Sunday 30 November 2014

Trò chơi - giao tiếp yêu thương của cha mẹ và con

"Khi chơi cùng cha mẹ, bé nhận được thông điệp yêu thương từ người thân, có được sự yên ổn, bình tâm. Đó chính là hành trang tuổi thơ quý giá cho bé về sau" - Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh chia sẻ tại buổi gặp gỡ cùng các gia đình trẻ với chủ đề "Cùng bé yêu tận hưởng tuổi thơ" ngày 5/10/2014 tại TPHCM.

Vui chơi khiến bé hạnh phúc

Đã bao giờ cha mẹ yên lặng quan sát cục cưng của mình khi bé đang mải chìm đắm vào thế giới riêng lúc chơi: cười vui khi xây được tòa lâu đài cát xinh xắn; tự tay nguệch ngoạc một bức tranh tặng mẹ ngay cả khi mặt dính lem nhem đầy màu; vấp ngã nhưng biết tự đứng dậy và "kiên cường" không khóc? Rõ ràng, chơi là lúc bé vui vẻ và bộc lộ bản thân rõ nét nhất. Chưa hết, bé còn học được kinh nghiệm giao tiếp, học cách hiểu khái niệm "cần phải" chứ không chỉ "muốn, thích…" như trước nữa. Điều này giúp bé vượt lên được tâm thế "vị kỷ trung tâm" vì trong quá trình chơi với sự tham gia của những người khác, bé sẽ dần biết cách sống hòa thuận, chia sẻ, cảm thông với người khác. Đó là lợi ích rất lớn nếu sau này gia đình có thêm thành viên.


Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh chia sẻ trong buổi gặp gỡ cùng các gia đình trẻ 


Trò chơi giúp gắn kết yêu thương
 
Cha mẹ cần hiểu rõ nhu cầu, sở thích và phát triển tâm lý của trẻ qua từng lứa tuổi để tìm cho bé những trò chơi phù hợp mà qua đó, bé không chỉ vui mà còn phát triển nhiều kỹ năng có ích cho bản thân.

Với trẻ từ 1-3 tuổi: Đây là giai đoạn bé bắt đầu chủ động làm quen với thế giới xung quanh qua mọi giác quan, đặc biệt là xúc giác. Cha mẹ có thể cho bé chạm vào các đồ vật/con vật và đoán xem đó là cái gì; hoặc cho bé tự do chơi đùa ngoài thiên nhiên, nhặt lá vàng, đi chân trần trên cỏ để cảm nhận sự êm ái, mát mẻ của lớp cỏ tươi; thậm chí có thể cho bé nghịch bẩn lấm lem ngoài mưa để bé tha hồ cảm nhận thế giới xung quanh bằng mọi giác quan. 

Chị Hoài Anh (TP.HCM) kể về chuyến du lịch hè năm ngoái đến Nhật Bản cùng con trai Kem: "Vợ chồng tôi dẫn Kem đi thăm một vườn trái cây ở Otaru (Nhật) trong ngày hè nắng đẹp. Lần đầu tiên Kem đi du lịch xa đến thế nên cu cậu hào hứng vô cùng. Nhất là khi Kem được tận tay sờ những quả đào, mận, cherry chín mọng trên cành, thu hoạch trái chín bỏ vào làn tung tăng khoe với mẹ. Chơi vui với bố mẹ khiến Kem phấn khích và không hề than mệt sau cả ngày dài."

Những dịp cả gia đình cùng đi chơi với nhau là khi chị Hoài Anh thấy con mình vui hơn cả 



Trong khi đó, ở trẻ từ 3 - 5 tuổi thì những trò vận động ngoài thiên nhiên như ném bóng, chạy nhảy, trốn tìm, đuổi bắt, kéo co.... hoặc các trò chơi giúp bé tha hồ sáng tạo như vẽ tranh, tô màu, kể chuyện hỏi đáp, đố vui… sẽ rất tốt cho sự phát triển tư duy và kỹ năng của bé. 

Đồng tình với ý kiến của chuyên gia, chị Diệu Bình (TP.HCM) chia sẻ: "Trò chơi mà Gin nhà tôi rất mê là kể chuyện. Khi rảnh rỗi, tôi sẽ kể những câu chuyện hay, có ý nghĩa giáo dục cho con nghe. Mỗi lần nghe mẹ kể là Gin cứ tròn xoe mắt hỏi han mẹ đủ thứ. Sau mỗi câu chuyện, tôi lại hỏi con những tình tiết mà con nhớ, con thích từ chuyện đó. Dần dần, Gin học được cách liên tưởng, biết phân biệt người tốt, kẻ xấu."


Cô bé Gin mê mẩn những câu chuyện hay mẹ Bình thường kể

 

Thùy Anh

 

Wednesday 26 November 2014

Top 5 trò chơi luyện phản xạ nhanh cho bé 1 tuổi

Trò chơi kéo đẩy, trốn tìm, bắt bóng...là những trò chơi thích hợp dành cho các bé trong độ tuổi mới biết đi.

Đến độ tuổi này, khi trẻ đã bắt đầu biết đi thì việc trông giữ và chơi cùng bé là vô cùng khó khăn. "Hiếu động" chính là từ thích hợp nhất để mô tả những em bé trong độ tuổi này. Mẹ nhận thấy rằng con bắt đầu thích những món đồ chơi hay những trò chơi cho bé giúp vận động toàn thân như trò kéo đẩy, bắt bóng...

1. Trò chơi kéo và đẩy

Trò chơi kéo và đẩy rất hợp để mẹ có thể chơi cùng với bé trong thời điểm bé đang tập đi. Mẹ hãy sử dụng món đồ dễ dàng di chuyển như một cái ghế trẻ con, một thùng các tông có chứa đồ chơi.... Mẹ đặt những món đồ đó ở giữa hai mẹ con, để con giữ ở một đầu, sau đó đẩy đồ chơi qua cho bé và yêu cầu bé hãy đẩy lại về phía mình. Với trò chơi này, mẹ sẽ giúp bé hoàn thiện về khả năng phản xạ, đồng thời rèn cho bé tính cách chia sẻ và biết tin tưởng khi giao đồ chơi cho người khác.

Nếu con đã biết đi đứng thạo hơn một chút, đã biết ngoái nhìn ra sau trong khi chân vẫn bước tới trước thì mẹ có thể cho bé chơi cùng những thứ kéo đi được. Mẹ hãy lựa chọn những món đồ chơi trẻ em có những chi tiết ngộ nghĩnh, phát ra âm thanh vui nhộn giúp con thích thú.

2. Vỗ tay

Trò chơi vỗ tay là trò chơi hiệu quả nhất trong việc giúp bé có được những cảm nhận về tiết tấu (nhất là phần tiết tấu nhanh), cũng như giúp cho đôi bàn tay của bé trở nên linh hoạt hơn. Mẹ hãy ngồi đối diện với bé, mẹ tự hát hoặc bật một bài hát có nhịp điệu nhẹ nhàng, sau đó cùng con vỗ tay, nhảy theo nhịp.

Ngoài cách vỗ tay theo nhịp bài hát, mẹ có thể đưa cho bé một cái xúc xắc hay một cái trống nhỏ sau đó hai mẹ con cùng bắt chước nhịp điệu của nhau.Trò chơi này giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ và việc giao tiếp bằng mắt với người bên cạnh.

3. Chơi bắt bóng

Bóng là loại đồ chơi không thể thiếu đối với những đứa trẻ trong độ tuổi biết đi. Tất cả các loại bóng mà bé có thể cầm và ném được đều có thể là món đồ chơi thú vị - cho dù đó là quả bóng hơi (phao), nhựa hay vải. Tuy vậy, mẹ cần hết sức lưu ý đừng cho bé chơi những loại bóng mềm nhỏ có thể cho vào miệng.

Trò chơi bóng phổ biến và tốt nhất dành cho trẻ mới biết đi là trò "bắt banh". Mẹ hãy để bé ngồi gần, sau đó cùng bé lăn quả bóng qua lại. Khi bắt đầu, mẹ cố gắng lăn từ từ, rồi sau đó bé sẽ chơi dần trò ném và bắt banh một cách nhuần nhuyễn. Trò chơi này giúp trẻ nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, linh hoạt khi kết hợp cả tay và mắt.

Để chơi cùng bé, mẹ nên lựa chọn các loại bóng mà bé có thể cầm và ném được như bóng hơi (phao), nhựa hay vải (Ảnh minh họa)


4. Trốn tìm

Trốn tìm là một trong những trò chơi thích hợp dành cho trẻ. Đây là trò chơi rất đơn giản nhưng có thể giúp giải tỏa cảm xúc lo lắng và sợ hãi của trẻ. Trò chơi này làm tăng độ cứng cáp cho đôi chân của bé, giúp bé đứng và di chuyển vững vàng hơn, đồng thời trò chơi cũng làm tăng khả năng phản xạ nhanh cho bé.

Mẹ và bé hãy thay phiên nhau là người trốn và tìm. Mẹ không nên trốn ở những nơi quá khuất khiến con khó tìm ra. Khi đến lân bé trốn, mẹ đừng vội vàng chỉ ra vị trí của bé, hãy nói ra một vài gợi ý chứng tỏ con đang trốn ở đó như "Um, kia có phải là cái chân hoặc cái tay của con?". Cùng con chơi trò này, tình cảm mẹ và bé sẽ gần gũi hơn.

5. Xếp hình

Mẹ hãy chọn những khối hình "kềnh càng nhưng nhẹ nhàng", có thể làm từ bìa các tông đủ lớn để bé sắp xếp thành tháp hay bức tường, hoặc theo bất cứ cách nào mà bé muốn. Lúc mới đầu, mẹ hãy xếp những mô hình nhỏ và đơn giản để cho bé bắt chước. Sau đó, mẹ có thể nâng lên mức độ khó hoặc có thể cho con tự xếp theo mong muốn.

Trò chơi này giúp trẻ rèn khả năng tư duy logic, thúc đẩy khả năng sáng tạo và phối hợp vận động tay – mắt. Tuy nhiên, khi cho bé chơi trò này, mẹ dễ dàng nhận thấy rằng lúc bé vui nhất chính là thời điểm tòa tháp bé vừa xây dựng bị đổ ụp xuống.

6. Cùng nhau đi chợ

Mẹ hãy sắm cho con một chiếc làn hoặc một cái túi nhỏ để bé có thể thu nhặt những món đồ chơi của mình vào trong đó. Lứa tuổi này bé sẽ rất thích nhặt mọi thứ vào trong làn, sau đó bỏ ra rồi nhặt vào, bé sẽ lặp lại vòng tuần hoàn như vậy mà không biết chán. Với hành động như vậy, bé sẽ được luyện tập nhiều hơn với tay, giúp tay bé cứng cáp và nhanh hơn.

(Theo Babycenter/ Khám phá)

 

Tuesday 11 November 2014

Những kỹ năng sống cần dạy trẻ trước khi vào lớp 1

(VietQ.vn) - Kỹ năng sống là những gì trẻ cần được học trước khi vào tiểu học để giúp trẻ tạo dựng được nền tảng cơ bản trong suốt những năm thơ ấu của mình

Dạy trẻ biết cách giữ an toàn

Dạy trẻ em không nói chuyện với người lạ chỉ là một phần của việc dạy chúng kĩ năng ứng xử khéo léo khi đi trên đường. Hãy chắc chắn rằng con bạn biết những người mà chúng có thể tìm được sự giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp khi xa nhà, chẳng hạn như một nhân viên cảnh sát hay giáo viên. Hãy luôn luôn nhắc nhở trẻ bình tĩnh giải quyết những khó khăn với một suy nghĩ tích cực rằng hầu hết mọi người đều tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ.

Trẻ cần được dạy kỹ năng sống để hình thành nên nền tảng cơ bản từ những năm thơ ấu. Ảnh minh họa

Dạy trẻ tính trách nhiệm

Dạy cho trẻ về tinh thần trách nhiệm có thể là một nhiệm vụ không dễ dàng. Hãy bắt đầu dạy một đứa trẻ về trách nhiệm bằng cách đưa ra công việc cụ thể của bé, chẳng hạn như dọn dẹp chỗ chơi hay phòng ngủ, hoặc là giúp đỡ bố mẹ lau bàn ăn.Cách giáo dục chính vẫn là việc bạn tự làm gương cho trẻ. Hãy chỉ cho con bạn làm thế nào để hoàn thành những cam kết bằng cách chính bạn hoàn thành những điều đó. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn khi ngồi lại và dõi theo việc con mình phải chịu những hậu quả gì khi không làm tròn trách nhiệm. Tuy nhiên, việc luôn luôn thay thế trẻ xử lý những tình huống khó khăn sẽ chỉ làm chúng ngày càng dựa dẫm vào người khác. 

Dạy trẻ ăn uống lịch sự

Cho trẻ làm quen với phong cách ăn uống khi được mời dự tiệc hay ăn cỗ bằng cách tập dượt. Bạn có thể làm một bữa tiệc nho nhỏ vào ngày nghỉ và yêu cầu tất cả mọi người trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, lịch sự làm mẫu cho trẻ. Bài học này sẽ khiến trẻ thích thú và ghi nhớ mãi. Trẻ sẽ hiểu tại sao khi đi dự tiệc chỗ đông người cần biết kính trên, nhường dưới, ăn uống từ tốn, lịch sự theo những lễ nghi chung....

Khi ăn, trẻ thường gặp phải những trường hợp như bị giắt thức ăn vào khe răng, sơ ý làm rớt đũa xuống đất, có thể nhìn thấy con vật lạ trong thức ăn, cha mẹ đều nên dạy cho trẻ biết cách xử lí đúng có thể gây cho người khác ấn tượng không tốt hoặc khiến người khác cảm thấy khó chịu.

Trẻ bắt chước rất nhiều thói quen từ cha mẹ, đặc biệt là thói quen ăn uống hàng ngày cho nên để chỉnh sửa thói quen cho trẻ thì cha mẹ cũng cần chú ý đến việc chỉnh sửa thói quen ở bản thân để trẻ học hỏi.

Hãy để trẻ vấp ngã

Quan tâm tới con một cách thái quá không chỉ là hiện tượng xảy ra với các vị phụ huynh ở Việt Nam, mà còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong việc nuôi dạy con cái trên toàn thế giới. Trong một bài viết mới đây trên trang The Independent, tác giả Susie Mesure đưa ra quan điểm khi bao bọc trẻ quá mức là ta đã ngăn cản sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, chính vì trẻ luôn được bao bọc trong sự chở che của cha mẹ nên khi lớn lên chúng e ngại phải chấp nhận thử thách, hiểm nguy. Bài viết cũng trích dẫn ý kiến của những chuyên gia giáo dục có uy tín.

Peter Gray - tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Boston, tác giả của cuốn sách về nuôi dạy trẻ "Free To Learn" - lo ngại tỷ lệ mắc chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm, thậm chí là số vụ tự tử ở trẻ em đang ngày càng tăng cao bởi vì chúng cảm thấy "không có khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình". Nghiên cứu của ông chỉ ra mối liên hệ giữa sự gia tăng trẻ mắc chứng rối loạn cảm xúc và tâm lý với việc chúng bị hạn chế vui chơi: "Nếu ta tước đoạt quyền vui chơi của trẻ, chúng sẽ không thể học được cách vượt qua khó khăn, kiểm soát cuộc sống của mình, nhìn nhận sự vật theo các góc nhìn khác nhau, cũng như không biết cách thỏa hiệp. Sân chơi là môi trường để trẻ biết được rằng chúng không phải là cái rốn của vũ trụ".

Không áp đặt con phải làm gì, không được làm gì

Một sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là lúc nào cũng áp đặt con phải làm cái này, phải làm cái kia, phải chào, phải đánh răng… Nếu trẻ làm theo thì bảo "Ui, con ngoan quá", những trẻ cá tính không làm theo thì lại bảo con hư. Trẻ không làm theo thì bị phạt, mắng. Trong khi đó, những trẻ đối phó mới là trẻ khôn.Thực tế, có những việc cha mẹ cấm nhưng trẻ vẫn làm. Lý do là vì trẻ làm theo là bị ép buộc chứ không phải tự giác làm, mà điều gì không phải do bản thân mỗi người tự giác làm thì sẽ không có tính bền vững. Hôm nay trẻ làm theo những gì người lớn bảo nhưng không ai đảm bảo rằng khi lớn hơn, trẻ cũng sẽ làm theo.

Cha mẹ không biết rằng chính sự áp đặt của mình có thể khiến bé khi lớn lên làm gì cũng sợ sai, không sáng tạo.

Cho trẻ biết tại sao phải làm cái này

Để con nghe và làm theo thì trước hết chúng ta cần cho con biết tại sao chúng ta phải làm thế. Cha mẹ hãy bỏ qua những quy định tồn tại trước đó, tự đặt tình huống cùng bàn luận với trẻ, hãy để trẻ tự nói lên, tự viết ra những lý do vì sao phải làm thế. Chẳng hạn từ những việc đơn giản như tại sao phải đi vệ sinh, uống sữa đến học bài, rửa tay, đánh răng…

Khi đã hiểu, trẻ sẽ tự ra quyết định, tự viết nội quy, tự giác làm và tự giám sát. Trẻ làm không phải vì sợ mà vì đó là điều đúng, cần thiết. Kết quả đạt được là tập cho trẻ kỹ năng tự đưa ra quyết định, kỹ năng tự nguyện, tự giác.

Nguyễn Huyền (tổng hợp)

 

Monday 10 November 2014

6 trò chơi ngoài trời tuyệt vời cho ngày cuối tuần của bé

Cho dù bạn đang ở một căn hộ chung cư cao tầng hay có cả một sân vườn rộng sau nhà thì bạn cũng có thể chơi cùng con 6 trò chơi thú vị và dễ dàng dưới đây để giúp con gần gũi và hiểu hơn về thiên nhiên.

Ngày xưa trẻ con thường được gắn bó với thiên nhiên nhiều hơn. Chúng có thể đày nắng cả ngày, leo trèo câu hay bơi lội bì bõm ngoài sông. Trẻ được tự do khám phá thiên nhiên. Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển, cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên của trẻ dường như ngày càng bị co hẹp lại. Trẻ con ngày nay ít có cơ hội hòa mình với thiên nhiên. Hầu hết chúng chỉ ở nhà, chơi điện tử hoặc "khám phá" thiên nhiên thông qua… màn hình máy tính.


Ảnh minh họa.

Theo nhà nghiên cứu Randy White trong cuốn Young Children's Relationship with Nature (Tạm dịch: Mối liên hệ giữa trẻ em và thiên nhiên) ông đã chỉ ra trẻ con ngày nay chỉ được khám phá thiên nhiên qua màn hình ti vi, hậu quả là chúng không hiểu được bản chất tồn tại của thế giới xung quanh.

Bố mẹ cần khuyến khích trẻ khám phá những kì thú của thiên nhiên xung quanh chúng. Cho dù bạn đang ở một căn hộ chung cư cao tầng hay có cả một sân vườn rộng sau nhà thì bạn cũng có thể chơi cùng con 12 trò thú vị và dễ dàng dưới đây để giúp chúng ý thức nhiều hơn về thiên nhiên.

Ngắm những chú chim

Chim choc có ở khắp nơi, thậm chí ngay cả ở trong những trung tâm thương mại sầm uất cũng có. Thỉnh thoảng hãy dẫn con ra ngoài chơi chỉ cho chúng những con chim tinh nghịch đang chuyền cành trên những tán lá, hay đơn giản là dẫn con đến sở thú để ngắm những chú chim đa dạng sắc màu. Chắc chắn bọn sẽ thích và nhìn ngắm không chớp mắt.

Xem loài kiến giúp đỡ nhau

Đừng chỉ xem kiến là loài côn trùng muốn tiêu diệt khỏi nhà. Trẻ có thể học được rất nhiều bài học hay từ loài kiến. Hãy chỉ cho con cách loài kiến cùng giúp đỡ nhau"vác" một mảnh thức ăn về tổ. Rất có thể những đứa trẻ của bạn sẽ theo dõi sự kì thú này cho đến khi bọn kiến biến mất về "hang ổ" của chúng. Trong lúc chơi, bố mẹ có thể giải thích cho con về việc giúp đỡ, chia sẻ công việc và sự chăm chỉ của loài kiến.

Khám phá mạng nhện

Thay vì ngay lập tức quét màng nhện đang đeo bám trên những cành cây hay trên tường nhà,hãy gọi con lại và chỉ cho chúng thấy. Chắc chắn trẻ sẽ ngạc nhiên, tò mò khám phá khi thấy cảnh một con ruồi bị mắc kẹt trong mạng nhện và những bước di chuyển nhanh nhẹn của những con nhện "tấn công" con mồi.


Ảnh minh họa.

Quan sát quá trình một con sâu bướm biến thành một con bướm

Được "trải nghiệm" một cách gần gũi và hiểu rõ quá trình hình thành của một con bướm cũng là trò chơi kì thú bố mẹ có thể làm cùng con. Sự hồi hộp chờ đợi xen lẫn những khám phá chắc chắn sẽ khuyến khích trí tò mò, tìm hiểu của trẻ.

Xem cua bò

Chỉ đơn giản là ra chợ, mua một mẻ cua về giã nấu canh và chừa lại một con để vào trong chậu cho trẻ khám phá. Trong trò chơi này mẹ và bé có thể tìm hiểu về cách di chuyển của con cua.

Hạt giống nảy mầm

Hãy để con được khám phá điều kỳ diệu khi gieo hạt giống nẩy mầm. Chỉ đơn giản là một hạt đỗ xanh gieo cùng một núm đất nhỏ, hoặc để trong một cục bông ẩm tẩm nước. Hãy để cho trẻ tự tay kiểm tra chúng hàng ngày. Chắc chắn bé sẽ ngạc nhiên reo lên khi nhìn thấy những mầm non nhú lên sau đó.

 

Theo Seatimes

 

Điểm danh những loại đồ chơi giúp trẻ thông minh

Khối hình, bút màu, đất nặn...là những đồ chơi thông dụng phát triển khả năng tư duy và óc sáng tạo của trẻ.

Thời điểm trẻ từ 1-4 tuổi là cơ hội vàng để cha mẹ giúp bé phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo một cách tối ưu nhất, không chỉ bằng việc cho bé ăn đầy đủ dinh dưỡng mà còn bằng các đồ chơi.

Đồ chơi trẻ em thì rất nhiều nhưng không phải món đồ nào cũng phát huy công hiệu. Dưới đây là một số đồ chơi có thể giúp con phát triển khả năng sáng tạo của trẻ.

1. Khối hình

Mẹ có thể mua các hình khối nhiều màu, đủ hình dáng, kích cỡ bằng gỗ, hay bằng nhựa về và để trẻ chơi bằng cách xếp chồng lên. Đây là một trò phổ biến nhất của con trẻ vì trẻ có thể thỏa sức sáng tạo.

Với khối hình đơn giản, bé có thể xếp thành những mô hình ngộ nghĩnh. Có thể mô hình bé tạo ra không có hình thù hay nghĩa nhất định, nhưng việc đó không làm giảm đi hứng thú của bé. Khi con có thể nhận biết được các mẫu hình cho sẵn, mẹ có thể cho co xem hướng dẫn để con lắp ghép theo.

Mẹ nên cho trẻ xếp từ mô hình dễ đến khó sẽ kích thích tốt nhất hứng thú và sáng tạo của chúng. Khi con lắp ráp xong một mô hình nào đó, mẹ hãy hỏi con xem đây là gì và vì sao con lại ghép như vậy. Mẹ hãy chụp lại các tác phẩm của con để đến lúc nào đó lôi ra cho con nhìn lại như là một kí ức về tuổi thơ của con.

Trò chơi xếp hình giúp trẻ có thể thỏa sức sáng tạo (Ảnh minh họa)

2. Giấy

Mẹ có thể biến giấy thành một vật dụng quan trọng trong một trò chơi phát triển khả năng sáng tạo của trẻ: "xé và dán giấy". Đây là trò chơi đơn giản, hiệu quả tuyệt vời nhưng ít bậc cha mẹ thực hành với con. Mẹ đừng sợ rằng với trò này con sẽ bày rác ra nhà, đừng ngại đi phải dọn bãi chiến trường của con.

Để con làm quen với trò chơi này, mẹ hãy thực hành trước tiên rồi cho con học theo. Mới đầu, mẹ có thể vẽ sẵn hình trên giấy, rồi hướng dẫn con xé theo bức hình đã được vẽ. Sau lần khi con quen dần, mẹ hãy cứ để con tự tạo bức hình mà con muốn. Mẹ nên mua cho con một vài khung ảnh để có thể trưng bày các tác phẩm nghệ thuật "có một không hai" của con. Ngồi nhà sẽ thêm nét ngộ nghĩnh trẻ thơ khi có sự hiện các bức hình của con.

Việc xé và dán giấy thành những hình khối khác nhau giúp trẻ luyện đôi tay thêm khéo léo, kết hợp màu sắc thêm hài hòa mà còn giúp bé luyện trí nhớ rất tốt. Trò chơi này còn giúp khơi gợi óc sáng tạo ở trẻ, trẻ có thỏa thích tạo ra những bức hình giấy đẹp mắt, đúng với lứa tuổi của con.

3. Truyện tranh

Trong nhà, mẹ thường trang bị rất nhiều truyện tranh cho con. Trước khi bắt đầu đọc câu chuyện đó cho con, mẹ có thể cho con xem hình rồi để con tự biến tấu ra một câu chuyện khác thú vị. Mẹ sẽ phải ngạc nhiên trước khả năng sáng tác củ con, con có thể không đọc được chữ trong truyện, nhưng con có thể nói một cách làu làu tiết tấu của truyện.

Bên cạnh việc cho con sáng tạo cốt truyện, cha mẹ có thể dành thời gian để cùng con hóa thân thành những nhân vật trong từng câu chuyện. Hãy cho con đóng giả làm nhân vật con thích, đừng bắt ép con theo một câu thoại nhất định, cha mẹ hãy cứ để con được "hóa thân" thực sự. Với mỗi câu thoại hay hành động của con, bố mẹ cần phải có một cách ứng biến khéo léo để thêm phần lôi cuốn và không khiến bé nhanh chán.

Khoảng thời gian chơi cùng con như thế này sẽ giúp bố mẹ có cơ hội được gần con, được hiểu và được vui đùa với con.

4. Cây bút màu

Khi bé có thể cầm nắm chắc một đồ vật gì đó trong tay, mẹ hãy sắm cho con một hộp bút màu để kích thích khả năng sáng tạo của trẻ.

Bên cạnh hộp màu, mẹ hãy đầu tư cho bé một cuốn vở trắng để con phác họa tác phẩm lên đó. Chỉ với những nét nghệch ngoạc ban đầu nhưng cũng giúp con hứng thú và vui vẻ. Mẹ có thể cầm tay con, uốn nắn con theo từng nét vẽ đơn giản.

Đối với trẻ 2 tuổi trở lên, khi bé cầm bút chưa thạo mà lại thích vẽ, mẹ có thể mua màu nước cho con. Với dụng cụ này, con có thể tạo ra những bức tranh độc đáo bằng những ngón tay. Việc thấy các ngón tay mình tạo ra những hình dạng đủ sắc màu trên giấy cũng khiến các bé cười sung dướng. Điều này giúp kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của bé cực tốt.

Với mỗi bức hình của bé, mẹ hãy cố gắng vận dụng khả năng sáng tạo của chính bản thân mình để luận ra thứ mà con đang vẽ. Mẹ hãy ghi nhận thành quả cho con bằng một tràng pháo tay, một cái thơm nhẹ, một lời tán thưởng ngọt ngào.

5. Hộp đất nặn

Hộp đất nặn cũng được xếp vào danh sách những món đồ chơi giúp trẻ thông minh. Mẹ hãy mua cho con những hộp đất nặn đủ màu sắc để con thỏa sức sáng tạo. Với dụng cụ đồ nặn, bé có nặn ra bất cứ hình con vật hay mô hình nào mà bé thích.

Với bộ đồ nặn đa màu sắc không chỉ giúp con sáng tạo mà còn giúp mẹ nhận ra tài năng nghệ thuật tiềm ẩn của con. Việc nặn ra được các khối hình, con sẽ nâng cao nhận thức và rèn luyện trí óc và cách tư duy.

6. Tuyển tập câu đố

Người lớn có thể cho trẻ tập giải những câu đố để kích thích tư duy của trẻ. Có thể dùng cách đọc cho trẻ nghe những câu đố và lời giải, sau đó kiểm tra lại để luyện cho bé có trí nhớ tốt.

Các mẹ có thể tham khảo một số câu đó dành cho trẻ mầm non sau:

- Con gì cổ dài, ăn lá trên cao, dạ lốm đốm sao, sống trên đồng cỏ? (Con hươu cao cổ)

- Con gì nhảy nhót leo trèo, mình đầy lông lá nhăn nheo làm trò? (Con khỉ)

- Con gì có bướu trên lưng, trời nắng cổ khát vẫn băng dặm dài? (Con lạc đà)

- Sừng sững đứng thẳng một mình, đọc lên uốn lỡi…đố bé chữ gì? (Chữ l)

- Củ gì đo đỏ, con thỏ thích ăn? (Củ cà rốt)

- Cái gì bật sáng trong đêm, giúp cho nhà dưới, nhà trên sáng ngời? (Đèn)

- Cùng ngủ, cùng thức, hai bạn xinh xinh, nhìn rõ mọi thứ nhưng không thấy mình? (Mắt)….

Bố mẹ cần phải tinh ý khi chọn lựa đồ chơi cho con, cần phải xác đĩnh rõ đâu là món đồ có lợi và gây hại cho con. Từ những vật dụng hay món đồ chơi đơn giản mẹ chọn, con có thể trở thành một nhà nghệ thuật, một nghệ sĩ hay một thần đồng.

(Theo Khám phá)

 

Wednesday 5 November 2014

5 trò chơi ngoài trời cho bé không thể bỏ lỡ trong mùa thu

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những em bé có kí ức tuổi thơ ngọt ngào thường sẽ có cuộc sống hạnh phúc khi lớn lên. Và những kí ức đó thường là những trò chơi ngoài trời mà trẻ em được trải nghiệm cùng thiên nhiên.

Mùa thu với tiết trời mát mẻ dễ chịu là thời điểm thú vị để cho bé thỏa thích khám phá với những trò chơi ngoài trời. Trải nghiệm một cuộc "đi săn" mùa thu là một hoạt động thú vị để các bé tìm hiểu về thế giới quanh mình.

Không cần phải sống trong hay gần một khu rừng thi lũ trẻ mới có thể được trải nghiệm một "cuộc đi săn". Chỉ cần bạn cho con ra vườn hoa, hay công viên gần nhà là có thể tiến hành một buổi vui chơi hoàn hảo. "Cuộc đi săn" sẽ vui hơn khi có 2, 3 bạn nhỏ cùng chơi với nhau, nên hãy bảo bé rủ thêm bạn bè nhé. Hãy xem, bọn trẻ có thể "săn" gì trong công viên nào.

Những chiếc lá mùa thu tuyệt đẹp có thể chơi rất nhiều trò chơi thú vị.

Lá mùa thu

Ra đề bài cho bọn trẻ và để xem ai nhặt được nhiều lá vàng nhất; ai nhặt được nhiều lá to nhất; ai nhặt được chiếc lá dài nhất; ai nhặt được chiếc lá thơm nhất, ai kể được tên các loại lá giỏi nhất…

Côn trùng

Để lũ trẻ thi xem ai sẽ tìm ra một con côn trùng nào đó đầu tiên trên bãi cỏ, trong gốc cây, trên chiếc lá… thì người đó sẽ chiến thắng.

Vui cùng bảng chữ cái

Với các bạn nhỏ lớn một chút và đã biết chữ, có thể cho các bạn đi "săn" bất cứ thứ gì bắt đầu bằng một chữ cái nhất định. Chẳng hạn, mẹ hãy ra đề bài: "Săn tìm những thứ bắt đầu bằng chữ C", đó có thể là Cây, Cầu trượt, Cát, Cá…

Đi săn cùng 1 chiếc máy ảnh

Trẻ em luôn thích thú với việc tự mình ghi lại những hình ảnh lọt vào mắt mình bằng máy ảnh. Hãy đưa cho trẻ 1 chiếc máy ảnh tự động nhỏ, hoặc một chiếc điện thoại của bạn, và trẻ sẽ "săn" được những hình ảnh thật đặc biệt và đánh yêu.

"Săn" màu sắc

Hãy bảo trẻ cùng đi tìm bất cứ thứ gì có màu sắc nào đó. Chẳng hạn, hãy bảo trẻ tìm những thứ có màu "cam", đó có thể là một bông hoa cánh bướm màu cam, chiếc cầu trượt màu cam, hay lông con vẹt có màu cam…

Trên đây chỉ là một vài gợi ý nhỏ để bạn có thể hình dung về một cuộc "đi săn trong thành phố" là như thế nào. Có vô vàn thứ mà bạn và lũ trẻ có thể "" săn" được trong một buổi đi chơi, chỉ cần bạn gợi ý cho lũ trẻ hoặc khuyến khích con tự nghĩ ra những thứ con có thể "đi săn".

Đó sẽ là một khoảng thời gian tuyệt vời để kết nối với con, để con hòa mình vào thiên nhiên, thêm yêu thiên nhiên, đó cũng là cách con học hỏi và lớn lên cùng thế giới.

(Theo MASK Online)