mình là một trong những vấn đề "bất thường" và khá nguy hại ở phụ huynh, dễ dẫn đến sự phát triển của con trẻ bị bóp méo, nhân cách bị lệch lạc, tâm hồn bị "vấy bẩn". Thực chất, trẻ em nào rồi cũng sẽ biết đọc, biết viết và làm toán - nếu nhận được sự tác động giáo dục phù hợp. 

 

Bất kỳ sự tác động hay mong đợi quá mức của người lớn sẽ là sự kỳ vọng quá đáng, khiến trẻ chịu nhiều áp lực, căng thẳng. Trẻ cần được sống trong một môi trường an toàn, trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, cần được chia sẻ, an ủi, vỗ về như bao trẻ khác. Sự khai thác thái quá đối với trẻ, sự dồn ép hay đẩy trẻ lên quá mức so với độ tuổi không tuân thủ theo hoạt động chủ đạo của trẻ chỉ làm cho trẻ đánh mất tuổi thơ, khiến trẻ cảm nhận cuộc sống với những suy nghĩ khá tiêu cực. Mặt khác, "cuồng vọng" về con khiến cho mỗi người lớn càng thêm mệt mỏi, hụt hẫng.

 

Khi phát hiện con mình "khôn sớm", phụ huynh cần quan tâm nhiều đến sự bình thường về tính cách, ứng xử thay vì vội vui mừng thái quá; cần nhìn theo một hướng mới với sự cẩn trọng, nghiêm túc. Cha mẹ cần đồng hành cùng con để con phát triển, giữ mãi sự ngây thơ, trong sáng ở trẻ. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng liên lạc với cơ quan có chuyên môn hay chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu để có những đánh giá sơ bộ và định hướng bồi dưỡng hợp lý.

 

Phụ huynh cần thật bình tĩnh để phát triển con toàn diện thay vì cứ tập trung khai thác quá mức một khả năng của con mình. Song song đó, cần chú ý đến đặc điểm lứa tuổi của trẻ như: trẻ mẫu giáo là hoạt động vui chơi, trẻ cấp I, học vừa sức và giản đơn. 

 

Ngoài ra, cần hiểu rằng sự phát triển của trẻ là đường dài, đừng quá tập trung vào một hai biểu hiện, đừng quá "công kênh" con mình hay cho rằng con mình là "số một" khiến trẻ tự kiêu, tự mãn và sẽ không gượng dậy nếu vấp ngã, thất bại. Hãy hỗ trợ trẻ chuẩn bị về thể lực, sự hiểu biết các kiến thức giản đơn thay vì nhồi ép, đồng thời nên hướng trẻ khám phá thế giới. Nên yêu cầu trẻ trải nghiệm thay vì cứ hướng trẻ theo thế mạnh của trẻ, giúp trẻ mở mang tầm mắt để không ỷ lại, chủ quan hay huyễn hoặc về mình.

 

Đừng để trẻ gánh ước mơ của người lớn, cũng đừng biến trẻ thành kẻ khác với bản thân trẻ đang thực sự tồn tại!

 

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn

(Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam)

 

Thế hệ “gà công nghiệp”: Hãy để trẻ được “sống”

Hình ảnh những đứa trẻ "gánh" sách vở trên vai, lúc nào cũng trong tư thế "trực chiến" để học, học và học, cùng với đó là tuổi thơ của các em vô hình trung bị bố mẹ "đánh cắp", nhiều đứa trẻ trở thành những chú gà công nghiệp, thiếu kỹ năng sống và ỉ lại tất cả vào cha mẹ.

Tuổi thơ bị đánh cắp

Không chỉ "nhồi" ăn để cân nặng của con "đạt chuẩn", mũm mĩm mà mọi cái bố mẹ đều muốn con mình phải "hơn bè hơn bạn". Chính vì thế, ngay từ trong bữa ăn, giấc ngủ hay việc học hành cũng như vui chơi của con cũng "bị" bố mẹ kèm thật chặt.

Theo một điều tra cho thấy, phần lớn trẻ bị nhốt trong nhà hoặc chỉ được chơi loanh quanh ngoài ngõ. Không những vậy, các phụ huynh cũng ra sức ngăn cấm bọn trẻ được chơi những trò chơi mà họ cho rằng sẽ có nguy cơ gây thương tích cho cục cưng của mình, kể cả các trò trốn tìm, đuổi bắt, thậm chí chỉ đơn giản là chạy nhảy đùa nghịch cũng không được vì sợ trẻ… ngã! Nguyên nhân là vì các bậc cha mẹ dường như không bao giờ yên tâm về con cái. Họ luôn lo ngại rằng, nếu thoát khỏi vòng tay bao bọc của mình, những đứa trẻ chỉ sơ sẩy chút là sẽ bị ngã đau, xây xát hoặc bị nếu không nói là chủ quan còn bị bắt cóc… Vì vậy cách tốt nhất để họ bảo vệ con chính là nhốt chúng trong nhà và chăm lo từng li từng tí.

Chị Huyền Trang (Hà Đông), con vào học lớp mẫu giáo lớn rồi mà sáng nào cũng phải dậy sớm để ninh cháo và cho vào cặp lồng để cậu con trai mang đến lớp ăn. Chị nói: "Cho đến giờ cháu vẫn ăn cháo, không ăn được cơm vì ăn lâu quá, vài tiếng mới xong bữa cơm mà ăn có chút gì to hơn hạt gạo là lại trớ ra hết nên tôi vẫn phải cho cháu ăn cháo".

Theo chị, do hồi nhỏ con ăn bột hay nôn trớ nên chị toàn phải để đến khi con ngủ mới dám cho ăn, ngay cả bột mặn, chị cũng xay loãng, cho vào bình và đợi khi con ngủ mới cho con bú bình như ăn sữa. Đến tuổi tập ăn thì hơi gợn một chút là nôn ra nên bố mẹ đi đâu cũng ngại không dám cho con thử các thức ăn khác ngoài cháo, cho nên đến giờ bé nhà chị tuy 4 tuổi vẫn không ăn được đồ thô và mọi thứ đều phải xay nhuyễn. Không những thế, bé Duy nhà chị cũng không tự xúc đồ ăn cho mình và rất nhút nhát không dám chơi các trò chơi ở trường. Mỗi khi trời mưa hay trở trời là chị Trang lại cho con nghỉ học vì sợ dính hạt mưa sẽ làm con ốm.

Chị Mỹ Linh (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) có cô con gái tên là Mỹ Lan, bé rất xinh, tuy nhiên dù đã bước vào lớp 1 nhưng bé rất nhút nhát. Đến mức cô giáo luôn luôn phải nói với chị Linh rằng, phải rèn cho cháu thế nào chứ nếu không cháu sẽ bị tự kỷ bởi trong khi các bé khác chạy nhảy nô đùa ngoài sân trường thì bé Mỹ Lan thường chỉ lủi thủi ở trong lớp. Thậm chí có cô bạn ngồi bàn dưới bắt chuyện lên nhưng Lan cũng quay đi, ngại ngùng không đáp lại. Thế là dù hết lớp 1 Lan vẫn chỉ trong… "vỏ ốc". Chị Linh lo lắm, chị kể: "Lần nào đưa con đến nhà bạn bè chơi, bé cũng hấp háy mắt và một mực trốn sau lưng mẹ. Chị phải nhắc mãi, bé mới lí nhí chào hỏi. Khuyên con đủ điều nhưng bé vẫn không thay đổi". Mặc dù chị biết nguyên nhân khiến bé Lan trở nên nhút nhát, khó hòa đồng với môi trường xung quanh là do trước đây chị bao bọc con quá kỹ.

Là một cặp vợ chồng hiếm muộn, sau 5 năm kết hôn, chị Nguyễn Hồng Trang (Đội Cấn, Hà Nội) mới có con đầu lòng. Cháu trai chào đời trong sự hân hoan của gia đình hai bên. Chính vì thế, cậu bé được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" từ nhỏ cho đến lớn. Đến tuổi tập đi, chị vẫn ẵm trên tay. Đơn giản chỉ vì chị sợ con trai cưng té ngã. Chị cũng hạn chế cho bé chơi với trẻ hàng xóm vì sợ con mình bị chúng bắt nạt.

Sống trong vòng "bao bọc" quá "kín kẽ" của ông bà, bố mẹ nên dù đã 15 tuổi, cậu vẫn chẳng phải "động tay" làm bất cứ việc gì. Đi học có mẹ đưa đón. Lên cấp 3, cậu cũng chỉ biết mỗi đường đi từ nhà đến trường. Quần áo cũng mẹ mua, mẹ giặt là, đi cắt tóc cũng mẹ dẫn đi. Bất kể việc gì cậu cũng "gọi mẹ". Đi lạc đường, cậu gọi điện về nhà "cầu cứu" mẹ.

Như gia đình anh Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) là một điển hình. Mỗi sáng vợ anh phải dậy thật sớm để đi chợ và nấu ăn sáng tại nhà cho anh và các con, sau khi chị nấu xong, gọi như "hò đò" cô con gái 18 tuổi và một cậu con trai 8 tuổi mới oằn oài trên giường dậy chuẩn bị ăn sáng rồi đi học. Chăn gối như thế nào để nguyên thế, chị luôn "theo đít" con để dọn dẹp.

Đừng "khóa" đời con

Việc bao bọc trẻ trong bốn bức tường thực chất là đang gây hại cho sự phát triển của trẻ, khiến trẻ không có cơ hội học hỏi, khám phá cuộc sống và rèn luyện bản thân. Trẻ càng được bao bọc khi nhỏ, thì khi lớn lên, chúng càng gặp khó khăn và thất bại khi phải đối mặt với những rắc rối, thử thách của cuộc sống.

Theo TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh: "Đứa trẻ từ khi mới được sinh ra đã bắt đầu học kỹ năng như: thở, nhìn, nghe, dùng tay nắm bắt, cách tự phục vụ bản thân, kỹ năng ứng xử, kỹ năng đối phó với nhiều tình huống trong cuộc sống... Nếu thiếu nhiều kỹ năng đơn giản để sống sót thì một người thông minh, học giỏi bỗng nhiên thuộc vào nhóm nguy cơ cao rơi vào trầm cảm, không điều chỉnh được tâm lý của mình hoặc rơi vào hoàn cảnh nợ nần, lô đề, cầm đồ... Nếu đến lúc việc đã rồi mới tá hỏa thì quá muộn".

Theo chuyên gia này, hiện nay tồn tại thực tế, nhiều phụ huynh vô tình ngăn cản việc học kỹ năng của trẻ bằng cách làm thay cho con quá nhiều việc. Trẻ có ăn chậm, rơi vãi lung tung đó cũng là một cách giúp trẻ trải nghiệm. Vì thế, nếu cha mẹ làm thay con là đã tước đi của con cơ hội tự chăm lo cho bản thân. "Một bộ phận giới trẻ có biểu hiện sống ích kỷ, thiếu quan tâm đến người khác cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm, giáo dục, xây dựng cho con mình các kỹ năng sống một cách sâu sắc, biết quan tâm đến mọi người trong cả suy nghĩ và hành động", TS Anh nói.

Thực tế, nhiều cha mẹ cho rằng không cần thiết phải dạy kỹ năng sống cho con bởi mỗi người sinh ra đều tự học theo bản năng sinh tồn. Cũng vì thế, họ chỉ chú tâm dạy con kiến thức với mục tiêu cuối cùng là đỗ đạt, điểm cao để rồi khi trẻ lớn lại mất nhiều tiền cho con đi học những kỹ năng để sống.

"Bây giờ như một cái mốt, người người, nhà nhà, trường trường… đều nhắc đến cụm từ "kỹ năng sống" như một khái niệm đẹp đẽ, thần kỳ, đem lại cho trẻ những điều hay ho. Thế nhưng, cha mẹ đang bỏ tiền ra mua những kỹ năng sống cho con mà đáng lẽ ra nếu quan tâm mình đã có thể tự dạy con từ khi còn nhỏ", TS Thụy Anh lý giải.

Rất nhiều trường hợp các cha mẹ khi có con lớn đến tìm lời khuyên của chị khi con đã trong tình trạng "chây ì" bởi sự bao bọc của cha mẹ. Nhưng chị cũng chỉ có thể tư vấn để họ dần dần "dạy" lại cho con những bước mà chúng đã bị bố mẹ bỏ qua. Có trường hợp một cô gái 26 tuổi khi được chị tư vấn và nói chuyện thì mọi câu trả lời của cô đều là "do mẹ em muốn vậy" và đến tuổi lập gia đình cô cũng trả lời như thế.

An toàn là một điều cần thiết, nhưng không phải càng an toàn càng tốt. Bởi vậy, cha mẹ không nên yêu cầu con chơi đùa một cách… quá an toàn. Hãy khuyến khích trẻ tham gia những trò chơi mang tính mạo hiểm một chút, để chúng có cơ hội được cọ xát, thử sức mình, nâng cao sức bền và tính kiên cường. Bạn đừng nên chỉ nhìn vào những vết thâm tím hay xây xát mà cần thấy được trẻ học được gì qua những lần như thế. Dũng cảm để trẻ đối mặt với rủi ro, cha mẹ sẽ giúp con có khả năng tự đứng dậy và trưởng thành hơn rất nhiều

Theo Phan Linh

Petrotimes

 

Monday 20 October 2014

Sân chơi vui vẻ

Lần đầu tiên ở tận xã biên giới A Xan (H.Tây Giang, Quảng Nam) có được một khu vui chơi hoành tráng. Hàng trăm đứa trẻ Cơ Tu đã không còn phải chơi những trò nguy hiểm đến lạnh sống lưng.


Những đứa trẻ Cơ Tu thỏa sức vui chơi ở "Sân chơi vui vẻ" - Ảnh: H.N 

"Sân chơi vui vẻ" là tên gọi của dự án xây dựng những khu vui chơi an toàn cho trẻ em khu vực miền núi xa xôi, cách trở và còn nhiều khó khăn, do CLB thanh niên thiện nguyện Sharing the Life (Đà Nẵng) triển khai trong thời gian qua. Công trình đầu tiên hiện tọa lạc ngay trong khuôn viên Trường mầm non Tuổi Thơ thôn A Rầng 1, xã A Xan, H.Tây Giang. Gói gọn trong diện tích chưa đầy 100 m2, sân chơi có 12 trò chơi, được thiết kế đẹp mắt, an toàn và sáng tạo. Từ trò bập bênh, bộ giàn xích đu, cầu trượt, cho đến ghế nhún, lắc tay… "Tất cả các trò chơi đều mang tính sáng tạo, khuyến khích vận động, luyện một số kỹ năng cơ bản cho các em nhỏ. Các thành viên CLB đã cùng tham khảo, tự tay thiết kế và thực hiện. Đặc biệt, chúng tôi cũng tính đến chất liệu và độ bền của các trò chơi để đảm bảo cho các em vui chơi được lâu dài, an toàn, tiết kiệm", kỹ sư cơ khí Phạm Văn Nam - thành viên CLB Sharing the Life, cho biết.

Nhiều lần đến với bà con nghèo ở xã biên giới A Xan nhưng lần này, các thành viên CLB Sharing the Life trở lại với niềm vui khá trọn vẹn. "Dù cuộc hành trình có dài ra vì đường núi cách trở, xe chở đồ đạc cồng kềnh bò qua những vách núi cheo leo, nhưng đổi lại, chúng tôi không còn phải ái ngại khi nhìn các em nhỏ đầu trần chân cát chơi những trò chơi nguy hiểm đến tính mạng như ngồi ván trượt dốc, đẩy xe rùa, nhảy suối…", Hồ Hoàng Nam, Phó chủ nhiệm CLB Sharing the Life, phấn khởi nói.

Là người trực tiếp phụ trách thiết kế, thi công "Sân chơi vui vẻ", Nghiêm Phúc có lẽ chịu nhiều áp lực nhất. "Đặt ra mục tiêu thiết kế sân chơi từ những vật liệu đã qua sử dụng, ít tốn kém nên anh em CLB ra sức đi huy động quyên góp nguyên vật liệu, từ những chiếc lốp ô tô đã qua sử dụng đến ống thép không gỉ, dây thừng, xích, gỗ… rồi thêm gần 2 tuần tập trung sơn phết, trang trí và hoàn thành. "Sân chơi vui vẻ" như một món quà khích lệ tinh thần học tập đầu năm học mới cho các em. Nhiều bạn dành cả dịp nghỉ lễ, tận dụng thời gian ngoài giờ, dốc hết sức để công trình được hoàn thành đúng hẹn", Nghiêm Phúc cho biết.

"Giấc mơ về một sân chơi tập trung, an toàn, phát triển kỹ năng cho các em nhỏ miền núi cuối cùng cũng đã được thực hiện. Ngay sau công trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm thêm nhiều sân chơi tương tự, nhằm đa dạng hóa không gian vui chơi, giải trí cho các em nhỏ miền núi, vốn thiệt thòi nhiều so với trẻ em thành phố", anh Hồ Hoàng Nam cho biết thêm.

An Dy

 

Friday 17 October 2014

Cần một sân chơi đúng nghĩa cho trẻ

Trẻ em bây giờ luôn thiếu sân chơi. Có lẽ vì thế mà người lớn phải tìm cách tạo ra sân chơi cho trẻ. Và đấy hoàn toàn là điều tốt nếu tạo được sân chơi đúng nghĩa cho trẻ, chứ không phải bằng những cách đơn giản và chẳng phải kỳ công nghĩ cho mệt óc là học theo format của những chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn, "ăn theo" sân chơi của người lớn.


Bằng chứng là có chương trình Giọng hát Việt dành cho người lớn thì nhà đài cũng vẽ ra sân chơi Giọng hát Việt nhí. Bước nhảy hoàn vũ cũng có chương trình "con" là Bước nhảy hoàn vũ nhí, sắp tới là Gương mặt thân quen nhí, mà theo lịch sẽ lên sóng truyền hình vào ngày 3-10-2014.


Từ những sân chơi ấy, chợt nghĩ trẻ em bây giờ được người lớn sớm cho tiếp cận với ánh đèn sân khấu, với những ánh hào quang. Ở nơi lấp lánh ánh đèn đó có thể giúp trẻ mạnh dạn, tự tin thể hiện mình hơn, nhưng đằng sau đó là những tâm hồn già hóa tuổi thơ, những cuộc đời nhỏ bước vào đời quá sớm. Hiện tượng cô bé Phương Mỹ Chi ở chương trình Giọng hát Việt nhí năm ngoái cũng đã cho 2 luồng ý kiến trái chiều về việc có nên để bé học tiếp để đi nốt quãng đời tuổi thơ hay tiếp tục theo đuổi nghiệp ca hát để không lãng phí tài năng. Và sự lựa chọn cuối cùng của bậc cha mẹ là cho bé gia nhập làng âm nhạc Việt. Nghe đâu, mới đây tài năng của Giọng hát Việt nhí 2013 còn được ngồi ở ghế giám khảo ở chương trình Cùng nhau tỏa sáng, điều người ta cho là một trò đùa, một chiêu trò của những người tổ chức gameshow này và tạo ra những ý kiến trái chiều. Suy cho cùng, chính ca sĩ nhí sẽ là người hứng chịu mọi điều từ những quyết định của người lớn.


Lại chợt nghĩ có nhiều sân chơi khác cũng đầy ý nghĩa mà người lớn có thể tạo ra cho trẻ chứ không hẳn chỉ là ca hát và nhảy múa trên sân khấu. Đó có thể là các cuộc thi vẽ tranh, như vẽ ngôi trường mơ ước của em chẳng hạn, thi làm lồng đèn, thi em yêu lịch sử Việt Nam… Những sân chơi góp phần khơi gợi trí tuệ, sức sáng tạo của trẻ.


Đành rằng xem các chương trình ấy, người ta vẫn khen, vẫn tung hô trước những bất ngờ mà các tài năng nhí mang lại, nhưng sau đó vẫn là sự suy tư khi bất chợt chứng kiến giọt nước mắt thắng thua trên sân khấu từ những đôi mắt trẻ thơ.

 

Thursday 16 October 2014

Sân chơi ở xã nghèo

Lần đầu tiên, người dân nghèo ở xã đảo Thạnh An huyện Cần Giờ TPHCM có nhiều trang thiết bị - dụng cụ tập thể dục ngoài trời miễn phí. Cũng lần đầu tiên 8 trường mầm non, nhà văn hóa xã vùng khó khăn ở huyện Bình Chánh và Cần Giờ được tặng thiết bị - vật dụng vui chơi ngoài trời, tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện thân thể cho các học sinh.

Đây là công trình nhân đạo khối trường học trị giá trên 620 triệu đồng vừa được Sở GD-ĐT, Thành đoàn, Hội Chữ thập đỏ TP khánh thành tại các trường, góp phần hỗ trợ các xã nghèo vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới.

Lần đầu tiên, nhiều trẻ em vùng ngoại thành được vui chơi thỏa thích miễn phí trong những nhà banh.

Học sinh ở xã đảo Thạnh An huyện Cần Giờ thích thú với thiết bị trò chơi mới.

Thang đu giúp học sinh rèn luyện thân thể.

Học sinh Trường Mầm non Sen Hồng (Bình Chánh) vui với cầu trượt máng cao - máng thấp.

Trò chơi thú nhún thân thiện với học sinh.

TRƯƠNG NGỌC

 

Khuyến khích trẻ vận động theo cách của các bà mẹ Tây

Theo quan niệm của các bà mẹ phương Tây, vận động, chơi thể thao không chỉ giúp trẻ phát triển thể chất mà còn hoàn thiện về tinh thần. Chưa kể, khi cùng nhau chơi thể thao cha mẹ và con cái có cơ hội giao lưu, giúp gia đình thêm gắn bó.

Nhiều nghiên cứu cho rằng trẻ em nên hoạt động thể thao để có thể khỏe mạnh trên mọi phương diện. Tuy nhiên, với mẹ Tây, thể thao phải là hoạt động vui chơi, đến từ sự yêu thích say mê của trẻ, không thể ép buộc. Ngoài ra thông qua các hoạt động thể thao ngoài trời, mẹ Tây còn rèn được con tính tự lập rất cao. Những bí quyết dưới đây giúp việc lôi kéo con tham gia thể thao trở nên dễ dàng hơn:

Tôn trọng quyết định của con

Việc tôn trọng trẻ em không chỉ vì chúng nhỏ tuổi, cần sự ưu ái, quan tâm, chăm sóc mà còn vì trong quan niệm của phương Tây, mỗi đứa trẻ ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Họ rất chú ý đến phương pháp cũng như giọng điệu khi nói chuyện với trẻ. Khi nói chuyện với trẻ, người lớn không chỉ phải chăm chú nghe mà có lúc còn phải quỳ xuống để nói chuyện với trẻ một cách bình đẳng, khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng. Theo đó, nếu con chưa thích thể thao, bạn không nên ép, quát mắng trẻ, thay vào đó đưa ra những sự lựa chọn cho bé để khích lệ sự ham thích vận động của con. Bạn nên năng đưa bé ra ngoài sân chơi, bố trí bóng đá để con tự tìm hiểu... Nếu sở thích được đáp ứng, bé sẽ thấy vừa lòng và bạn cũng tránh phải nghe những tiếng "Không, không" phản đối từ miệng bé.

Tạo điều kiện cho bé vận động

Các bà mẹ phương Tây thường có xu hướng cùng con tham gia các hoạt động vận động. Theo đó, bạn có thể  cùng con chọn học một trong các môn thể thao như bóng rổ, bơi lội, hoặc cầu lông, bóng đá. Ở nhà, cha mẹ hạn chế thời gian cho con chơi game trên máy tính hay xem TV, luôn tạo điều kiện để trẻ vận động ở nhà mỗi ngày như đi cầu thang bộ, ra ngoài đạp xe, chạy nhảy, phụ giúp việc nhà... Ngoài ra, tùy thuộc vào từng độ tuổi, bạn có thể cho phép bé thử sức với những quãng đường dài ngắn khác nhau như đưa bé cùng đi mua sắm vài thứ đồ linh tinh hoặc đi dạo một quãng đường, có thể đem theo nước, sữa và vài gói snack làm "lương thực" cho bé. Khi đó, các em bé Việt mới có thể lớn lên cao khỏe như Tây.

Tạo niềm vui khi chơi thể thao

Thay vì chỉ chơi thể thao đơn thuần, các mẹ Tây còn sáng tạo những trò chơi kết hợp ngay trong sân nhà khuyến khích bé vận động. Theo đó, trò Truy tìm kho báu với mục tiêu đơn giản tìm một bông hoa màu vàng hay lượm những viên đá cuội màu sắc hay chạy đua khi đến đích giúp bé làm quen với môn chạy bộ. Bên cạnh đó, mẹ Tây còn rất giỏi trong việc tạo niềm vui cho trẻ khi tham gia thể thao. Nhiều mẹ nói với con sau khoảng hai tuần lễ nếu trẻ dành nhiều thời gian cho các hoạt động bên ngoài thay vì xem TV hay chơi điện tử thì bố mẹ có thể tổ chức một buổi dã ngoại đặc biệt như là phần thưởng cho sự nỗ lực của trẻ.

Rèn tính tự lập khi trẻ chơi thể thao

Ở Việt Nam, khi trẻ chơi thể thao bị ngã trầy da, khóc lóc, mẹ Việt thường có xu hướng xót con, chạy đến cưng nựng nhưng với mẹ Tây đó là những tình huống bình thường, con phải tự đứng dậy chơi tiếp để tạo sự rắn rỏi, rèn sức chịu đựng. Trong khi bố mẹ Việt thường giữ con ở nhà, ít nhất trong tháng đầu, thì trẻ Tây ngay từ khi mới sinh đã có thể được đưa đến công viên bằng xe nôi và cho đi "vầy nước" ở hồ bơi khi mới tầm 10 ngày tuổi. Sau đó thành thói quen, mỗi ngày, trẻ cần phải hoạt động thể thao ít nhất 30 phút ngoài trời. Đây là lý do tại sao trẻ em Tây thường dạn người, nhanh chóng làm quen với các hoạt động ngoài trời, thích ứng với thời tiết.

Hiện nay, nhiều phụ huynh đã áp dụng những phương pháp hữu ích của mẹ Tây vào việc khuyến khích con mình vận động thể thao ngoài trời. Các độc giả tham gia gửi ảnh dự thi "Bé yêu vận động" cũng nhận xét những chiêu dụ con vận động của phương Tây không chỉ giúp con phát triển thể chất mà còn hoàn thiện hơn về tính cách như sự độc lập, tinh thần đồng đội... Sau khi khuyến khích bé vận động, trẻ đều rất thích chơi thể thao để có thể khỏe mạnh, cao lớn.

 

Wednesday 15 October 2014

Những lưu ý về luyện tập thể thao cho người bị tiểu đường

Tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chặn và giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Rèn luyện sức khỏe và chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp bệnh nhân tiểu đường đạt kết quả tốt trong quá trình luyện tập, giảm mỡ và kiểm soát lượng đường trong máu. Những lưu ý sau đây sẽ giúp người tiểu đường phòng tránh được nguy hiểm và đạt hiệu quả khi tập luyện.



Những người bị tiểu đường cần có chế độ tập thể dục và dinh dưỡng riêng. Ảnh minh họa: internet

Trước tiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ về cách theo dõi bệnh tiểu đường trước khi bắt đầu luyện tập. Chuẩn bị các thiết bị theo dõi lượng đường như máy bơm insulin, máy theo dõi hàm lượng glu-cô (CGM) và kiểm tra sức khỏe. 

Xác định chỉ số đường huyết để có chương trình luyện tập phù hợp. Khi được bác sĩ đồng ý cho luyện tập, bạn cũng nên tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn về thể thao và bệnh tiểu đường.

Tránh bị hạ đường huyết trước, trong và sau thời gian tập luyện rất quan trọng. Nếu bị hạ đường huyết trong lúc tập luyện, nên đợi đến khi lượng đường tăng đến100 mg/dL. Ngoài ra, nếu đang dùng thuốc insulin, không nên bắt đầu các bài tập nâng cao sức bền trong 1 tuần sau khi hạ đường huyết đột ngột.

Triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm đổ mồ hôi, tim đập nhanh, rối loạn tâm thần và động kinh. Khi bắt đầu một môn thể thao đòi hỏi sức bền, nên tuân theo năm lời khuyên sau:

1. Kiểm soát lượng đường trong máu ở mức cho phép.

2. Luôn chuẩn bị lượng đường dự trữ - thuốc đường (glucose tablet), nước uống thể thao, gel hoặc thanh năng lượng - khi luyện tập.

3 . Đeo vòng cảnh báo y tế ID , hoặc bất kỳ thẻ y tế giúp các nhân viên y tế lưu ý đến bạn để có sự giúp đỡ kịp thời.

4. Đảm bảo ăn đầy đủ và uống nhiều nước trong quá trình luyện tập. Mất nước càng làm tăng nguy cơ tăng đường huyết và lượng đường cao trong máu.

5. Kiểm soát lượng đường trong máu

-Thực phẩm cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Chế độ ăn, thức ăn nhẹ và đồ uống phải phù hợp với người bị tiểu đường và theo dõi thường xuyên để có sự điều chỉnh kịp thời.

-Trước khi luyện tập: Ăn nhẹ, khoảng 200 calo gồm tinh bột, protein và chất béo. Ví dụ, ½ chén bột yến mạch và ½ cốc sữa không béo hoặc một lát bánh mì ngũ cốc nguyên hạt với một muỗng canh bơ đậu phộng (15 gram tinh bột / 7 gram protein / 9 gram chất béo.) Khẩu phần này giúp tiêu thụ chất xơ khi luyện tập.

-Trong khi tập: Sau khi tập được khoảng 45 đến 60 phút, tiêu thụ 15 gram các chất bột đường đơn giản như uống khoảng 200 ml thức uống bổ sung năng lượng (khoảng 1 ly), nửa trái chuối, một nắm nho khô hoặc các chất bột đường thay thế khác (ví dụ: gel thể thao hoặc kẹo bọc đường).

-Sau khi tập: Ăn no để tránh giảm đường huyết.

Trong vòng 15 phút sau khi tập nên ăn một bữa nhẹ, như 1-2 hũ sữa chua không chất béo và một quả táo nhỏ (35 gram tinh bột/ 7 gram protein) hoặc các loại bánh có chứa protein tự làm hay chế biến sẵn. Ăn uống bình thường sau 2 giờ; kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Kiệt sức sau khi tập có thể là do hạ đường huyết.

Bổ sung nước: Uống nước thường xuyên trước, trong và sau khi tập luyện; uống khoảng 200 ml - 400 ml (khoảng 1-2 ly nước) nước trước khi tập thể dục, và tiếp tục uống nước trong và sau khi hoạt động thể chất để bổ sung lượng chất lỏng đã mất. Sau khi tập được 2 giờ, màu nước tiểu phải trong suốt. Nếu không thì tiếp tục uống nước đến khi nước tiểu đổi màu.

Theo Nguyễn Hiếu - Phụ nữ thành phố

 

Tuesday 14 October 2014

“Vitamin” thành công cho trẻ

Tr hc d hay gii, mai này kém ci hay thành đt không ch tùy thuc vào trí thông minh sn có mà còn rt nhiu yếu t khác.


ảnh minh họa

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bằng nhiều cách khác nhau, phụ huynh hoàn toàn có thể tác động, hỗ trợ, giúp con thành công, hạnh phúc, vững bước trong đời. Dưới đây là một số "vitamin" thiết yếu nhất mà mọi trẻ em đều cần và phụ huynh đều có để đáp ứng.

Khỏe mới học tập tốt

Trẻ không thể học tốt nếu luôn yếu ớt, bệnh tật. Trẻ sống thoải mái, sảng khoái thì mới phát huy tốt tiềm năng. Vì thế, phụ huynh không nên vì quá nôn nóng với kết quả, thành tích mà ép trẻ học thật nhiều, đẩy trẻ vào thế luôn phải thi đua, cố gắng quá sức. Học dưới sức ép khủng khiếp của gia đình, trẻ sẽ dần suy sụp, mất niềm tin. Thời hiện đại, số lượng trẻ vì áp lực học tập mà bị trầm cảm, phải vào bệnh viện tâm thần chữa trị khá nhiều. Tất cả chọn lựa, quyết định của cha mẹ nên xuất phát từ mục đích đảm bảo hạnh phúc cho con.

Cho trẻ ăn uống sai lầm, thực đơn bữa ăn không cân đối là nguyên nhân khiến trẻ thiếu năng lượng và giảm khả năng tập trung. Phụ huynh nuông chiều, cho con ăn nhiều thức ăn nhanh dẫn đến béo phì, rồi lại uống thuốc giảm cân để "chữa cháy"... tất cả vừa không hiệu quả vừa gây tổn hại sức khỏe của trẻ. Trẻ cần thực đơn cân bằng, đa dạng, đủ các nhóm chất dinh dưỡng, uống nhiều nước để bài tiết và tiêu hóa được thông suốt. Trẻ thường ăn ít chất xơ, lại ngồi học suốt ngày nên khó tiêu, dễ bị trĩ, tiêu ra máu, gây tâm lý sợ hãi, lo lắng.

Giấc ngủ cực kỳ quan trọng với trẻ vì đó là lúc hormon tăng trưởng được tạo ra. Khi ngủ, các tế bào não ổn định, nghỉ ngơi, cơ thể như được sạc pin để trở lại khỏe khoắn, sung sức. Thời gian học của trẻ hiện nay quá nhiều, học xong lại tranh thủ coi phim, chơi game... nên giấc ngủ thường bị rút ngắn. Phụ huynh nên để trẻ ngủ đủ. Khi đủ giấc, đầu óc sẽ sáng suốt, trẻ tiếp thu nhanh. Thể dục thể thao, vận động chân tay là rất cần thiết. Ngồi học, coi ti vi, chơi game suốt ngày khiến trẻ bị bụng to, da xanh xao, mắt kém, cơ thể bạc nhược.

Đón đầu tuổi "lạ"

Tuổi dậy thì, nhiều kích thích tố phát triển được tạo ra khiến cơ thể có những thay đổi: ngực to, có kinh… ở bé gái hay ở bé trai thì bể tiếng, "cậu nhỏ" vùng lên… Người lớn phải đón đầu "giai đoạn khủng hoảng" này bằng cách chuyện trò, hướng dẫn, giải thích, không để trẻ hoang mang, phân tâm. Phụ huynh không thể khoán cho nhà trường đảm việc này chỉ vì lý do… "ngại miệng". Ngày nay trẻ được ăn uống đầy đủ và coi những phim, sách có nhiều hình ảnh "cởi mở" khiến cơ thể tạo ra những kích thích tố làm cho tiến trình dậy thì đến sớm hơn. Nếu phụ huynh bàng quan, né tránh, một ngày "không đẹp trời" sẽ bật ngửa về con mình: quan hệ tình dục không an toàn, phá thai, nghiện phim sex, thủ dâm quá đà…

Kho vàng trên kệ gỗ

Sách quý hơn vàng. Đọc những quyển sách hay, phù hợp, trẻ như được tiếp thêm sức mạnh. Xây dựng được thói quen đọc sách, trẻ sẽ giao tiếp tốt, có nhiều ý tưởng, lập luận chặt chẽ, phân định được thật - giả, hay - dở nên dễ thành công. Sách giúp trẻ "trám" được những lỗ hổng mà gia đình và nhà trường chưa lấp đầy. Đọc sách làm giàu tâm hồn, giúp trí tưởng tượng trẻ bay bổng. Sách đào luyện tinh thần nhân bản, cho trẻ văn hóa nền tảng...

Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng biết giá trị của sách và thích đọc. Khi trẻ không mặn mòi với sách thì phụ huynh không thể bắt ép khiến trẻ mệt mỏi, phản ứng lại và càng ghét sách. Phụ huynh cần có nghệ thuật chiêu dụ để trẻ yêu thích đọc sách. Khi trẻ chỉ mới hai - ba tuổi, phụ huynh nên dắt vào nhà sách, tập trẻ làm quen với thế giới sách. Hãy kể cho trẻ nghe những chuyện hấp dẫn, ly kỳ từ sách. Trẻ thường bắt chước, bạn thích đọc sách, trẻ sẽ đọc theo.

Quan tâm đến nhiều chữ "tự"

Tự tin, tự lập, tự quyết, tự kiểm soát, tự chịu trách nhiệm, tự học, tự hào… là những phẩm chất tinh thần không thể thiếu để trẻ từng bước trưởng thành. Để trẻ có những chữ "tự" này, phụ huynh phải học "buông". Nếu vì xót con, mẹ giành hết việc nhà, không cho con rửa chén, giặt đồ… thì trẻ sẽ không thể sống một mình. Đến khi xa nhà, trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại và lúc nào đó sẽ oán trách cha mẹ. Khi con còn nhỏ dại, cha mẹ bám sát không rời, nhưng khi con đã lớn, không thể thế mãi; sự kiểm soát bên ngoài (từ phía người lớn) cần biến thành kiểm soát bên trong (trẻ tự kiểm soát). Từng bước một, phụ huynh khéo léo rèn luyện cho con kỹ năng sống, khả năng tự giải quyết vấn đề của mình để cứng cáp hơn. Giúp trẻ học tốt, thành công trong sự nghiệp là thổi vào trẻ nguồn cảm hứng, đam mê, không xem việc học, việc làm là "của nợ", nhờ vậy mà có nghị lực vượt qua thử thách.

Điều con tự hào là một phần của thành công trong tương lai. Trẻ tự hào về hàng hiệu đang mặc, về ngoại hình… sẽ cho ra "sản phẩm" rất khác với trẻ tự hào về kiến thức, về nhân cách, về đóng góp của mình cho gia đình, làng xóm, quê hương. Trẻ luôn cần có người bạn đường để chia sẻ, định hướng, uốn nắn. Để là người bạn đường tin cẩn của trẻ, phụ huynh luôn phải dành thời gian gần gũi, quan tâm, lắng nghe, thấu cảm trên tinh thần tôn trọng, yêu thương trẻ.