Monday 1 December 2014

Sân chơi trong phố: Biến không thể thành có thể

(VnMedia) - Một sân chơi trong phố hay khu dân cư, thậm chí ngay trước cửa nhà với những thiết bị chơi an toàn, bổ ích mà chi phí có khi chỉ bằng… không, để con trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào là điều hoàn toàn có thể làm được ngay giữa Thủ đô Hà Nội.
 
Ngày 2/11, một sự kiện thu hút hàng trăm gia đình có trẻ nhỏ tham dự đã diễn ra tại Hà Nội. Không phải đến để nghe, nhìn hay chơi một cách thụ động, những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi đã có một ngày được chơi thỏa thích trong một không gian ngoài trời thoáng đãng, với những thiết bị hấp dẫn, an toàn được làm bởi bàn tay, khối óc và tấm lòng của các kiến trúc sư tình nguyện.
 
Nguyên vật liệu để làm ra những thiết bị chơi này là từ những chiếc lốp xe cũ, những mảnh gỗ thừa, những sợi dây thừng hay thậm chí là những viên sỏi, những chiếc lá, chiếc hộp cát tông… những vật liệu đơn giản nhưng niềm vui mà chúng mang lại thì rất lớn.
 
Chị Kim Đức, đại diện Ban tổ chức cho biết, trước thực trạng trẻ em Hà Nội thiếu một không gian vui chơi miễn phí trong các khu trung tâm, nhóm Think Playgrouds! - Nghĩ về Sân chơi trong thành phố đã xây dựng được 3 sân chơi trong nội thành Hà Nội. Đó là kết quả từ sự hỗ trợ của các cộng đồng dân cư, các tình nguyện viên, các doanh nghiệp hảo tâm cùng đóng góp tài chính, vật liệu và nhân công trong dự án xây dựng.
 
Tiếp nối hoạt động này, Think Playgrounds! cùng các nhà tài trợ quyết định tổ chức sự kiện Playday nhằm tạo một không gian vui chơi miễn phí đúng nghĩa cho trẻ em, phụ huynh cũng như thu hút sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng về tầm quan trọng của sân chơi trong sự phát triển toàn diện của các em.

Chỉ với những miếng gỗ thừa, các KTS đã tự tay mình làm thành một thiết bị chơi khiến lũ trẻ mải mê leo trèo, khám phá


 
Sự kiện chính Playday được tổ chức vào ngày mùng 2/11 tại Câu lạc bộ Mỹ, nhằm bắt đầu cho chiến dịch vận động xây dựng sân chơi, để trẻ em có được không gian vui chơi đúng nghĩa. Đây cũng là cơ hội để nhóm giới thiệu với những người quan tâm về cách thức xây dựng một sân chơi công cộng cũng như các quan niệm mới về ý nghĩa của việc "chơi". Ngoài ra nhóm cũng đã trình bày các thiết kế được làm từ vật liệu tái chế, giá thành rẻ và sáng tạo trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chí an toàn.
 
Chia sẻ tại sự kiện, bà Judith Hansen, tổ trưởng một khu phố ở Los Angeles nói rằng, trẻ em ngoài được ăn, ngủ, học hành thì phải được chơi. Và sân chơi không chỉ là nơi trẻ đến để hưởng thụ mà còn là nơi chúng học cách chia sẻ và sáng tạo.
 
"Hà Nội là nơi mà các sân chơi như vậy đang dần biến mất và nếu có chỗ chơi thì đó là nơi mà bố mẹ phải trả tiền." - bà Judith Hansen nhận xét và khẳng định, Hà Nội cần phải Hà Nội cần tạo ra rất, rất nhiều sân chơi cho trẻ em.
 
"Khi tôi đến Hà Nội, điều đầu tiên mà tôi tìm hiểu là sân chơi cho trẻ em. Ở hồ Hoàn Kiếm, tôi thấy không gian đẹp và có nhiều người lớn đi dạo, tập thể dục, đánh cờ… nhưng tôi không thấy trẻ em chơi. Cuối cùng, tôi thấy một số trẻ chơi ở chỗ Bút Tháp." Bà Judith kể lại ấn tượng về Hà Nội. 
 
Là một người từng đi khắp các nơi trên thế giới để tìm hiểu về sân chơi của trẻ em, bà Judith nói rằng, nước Mỹ không phải mọi thứ đều tốt đẹp và nước Mỹ cũng có rất nhiều vấn đề, nhưng tất cả trẻ em ở Mỹ đều được đến sân chơi, nơi mà trẻ em được chơi, gặp gỡ giao lưu với nhiều người đến từ các nền văn hóa khác nhau, nơi mà khoảng cách được xóa nhòa.
 
"Ở Mỹ, bất kỳ trường học, công viên… đều có cát cho trẻ em chơi. Mặc dù khi chơi, người chúng sẽ bị bẩn thỉu nhưng ai cũng thích. Bất kỳ người Mỹ nào lớn lên đều mang theo trong mình ký ức tuổi thơ với cảm giác bay lên khi được bố mẹ đẩy đi trên những chiếc xích đu." - bà "tổ trưởng dân phố" nói.
 
Bà Judith cũng đưa ra những ví dụ ở nhiều nước khác trên thế giới về việc quan tâm đặc biệt đến sân chơi của trẻ em, có nơi cũng từng trải qua chiến tranh như Việt Nam, bị ném bom… nhưng bây giờ, nơi các góc phố hay những chỗ từng đổ nát, họ đã làm nên những sân chơi cho trẻ em một cách đầy sáng tạo. Có thành phố còn làm cả sân chơi trên vỉa hè (Tây Ban Nha)…
 
Trong khi đó, một phụ huynh từ Úc trở về, có 2 con nhỏ cũng cho biết, về Việt Nam, chị thấy khó nhất là tìm chỗ chơi cho con (ngoài trời). Chị đành nhờ nhóm tư vấn đề làm sân chơi trên sân thượng nhà mình.

Những đứa trẻ này hoàn toàn có thể được chơi một cách sung sướng như thế này hàng ngày ở trong chính sân tập thể nơi chúng ở chỉ với những thiết bị chơi tự chế


Nhiều bậc cha mẹ, ông bà thì cho biết, họ đều có một tuổi thơ được chơi vui và hạnh phúc bởi khi đó, các khu tập thể hay khu dân cư ở Hà Nội chưa bị "bịt kín" bởi các hàng quán và ô tô, xe máy như bây giờ. Còn ngày nay, rất khó để tìm được một chỗ trống và càng khó hơn khi có một chỗ nào đó được đặt thiết bị để trẻ chơi miễn phí.
 
Đại diện ban tổ chức cho biết, bất kỳ một tổ dân phố hay khu dân cư nào có một khoảng đất trống (từ vài chục đến vài trăm mét) đều có thể làm sân chơi với chi phí rất thấp. họ cũng sẽ được tư vấn, thiết kế miễn phí, thậm chí được tặng một vài thiết bị chơi hoặc tài trợ một khoản tiền nhỏ ban đầu.
 
Sau khi tham quan khu chơi của trẻ, bà Chí, đại diện tổ dân phố 32 thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình vốn là một nhà giáo cho rằng, trẻ em ngày nay  học nhiều, ít được chơi vì không có chỗ chơi, chỗ vận động dẫn đến kém phát triển về thể chất, thiếu kỹ năng vận động, béo phì và nhất là ham mê xem TV hoặc chơi game.
 
Những sân chơi miễn phí như thế này là một gợi ý tốt để bà Chí về bàn bạc với tổ dân phố và các tổ chức, đoàn thể tìm cách có được khoảng không gian làm sân chơi. Sân chơi ở khu tập thể nơi bà Chí ở (tập thể bộ Thủy sản, ngõ 20 Nguyễn Công Hoan) hiện được dùng làm chỗ để xe và có một hộ bán phở. 
 
Trong khi đó, một số tổ trưởng dân phố khác cho biết, khu nhà họ có những khoảng đất có thể làm sân chơi, bị bỏ hoang nhiều năm và họ mong được tư vấn để làm sân chơi cho trẻ em, người già.
 
Một sân chơi trong phố hay khu dân cư, thậm chí ngay trước cửa nhà với những thiết bị chơi an toàn, bổ ích mà chi phí có khi chỉ bằng… không để con trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào là điều hoàn toàn có thể làm được nếu người lớn chúng ta thực sự quan tâm đến việc chơi của con trẻ.

"Bất kỳ tổ dân phố, khu dâncư nào muốn có sân chơi đều có thể được tư vấn miễn phí và giúp đỡ bởi các tình nguyện viên của nhóm Think Playgrounds" - chị Kim Đức - đại diện nhóm khẳng định.

Tuệ Khanh

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home