Sunday 11 January 2015

Đừng biến học sinh thành những "cụ non"

(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, do quá coi trọng kiến thức nên trong quy hoạch trường học đã không quan tâm đến hệ thống thiết bị vui chơi, sân thể thao cho học sinh, dẫn đến sức khỏe của học sinh kém. 

Chiều 11/11, góp ý cho Đề án Đổi  mới Chương trình – Sách giáo khoa, đại biểu Bùi Thị An nhận xét, kiến thức trong sách giáo khoa của học sinh trong khoàng trên 15 năm qua là rất nặng nề, cần phải bỏ bớt. 
  
"Học sinh lớp một mà đeo ba lô nặng cả chục cân, rất nặng. Học sinh học nhiều dẫn đến mụ  mẫm cả tinh thần. Vừa rồi, thông tin học sinh tiểu học mà 20% bị máu nhiễm mỡ cho thấy các cháu phải học quá nhiều mà hoạt động thì quá ít nên mới sinh bệnh. Rồi thì cháu nào cũng đeo kính cận hết cũng cho thấy tình trạng trẻ em học nhiều quá. Đó không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta." – đại biểu Bùi Thị An nói và nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng trên là do chương trình, sách giáo khoa. Vì vậy, đại biểu cho ràng, việc đổi mới toàn diện là cần thiết. 
  
Phân tích kỹ hơn về vấn đề học và dạy, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, do kiến thức quá nặng, trẻ bắt buộc phải học nhiều dẫn đến thầy dạy thêm cũng nhiều, mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học trò bị ảnh hưởng bởi vấn đề kinh tế. 
  
"Môi trường nhà trường lẽ ra phải trong sáng nhất, là nơi để giúp trẻ bước vào đời thì lại nhiều vấn đề như vậy. Tôi từng nghe một người kể, con của cô ấy khi bị cô giáo cho điểm kém đã hỏi lại: Sao cô nhận phong bì của mẹ con rồi mà cô còn cho con điểm xấu? " – đại biểu Bùi Thị An chua xót nói. 
  
Theo đại biểu An thì việc thầy giáo mải mê dạy thêm còn có hệ lụy là thầy không có thời gian nâng cao trình độ, cập nhật thông tin, không có điều kiện quan sát xem thế giới biến đổi thế nào. 
  
"Đó là do chương trình sách giáo khoa quá nặng, mà kiến thức học sinh thu được lại không nhiều" – đại biểu Bùi Thị An khẳng định. 
Học sinh không chỉ cần học mà cần phải được chơi, tập thể thao, văn nghệ...  Trong ảnh: sân chơi trong trường tiểu  học Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), một cảnh  hiếm thấy ở Hà Nội . ảnh: Tuệ Khanh

Đặt câu hỏi: Đổi mới thế nào, đổi mới bao nhiêu thì đủ?, đại biểu Bùi Thị An kiến nghị cần lược bỏ ½ khối lượng trong sách giáo khoa hiện nay. Nhưng theo bà, quan trọng không phải bỏ bao nhiêu mà là bỏ cái gì. "Nên lược cái không cần thiết chứ không phải lược cái khó. Nên bỏ cái rườm rà và nâng phần đạo đức nhiều lên." – đại biểu Bùi Thị An kiến nghị. 
  
Đặc biệt, đại biểu đoàn Hà Nội phân tích, ngày nay, trong chương trình học, môn thể dục được dành thời lượng quá ít cũng là nguyên nhân góp phần khiến sức khỏe  của học sinh không tốt. Vì vậy, cần thay đổi cấu tạo lại chương trình cho cân đối để học sinh tiểu học được hoạt động văn nghệ, thể thao tăng lên.. 
  
Để đạt được mục tiêu trên, theo đại biểu An, cần quan tâm đến việc quy hoạch, thiết kế sân chơi, sân thể thao bởi hiện nay, các trường rất ít quan tâm đến sân bóng, vui chơi cho học sinh, dẫn đến sai cả trong thiết kế quy hoạch trường học. 
  
Về đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, sách giáo khoa, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, Bộ Giáo dục có trách nhiệm xây dựng một chương trình chuẩn, còn sách giáo khoa thì phải xã hội hóa. 
  
"Ai viết cũng được, trẻ già đều được, ai có đầy đủ kiến thức đều có thể viết, nhưng phải có hội đồng thẩm định. Hội đồng này là ai thì phải bàn thêm, nhưng Bộ Giáo dục chỉ góp một phần"-Đại biểu Bùi Thị An nói. 
  
Về mặt kinh phí, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất: "Sản phẩm nào chuẩn thì trả tiền, không cần cấp kinh phí trước cho ai. Có thể hợp đồng trước, nhưng khi nào nhận sản phẩm đạt yêu cầu thì trả tiền. Chứ nếu cứ sợ rủi ro, cấp kinh phí trước lại không đạt yêu cầu." 
  
Theo đại biểu Bùi Thị An: Trước khi đưa sách giáo khoa ra áp dụng thì nên tham khảo cộng đồng, từ học sinh, thầy cô giáo đang dậy hoặc đã nghỉ hưu... "chứ để tình trạng này thì con cháu chúng ta thành cụ non hết." 

Đồng quan điểm với đại biểu Bùi Thị An, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội) cho rằng trong đổi mới giáo dục cần phải quan tâm rèn luyện sức khỏe của học sinh để đảm bảo sau này trở thành những công dân có thể lực tốt.
Tuệ Khanh

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home