Wednesday 28 January 2015

Lốp cũ biến thành sân chơi cho trẻ em Lý Sơn

Công trình khu vui chơi, nhà vệ sinh cho trẻ em vừa được Bridgestone Việt Nam cùng Bệnh viện Ôtô khai trương vào ngày 25/11 tại trường mẫu giáo An Vĩnh, cơ sở 1 và 2, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 
Hạ tầng cơ sở trên đảo Lý Sơn còn thiếu thốn, đường giao thông còn nhiều hạn chế, hệ thống cấp nước chưa được đầu tư, thiếu cây xanh, nước ngọt, kinh tế kém phát triển với gần 24% hộ nghèo, hơn 10% hộ cận nghèo. Trẻ em ở đây không có đủ cơ sở vật chất để sinh hoạt và thiết bị vui chơi trẻ em giải trí, ngay cả những điều kiện vệ sinh tối thiểu cũng chưa được đáp ứng.
Khu vui chơi cho các em đã được đi vào sử dụng.
Nằm trong chuỗi chương trình thiện nguyện xã hội "Vì cộng đồng ôtô Việt", nhãn hàng lốp xe Bridgestone Việt Nam cùng Bệnh viện Ôtô đã khảo sát và xây dựng khu vui chơi và nhà vệ sinh tại trường mẫu giáo An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), phục vụ cho hơn 800 học sinh nơi đây.
Các bé rửa tay tại khu vực nhà vệ sinh.
Hai công trình này được thi công từ ngày 15/9 đến 15/11, với khu vui chơi từ lốp xe cũ có diện tích 100m2, được lót bằng cỏ nhân tạo, có trang bị xích đu, thang leo, bập bênh, sàn nhún, ghế ngồi, ôtô, mô tô… cho các em. Công trình nhà vệ sinh có tổng diện tích 24m2 với hai khu vực nam và nữ riêng biệt, được lót gạch men toàn bộ và lắp đặt những trang thiết bị hiện đại như bồn cầu sứ, vòi sen, máy bơm, bồn trữ nước…
Ông Hiroyuki Saito - Tổng giám đốc Bridgestone Việt Nam cho biết, hoạt động cộng đồng luôn xuyên suốt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế bên cạnh công trình tại huyện đảo Lý Sơn, nhiều chương trình thiện nguyện cũng được Bridgestone Việt Nam tổ chức tại các địa phương khác như tham gia giao lưu tại quán cơm Nụ Cười - TP HCM, xây dựng khu vui chơi trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội An Nhơn - Bình Định và trường phổ thông cơ sở Gành Dầu - Phú Quốc, vui trung thu cùng trẻ em tại nhà tình thương Thiên Bình - Đồng Nai, chương trình thiện nguyện tại Cần Giờ…

Wednesday 14 January 2015

Đa dạng loại hình vui chơi cho trẻ em

 

 

Các em chơi trò câu cá.

 Trong khi vui chơi, trẻ em tự tạo ra hoặc được đặt vào những tình huống tương tác với môi trường vật chất, xã hội xung quanh, tạo ra sự phấn khích, thoải mái vận động; giúp các em hình thành phản xạ nhạy bén với môi trường và những hoạt động gần gũi trong xã hội. Việc nghỉ ngơi của trẻ chính là bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của các em.

Từ các điểm vui chơi

Tại các trung tâm thiếu nhi, khu vui chơi dành cho trẻ em của TP. Bến Tre khá phong phú về các loại hình giải trí: tàu lượn, vòng quay đứng, tàu hỏa, nhà banh, nhà hơi, hồ bơi, hồ câu cá… Tất cả nhằm mục đích tạo sân chơi cho trẻ sau giờ học. Đa số trò chơi đều mang tính vận động và kích thích khả năng nhạy bén của trẻ, như trò chơi em tập lái ô-tô, xe xích-lô, nhà banh. Một số trẻ có biểu hiện năng khiếu sớm thường được phụ huynh cho giải trí với trò chơi vẽ tranh, tô tượng. Hỏi về vấn đề lựa chọn trò chơi cho trẻ, chị Thắm, ở Phường 4, TP. Bến Tre - phụ huynh, chia sẻ: "Mỗi tuần, tôi dành khoảng 3 buổi dẫn bé đi khu vui chơi. Bé là con gái nên thường chơi các trò mang tính giáo dục như tô tượng, vẽ tranh cát, vẽ tranh màu, câu cá. Đôi lúc hiếu động, cháu thích chơi cầu trượt, nhà banh. Khi đi đu quay có tốc độ nhanh thì đi chung với mẹ".

Những khu vui chơi được các bậc phụ huynh quan tâm như: Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh và công viên phía Đông (Hồ bơi Hoàng Lam). Không thể không nhắc đến tầm quan trọng của những người hoạt động phục vụ loại hình dịch vụ này, họ đã và đang đóng góp âm thầm cho sự phát triển của trẻ em. Tất cả những việc làm đó đều là tự phát để đáp ứng cho nhu cầu vui chơi của trẻ em.

Đến khu vui chơi phục vụ thiếu nhi trên 20 năm, bà Lê Thị Thu Vân - chủ khu vui chơi tại công viên phía Đông (Hồ bơi Hoàng Lam) cho biết: "Làm dịch vụ giải trí cho người lớn đã khó, giải trí cho thiếu nhi càng khó hơn. Các thiết bị phải được bảo đảm an toàn, vệ sinh. Bên cạnh đó phải tìm hiểu tính ý của trẻ để trang trí cho phù hợp. Sân bãi phải gọn gàng, sạch sẽ. Nhất là người phục vụ trực tiếp từng trò chơi phải vui vẻ, nhã nhặn, quan tâm các bé khi chơi. Đối với các trò chơi vận động thì phải có các dụng cụ bảo vệ. Nói chung, việc phục vụ cho đối tượng trẻ em là cái gì cũng phải kỹ lưỡng".

Về giá cả, chất lượng phục vụ của các khu trò chơi này, anh Thanh, ở phường Phú Khương, TP. Bến Tre cho biết: "Tôi có 2 đứa con. Đứa con lớn 12 tuổi và đứa nhỏ 8 tuổi. Mỗi khi đi chơi thì dẫn đi cả 2 đứa, kèm theo đó là chi phí rất tốn kém. Trung bình mỗi đứa từ 2 đến 3 trò chơi. Có trò chơi giá 10 ngàn đồng, khá cao so với tôi, nhưng vì muốn các con vui nên cũng phải chịu. Phải chi được đầu tư  khu vui chơi miễn phí cho thiếu nhi thì tốt biết mấy!"

Đến các hoạt động có tính giáo dục

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thanh thiếu niên bằng cách thức tập hợp truyền thống, Tỉnh Đoàn cũng đã có nhiều hình thức mới trong tổ chức hoạt động vui chơi mang tính giáo dục cao. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn hướng tới các hoạt động gắn kết yêu thương mang tính vui chơi, trải nghiệm và rèn luyện; chương trình Học làm người có ích, Học kỳ quân đội, Trải nghiệm một ngày để sống, Niềm tin xanh... được đông đảo thanh thiếu niên và phụ huynh quan tâm.

Về vấn đề vui chơi giải trí cho các em sau giờ học, bà Trần Thị Chấm - Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh cho biết: Xã hội hiện đại có rất nhiều loại hình vui chơi cho trẻ em, bên cạnh đó cũng có những mặt hạn chế. Các khu trò chơi tại TP. Bến Tre không thiếu nhưng những loại hình vui chơi tập thể, trò chơi vận động theo đội nhóm còn ít. Vừa qua, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh tổ chức những chương trình học đi đôi với làm như: "Học làm người có ích", "Chiến sĩ Điện Biên", "Tiếp bước cha ông" được đông đảo học sinh từ các huyện trong tỉnh tham gia. Qua đó, những người làm công tác chăm sóc thiếu nhi hiểu thêm về nhu cầu giải trí của các em. Trong thời gian tới, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh tổ chức thêm chương trình gameshow tìm hiểu về lịch sử quê hương Đồng Khởi, kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) và Ngày giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước (30-4-1975).

 

Tuesday 13 January 2015

8x Việt tạo sân chơi độc đáo cho trẻ từ đồ phế thải

Chia sẻ: 

Nhóm bạn trẻ Hà Nội thu lượm phế liệu với giá rẻ và chế tạo ra những đồ chơi miễn phí tại các sân chơi mini trong thành phố.

Tạo "sân chơi đúng nghĩa"

Tôi dám chắc rằng những đồ chơi như leo núi, vượt chướng ngại vật, xích đu bằng lốp xe hỏng, đu dây, ghế xoay…khó có thể tìm thấy ở các sân chơi mini dành cho trẻ trong thành phố.

Nhưng với ý tưởng độc đáo, bạo dạn nhóm bạn trẻ Hà Nội (tên gọi Think Playgrounds) đã sáng tạo ra những "khu vui chơi" gần 100 mét vuông ở xóm Phao (bãi giữa sông Hồng); Tuệ Viên gần 200 mét vuông (Cự Khối, Long Biên).

Hay sân chơi ở trung tâm thành phố như khu tập thể Phương Mai, Trung Hòa Nhân Chính (Thanh Xuân) cho đến nơi xa xôi như huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Think Playgrounds được thành lập 4/2014 với hai thành viên ban đầu là Kim Đức và Quốc Đạt (SN 1980).

Khu vui chơi độc đáo làm từ đồ tái chế.

Chu Kim Đức- là một trong những thành viên đưa ra ý tưởng sân chơi đúng nghĩa cho trẻ.

Khởi nguồn từ dự án xây cầu trượt cho cụ rùa tại Hồ Gươm do bà Judith Hansen –một công dân Mỹ yêu Hà Nội khởi xướng. Vì dự án không thực hiện được nên Kim Đức và Quốc Đạt nghĩ: "Tại sao mình không làm sân chơi mini đúng nghĩa cho trẻ thành phố?".

Chu Kim Đức thấy rằng, thành phố hiện nay có vấn đề rất lớn là thiếu chỗ chơi miễn phí cho trẻ. Hơn nữa, những đồ chơi đa phần đều tẻ nhạt, không kích thích sự sáng tạo và quá "an toàn".

"Sân chơi hiện nay không đúng nghĩa mà phải là nơi giúp trẻ vận động, sáng tạo, vượt qua thử thách. Nếu trò nào cũng quá dễ dàng quá thì trẻ không phát triển được và trở nên nhút nhát", Kim Đức nói.

Trò chơi đu dây khiến nhiều đứa trẻ thích thú.

Vì vậy, cả nhóm bắt tay vào việc xin những đồ vật tái chế như gỗ thừa, lò xo, ghế hỏng, lốp xe vứt đi…để chế tạo, sơn màu những đồ chơi thú vị, "có một không hai".

Ngựa bập bênh được làm từ miếng gỗ thừa và nửa chiếc lốp ô tô hỏng được sơn đủ màu sắc bắt mắt; vượt chướng ngại vật bằng những chiếc lốp cũ sơn đủ màu chôn dưới cát…là những đồ chơi "hand made" của nhóm.

Sân chơi…chỉ 5 – 10 triệu đồng

Chỉ sau hơn 7 tháng thực hiện dự án, nhóm Think Playgrounds đã hoàn thành 4 sân chơi ở bãi giữa sông Hồng, huyện đảo Lý Sơn, Trung hòa Nhân Chính, Tuệ Viên và Phương Mai.

Hỏi về kinh phí xây dựng những "công trình" miễn phí này, Kim Đức cho biết thành viên nhóm chỉ bỏ công đi thu lượm phế liệu còn chi phí mua vật dụng không đáng bao nhiêu.

"Kêu gọi phụ huynh, cộng đồng chung tay ủng hộ, trung bình mỗi sân chơi như vậy có giá từ 5-10 triệu đồng", Kim Đức nói.

3 thành viên của nhóm trong chuyến đi làm sân chơi cho trẻ Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Kỷ niệm đáng nhớ của cả nhóm có là khoảng thời gian làm sân chơi ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Huy động nguồn lực, kinh phí trên mạng, 3 thành viên xin nghỉ làm để ra đảo "không có sân chơi" để thực hiện mong muốn tạo "khu vui chơi nhỏ" hơn 50 mét vuông cho những đứa trẻ nơi đây.

Đặt chân đến đảo, cả nhóm không tìm được đất trống để làm. Tưởng chừng bỏ cuộc nhưng cuối cùng ý tưởng được chính quyền và người dân ủng hộ nhiệt tình sau khi cả nhóm cố gắng thuyết phục.

Chỉ còn 4 ngày để làm, các thành viên trong nhóm dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Những ngày làm, trẻ con ở đảo đến rất đông xem, mon men đến chơi thử mặc dù chưa hoàn thành.

"Trước ngày về cả nhóm làm đến hơn 7 giờ tối mới xong. Ai cũng thấm mệt nhưng cảm thấy hạnh phúc vì mang đến niềm vui nho nhỏ cho người dân và trẻ em ở đảo Lý Sơn", Kim Đức nói.

Vì đều là những người đang đi làm nên chỉ tranh thủ thời gian cuối tuần đến với sân chơi mini. Nhiều thành viên không quen biết nhưng qua thông tin trên facebook đã không ngần ngại đăng ký tham gia làm "không công".

Một thành viên trong nhóm, Nguyễn Tiến Phong (28 tuổi) chia sẻ: "Mình tình cờ đọc được thông tin và đăng ký ngay chung tay góp sức mang đến sân chơi đúng nghĩa cho trẻ.

Nhiều người mong đến cuối tuần để nghỉ ngơi nhưng mình muốn đến đây để làm đồ chơi cho các em. Thấy nụ cười khi trẻ chơi vui vẻ là mình hạnh phúc lắm rồi".

Các thành viên trong nhóm làm việc tại khu Tuệ Viên.

Không dừng lại ở 4 sân chơi, Kim Đức nói: "Chắc chắn năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm và hy vọng dự án này tiếp tục được nhân rộng, các nhóm tình nguyện làm ở các vùng cao, nơi xa xôi".

Cách đây không lâu nhóm tổ chức sự kiện Playday để kích thích sự sáng tạo, hoạt động của trẻ. Các thành viên trong nhóm đã âm thầm treo 6 xích đu trong đêm ngày 1/11 và rạng sáng ngày 2/11 tại một số địa điểm trong trung tâm thành phố.

Dù biết ở Hà Nội khó tìm thấy sân chơi cho trẻ vì "tấc đất tấc vàng", nhưng Kim Đức lạc quan nói rằng: "Mỗi chúng ta hãy trở thành "kiến trúc sư" để sáng tạo đồ chơi cho con em mình.

Hãy nghĩ đơn giản rằng tại một bãi đất trống nếu ta để một túi rác nó sẽ thành bãi rác. Còn nếu để một xích đu nó sẽ thành sân chơi cho trẻ".

 

Monday 12 January 2015

Chuẩn sân chơi nào cho trẻ mầm non?

Trước áp lực sĩ số học sinh không ngừng tăng mỗi năm, các trường phải "căng" mình đảm trách cùng lúc hai nhiệm vụ dạy dỗ và chăm sóc học sinh. Trong khi diện tích đất đai không thể "nở nồi", phòng học còn thiếu nên yêu cầu đầu tư một sân chơi đạt chuẩn hiện đại, đảm bảo an toàn cho học sinh là cần thiết.
Mỗi nhà mỗi cảnh
Nằm ngay góc ngã tư Lê Thị Hồng - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp TPHCM), Trường Mầm non Anh Đào (phường 17) là một trong những trường có cơ sở vật chất khang trang, diện tích sân chơi trẻ em lớn, được tổ chức thành nhiều khu đáp ứng nhu cầu từng độ tuổi của học sinh. Cụ thể, ở khu vực các lớp mẫu giáo, học sinh có thể tha hồ chơi đùa trên nền đất xi măng nhám, giúp tăng độ ma sát, giảm thiểu tai nạn khi các em té, ngã. Riêng đối với khu vực nhà trẻ, toàn bộ sân chơi đều được bố trí trên nền đất nâu trồng cỏ.

"Tôi có con trong độ tuổi 18 - 24 tháng nên hiểu rõ ở lứa tuổi này, các em chưa có khả năng làm chủ hành vi vận động của mình, do đó té, ngã trong khi chơi là chuyện thường xảy ra. Vì vậy, nhờ bề mặt tiếp xúc của cỏ mềm, nếu lỡ có té con tôi chỉ việc đứng lên phủi tay là xong, không bị trầy xước, chảy máu chân tay như khi chơi trên nền xi măng nên phụ huynh cũng yên tâm lắm", chị Thu Trang, phụ huynh đang có con học tại đây cho biết. 
Trường Mầm non Anh Đào (phường 17, quận Gò Vấp), một trong những đơn vị có nhiều hình thức sân chơi đa dạng, đáp ứng nhu cầu học sinh.
Không chọn giải pháp trồng cỏ thật, Trường Mầm non 30-4 (quận 1) chọn hình thức lót thảm xốp hoặc mua những thảm cỏ nhân tạo đặt dưới mỗi chân cầu tuột, khu vực trò chơi vận động liên hoàn, đu quay để tăng độ an toàn cho trẻ.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh, giáo viên lớp chồi ở đây cho biết, do mặt cỏ nhân tạo có độ nhám, cỏ rất mềm giúp các bé không bị đau mỗi khi té, ngã. Đây là hình thức sử dụng khá phổ biến ở các trường mầm non có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên đối với khu vực trường công, theo phản ảnh của phụ huynh là không nhiều nơi áp dụng hình thức này do chi phí mua thảm cỏ đắt đỏ. T
hậm chí một số trường ở khu vực hai huyện Hóc Môn và Bình Chánh còn có sân chơi trên nền xi măng lồi lõm, chỉ cần một cú té nhẹ, trẻ rất dễ bị chấn thương, chảy máu. "Không ai muốn học sinh của mình bị chấn thương do té, ngã nhưng trong giới hạn cho phép, chúng tôi chỉ có thể bố trí sân chơi trên nền đất xi măng nhám để giảm thiểu tai nạn các em. Còn việc trang bị thêm các loại thảm xốp, cỏ nhân tạo phải chờ ý kiến từ phòng GD-ĐT, ở trên phải hướng dẫn mua thảm loại nào, mua ở đâu, kinh phí bao nhiêu, trích từ nguồn nào thì trường mới dám thực hiện", phó hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn quận 12 bày tỏ.
Vẫn nhiều nỗi lo
Trong một lần liên hệ công tác ở Trường Mầm non 6 (quận 3), chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến hình ảnh sân trường - đồng thời cũng là khoảng sân trống duy nhất được "trưng dụng" để bố trí sân khấu, tổ chức các ngày lễ, hội, khu vực kê bàn ăn cho học sinh bán trú đầy vết bùn dơ trên nền gạch men bóng láng.
Nguyên nhân là do trường được thiết kế theo mô hình sân chơi trong nhà, nền gạch men ở khu vực sân chơi liên thông với khu vực các lớp học, chỉ ngăn nhau bằng những hàng rào nhỏ. Ngoài ra, hai bên hông dãy nhà còn một lối đi hẹp được tận dụng để bố trí sân chơi cho trẻ, song không thể cùng lúc đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh.
Chị Thanh Vy, một phụ huynh ở đây cho biết: "Trường nhỏ hẹp đã đành, khoảng sân giữa lại lót gạch men. Bình thường trời khô ráo, phụ huynh được yêu cầu bỏ dép bên ngoài mỗi khi có việc vào trường liên hệ. Nhưng khi trời mưa, nhiều người vô ý mang cả dép đi vào, các cô lao công lau dọn không kịp khiến nền gạch men vừa dơ, vừa trơn láng rất dễ té, ngã".

Tại khoản 5, Điều 27, chương IV của Quyết định số 05/VBHN-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 13-2-2014, thay thế Điều lệ trường mầm non ban hành ngày 7-4-2008, các trường khi bố trí công trình cần đảm bảo độc lập giữa khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo với khối phục vụ nhưng do nhiều đơn vị trường học hiện nay trên địa bàn TP có diện tích nhỏ hẹp, công trình xây dựng theo kết cấu nhà ở, khu vực lớp học và sân chơi không tách rời nên yêu cầu sân chơi đảm bảo an toàn cho trẻ rất khó thực hiện.
Ngoài ra, tại khoản 5, Điều 8, Chương 2 Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT về quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chỉ quy định hết sức chung chung là: "Khu vực trẻ chơi lát gạch, láng xi măng hoặc trồng thảm cỏ" nên khi áp dụng vào điều kiện thực tế, mỗi nơi một kiểu. Thêm vào đó cũng xảy ra trường hợp nhiều đơn vị do sĩ số học sinh quá tải, sân chơi chính đã có nhưng các trường phải cơi nới, tận dụng thêm những khoảng hiên trong nhà làm chỗ chơi cho học sinh. Điều này dẫn đến tình trạng trong cùng một trường mà khu vực này có sân chơi trải thảm đạt chuẩn, đảm bảo an toàn, khu vực kia học sinh phải vận động, chơi đùa trên nền gạch men trơn láng có thể gây nguy hiểm đối với học sinh.
Do đó, để sân chơi cho trẻ mầm non thật sự đảm bảo được yêu cầu chất lượng, tăng mức an toàn tuyệt đối đối với trẻ em, cần có thêm những hướng dẫn, bổ sung mới của Bộ GD-ĐT, tránh tình trạng "đèn nhà ai nấy sáng" như hiện nay.

Sunday 11 January 2015

Đừng biến học sinh thành những "cụ non"

(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, do quá coi trọng kiến thức nên trong quy hoạch trường học đã không quan tâm đến hệ thống thiết bị vui chơi, sân thể thao cho học sinh, dẫn đến sức khỏe của học sinh kém. 

Chiều 11/11, góp ý cho Đề án Đổi  mới Chương trình – Sách giáo khoa, đại biểu Bùi Thị An nhận xét, kiến thức trong sách giáo khoa của học sinh trong khoàng trên 15 năm qua là rất nặng nề, cần phải bỏ bớt. 
  
"Học sinh lớp một mà đeo ba lô nặng cả chục cân, rất nặng. Học sinh học nhiều dẫn đến mụ  mẫm cả tinh thần. Vừa rồi, thông tin học sinh tiểu học mà 20% bị máu nhiễm mỡ cho thấy các cháu phải học quá nhiều mà hoạt động thì quá ít nên mới sinh bệnh. Rồi thì cháu nào cũng đeo kính cận hết cũng cho thấy tình trạng trẻ em học nhiều quá. Đó không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta." – đại biểu Bùi Thị An nói và nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng trên là do chương trình, sách giáo khoa. Vì vậy, đại biểu cho ràng, việc đổi mới toàn diện là cần thiết. 
  
Phân tích kỹ hơn về vấn đề học và dạy, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, do kiến thức quá nặng, trẻ bắt buộc phải học nhiều dẫn đến thầy dạy thêm cũng nhiều, mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học trò bị ảnh hưởng bởi vấn đề kinh tế. 
  
"Môi trường nhà trường lẽ ra phải trong sáng nhất, là nơi để giúp trẻ bước vào đời thì lại nhiều vấn đề như vậy. Tôi từng nghe một người kể, con của cô ấy khi bị cô giáo cho điểm kém đã hỏi lại: Sao cô nhận phong bì của mẹ con rồi mà cô còn cho con điểm xấu? " – đại biểu Bùi Thị An chua xót nói. 
  
Theo đại biểu An thì việc thầy giáo mải mê dạy thêm còn có hệ lụy là thầy không có thời gian nâng cao trình độ, cập nhật thông tin, không có điều kiện quan sát xem thế giới biến đổi thế nào. 
  
"Đó là do chương trình sách giáo khoa quá nặng, mà kiến thức học sinh thu được lại không nhiều" – đại biểu Bùi Thị An khẳng định. 
Học sinh không chỉ cần học mà cần phải được chơi, tập thể thao, văn nghệ...  Trong ảnh: sân chơi trong trường tiểu  học Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), một cảnh  hiếm thấy ở Hà Nội . ảnh: Tuệ Khanh

Đặt câu hỏi: Đổi mới thế nào, đổi mới bao nhiêu thì đủ?, đại biểu Bùi Thị An kiến nghị cần lược bỏ ½ khối lượng trong sách giáo khoa hiện nay. Nhưng theo bà, quan trọng không phải bỏ bao nhiêu mà là bỏ cái gì. "Nên lược cái không cần thiết chứ không phải lược cái khó. Nên bỏ cái rườm rà và nâng phần đạo đức nhiều lên." – đại biểu Bùi Thị An kiến nghị. 
  
Đặc biệt, đại biểu đoàn Hà Nội phân tích, ngày nay, trong chương trình học, môn thể dục được dành thời lượng quá ít cũng là nguyên nhân góp phần khiến sức khỏe  của học sinh không tốt. Vì vậy, cần thay đổi cấu tạo lại chương trình cho cân đối để học sinh tiểu học được hoạt động văn nghệ, thể thao tăng lên.. 
  
Để đạt được mục tiêu trên, theo đại biểu An, cần quan tâm đến việc quy hoạch, thiết kế sân chơi, sân thể thao bởi hiện nay, các trường rất ít quan tâm đến sân bóng, vui chơi cho học sinh, dẫn đến sai cả trong thiết kế quy hoạch trường học. 
  
Về đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, sách giáo khoa, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, Bộ Giáo dục có trách nhiệm xây dựng một chương trình chuẩn, còn sách giáo khoa thì phải xã hội hóa. 
  
"Ai viết cũng được, trẻ già đều được, ai có đầy đủ kiến thức đều có thể viết, nhưng phải có hội đồng thẩm định. Hội đồng này là ai thì phải bàn thêm, nhưng Bộ Giáo dục chỉ góp một phần"-Đại biểu Bùi Thị An nói. 
  
Về mặt kinh phí, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất: "Sản phẩm nào chuẩn thì trả tiền, không cần cấp kinh phí trước cho ai. Có thể hợp đồng trước, nhưng khi nào nhận sản phẩm đạt yêu cầu thì trả tiền. Chứ nếu cứ sợ rủi ro, cấp kinh phí trước lại không đạt yêu cầu." 
  
Theo đại biểu Bùi Thị An: Trước khi đưa sách giáo khoa ra áp dụng thì nên tham khảo cộng đồng, từ học sinh, thầy cô giáo đang dậy hoặc đã nghỉ hưu... "chứ để tình trạng này thì con cháu chúng ta thành cụ non hết." 

Đồng quan điểm với đại biểu Bùi Thị An, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội) cho rằng trong đổi mới giáo dục cần phải quan tâm rèn luyện sức khỏe của học sinh để đảm bảo sau này trở thành những công dân có thể lực tốt.
Tuệ Khanh

Thursday 8 January 2015

“Thư viện đồ chơi” giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng

 

Giáo viên và tình nguyện viên hướng dẫn cho trẻ chơi bộ đồ chơi của mô hình tại Trung tâm NDBTTE Tam Bình.

Mô hình "Thư viện đồ chơi" nằm trong dự án "Chăm sóc toàn diện cho trẻ" của Tổ chức Worldwide Orphans Foundation (WWO) vừa được đưa vào sử dụng tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. Mô hình bước đầu hứa hẹn đem đến cho các em nhiều sự đổi thay tích cực.

"Thư viện đồ chơi" được dành cho cả trẻ phát triển bình thường và trẻ chậm phát triển hoặc khuyết tật. Thư viện gồm 156 món đồ chơi phần lớn được làm bằng gỗ cao cấp, gồm nhiều bộ như bộ xếp hình khối, bộ y tế, bộ đồ dùng gia đình, xe dọn rác, bộ xếp cầu vồng, bộ bàn tính, bộ rau củ - trái cây, bộ sửa nhà…

Mô hình "Thư viện đồ chơi" giúp trẻ từ 12-18 tháng tuổi trở lên phát triển về các lĩnh vực nhận thức (tập bắt chước, bắt đầu phát triển các mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả), vận động tinh (cầm nắm và thả đồ vật chính xác hơn, bắt đầu biết kéo và đẩy hoặc xoay và vặn), vận động thô (biết giữ thăng bằng hoặc đứng vững, bắt đầu tập đi), cảm xúc xã hội (bắt đầu tách khỏi người chăm sóc hằng ngày trong một khoảng thời gian ngắn nhưng vẫn thích được quan tâm, thích khám phá và chơi trò mạo hiểm), giao tiếp (bắt đầu nói những từ đơn giản, bắt đầu hiểu được ngôn từ đơn giản).

Giáo viên Nguyễn Hoàng Ngọc của Trung tâm cho hay, chương trình cho trẻ chơi đồ chơi tại thư viện sẽ được chia thành bốn giờ chơi trong ngày, trung bình mỗi giờ có năm bé được tham gia chơi. Mỗi bé sẽ được một giáo viên hoặc một tình nguyện viên của WWO hay đơn vị tài trợ hướng dẫn. Theo cách tính này, mỗi bé sẽ được chơi khoảng hai lần/tuần. Đối với những trẻ kém vận động, chậm phát triển thì số lần chơi sẽ được tăng lên khoảng hơn ba lần/tuần. Riêng với những trẻ bị khuyết tật nặng, không thể di chuyển đến thư viện, thì các tình nguyện viên sẽ mang đồ chơi đến tận phòng và chơi cùng các em.

Chị Nguyễn Thị Chi, một tình nguyện viên đến từ tổ chức WWO cho biết, tác dụng của việc chơi đồ chơi sẽ giúp trẻ cải thiện nhiều kỹ năng, như cầm nắm, khả năng phản xạ, khắc phục tình trạng chậm nói, kỹ năng phát âm, khả năng phân biệt đồ dùng hoặc mầu sắc đồ vật… Mô hình thư viện này giúp trẻ học kỹ năng khi vui chơi và việc giữ gìn vệ sinh các bộ đồ chơi cũng được thực hiện một cách nghiêm ngặt để bảo đảm sức khỏe cho trẻ.

Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình hiện nuôi dưỡng 196 trẻ từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi. Trong đó có 70 em với các tình trạng bại não, chậm phát triển, não úng thủy, đa dị tật. Phó Giám đốc trung tâm Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: "Việc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các em chậm phát triển có một ý nghĩa rất lớn. Là những đối tượng dễ bị tổn thương, phân biệt do đặc điểm bệnh tình của các em, hầu hết bị bỏ rơi từ lúc mới sinh. Sự đề kháng của cơ thể, tâm lý của các em rất yếu so với trẻ bình thường khác. Vì thế, vai trò của mô hình "Thư viện đồ chơi" là rất cần thiết và có ích với nhóm trẻ này".

Giám đốc chương trình WWO về mô hình "Thư viện đồ chơi" Melissa Willock khẳng định: "Mô hình "Thư viện đồ chơi" là biện pháp can thiệp sớm trong độ tuổi đầu đời của trẻ, góp phần chuẩn bị cho trẻ sức bật mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, thử thách, đồng thời trang bị cho trẻ các kỹ năng cần thiết và sự tự tin để trẻ bước vào tuổi tiểu học...".

Hy vọng mô hình "Thư viện đồ chơi" sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần giúp cho những trẻ em bị thiệt thòi cải thiện nhiều kỹ năng.