Tuesday 11 November 2014

Những kỹ năng sống cần dạy trẻ trước khi vào lớp 1

(VietQ.vn) - Kỹ năng sống là những gì trẻ cần được học trước khi vào tiểu học để giúp trẻ tạo dựng được nền tảng cơ bản trong suốt những năm thơ ấu của mình

Dạy trẻ biết cách giữ an toàn

Dạy trẻ em không nói chuyện với người lạ chỉ là một phần của việc dạy chúng kĩ năng ứng xử khéo léo khi đi trên đường. Hãy chắc chắn rằng con bạn biết những người mà chúng có thể tìm được sự giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp khi xa nhà, chẳng hạn như một nhân viên cảnh sát hay giáo viên. Hãy luôn luôn nhắc nhở trẻ bình tĩnh giải quyết những khó khăn với một suy nghĩ tích cực rằng hầu hết mọi người đều tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ.

Trẻ cần được dạy kỹ năng sống để hình thành nên nền tảng cơ bản từ những năm thơ ấu. Ảnh minh họa

Dạy trẻ tính trách nhiệm

Dạy cho trẻ về tinh thần trách nhiệm có thể là một nhiệm vụ không dễ dàng. Hãy bắt đầu dạy một đứa trẻ về trách nhiệm bằng cách đưa ra công việc cụ thể của bé, chẳng hạn như dọn dẹp chỗ chơi hay phòng ngủ, hoặc là giúp đỡ bố mẹ lau bàn ăn.Cách giáo dục chính vẫn là việc bạn tự làm gương cho trẻ. Hãy chỉ cho con bạn làm thế nào để hoàn thành những cam kết bằng cách chính bạn hoàn thành những điều đó. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn khi ngồi lại và dõi theo việc con mình phải chịu những hậu quả gì khi không làm tròn trách nhiệm. Tuy nhiên, việc luôn luôn thay thế trẻ xử lý những tình huống khó khăn sẽ chỉ làm chúng ngày càng dựa dẫm vào người khác. 

Dạy trẻ ăn uống lịch sự

Cho trẻ làm quen với phong cách ăn uống khi được mời dự tiệc hay ăn cỗ bằng cách tập dượt. Bạn có thể làm một bữa tiệc nho nhỏ vào ngày nghỉ và yêu cầu tất cả mọi người trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, lịch sự làm mẫu cho trẻ. Bài học này sẽ khiến trẻ thích thú và ghi nhớ mãi. Trẻ sẽ hiểu tại sao khi đi dự tiệc chỗ đông người cần biết kính trên, nhường dưới, ăn uống từ tốn, lịch sự theo những lễ nghi chung....

Khi ăn, trẻ thường gặp phải những trường hợp như bị giắt thức ăn vào khe răng, sơ ý làm rớt đũa xuống đất, có thể nhìn thấy con vật lạ trong thức ăn, cha mẹ đều nên dạy cho trẻ biết cách xử lí đúng có thể gây cho người khác ấn tượng không tốt hoặc khiến người khác cảm thấy khó chịu.

Trẻ bắt chước rất nhiều thói quen từ cha mẹ, đặc biệt là thói quen ăn uống hàng ngày cho nên để chỉnh sửa thói quen cho trẻ thì cha mẹ cũng cần chú ý đến việc chỉnh sửa thói quen ở bản thân để trẻ học hỏi.

Hãy để trẻ vấp ngã

Quan tâm tới con một cách thái quá không chỉ là hiện tượng xảy ra với các vị phụ huynh ở Việt Nam, mà còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong việc nuôi dạy con cái trên toàn thế giới. Trong một bài viết mới đây trên trang The Independent, tác giả Susie Mesure đưa ra quan điểm khi bao bọc trẻ quá mức là ta đã ngăn cản sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, chính vì trẻ luôn được bao bọc trong sự chở che của cha mẹ nên khi lớn lên chúng e ngại phải chấp nhận thử thách, hiểm nguy. Bài viết cũng trích dẫn ý kiến của những chuyên gia giáo dục có uy tín.

Peter Gray - tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Boston, tác giả của cuốn sách về nuôi dạy trẻ "Free To Learn" - lo ngại tỷ lệ mắc chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm, thậm chí là số vụ tự tử ở trẻ em đang ngày càng tăng cao bởi vì chúng cảm thấy "không có khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình". Nghiên cứu của ông chỉ ra mối liên hệ giữa sự gia tăng trẻ mắc chứng rối loạn cảm xúc và tâm lý với việc chúng bị hạn chế vui chơi: "Nếu ta tước đoạt quyền vui chơi của trẻ, chúng sẽ không thể học được cách vượt qua khó khăn, kiểm soát cuộc sống của mình, nhìn nhận sự vật theo các góc nhìn khác nhau, cũng như không biết cách thỏa hiệp. Sân chơi là môi trường để trẻ biết được rằng chúng không phải là cái rốn của vũ trụ".

Không áp đặt con phải làm gì, không được làm gì

Một sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là lúc nào cũng áp đặt con phải làm cái này, phải làm cái kia, phải chào, phải đánh răng… Nếu trẻ làm theo thì bảo "Ui, con ngoan quá", những trẻ cá tính không làm theo thì lại bảo con hư. Trẻ không làm theo thì bị phạt, mắng. Trong khi đó, những trẻ đối phó mới là trẻ khôn.Thực tế, có những việc cha mẹ cấm nhưng trẻ vẫn làm. Lý do là vì trẻ làm theo là bị ép buộc chứ không phải tự giác làm, mà điều gì không phải do bản thân mỗi người tự giác làm thì sẽ không có tính bền vững. Hôm nay trẻ làm theo những gì người lớn bảo nhưng không ai đảm bảo rằng khi lớn hơn, trẻ cũng sẽ làm theo.

Cha mẹ không biết rằng chính sự áp đặt của mình có thể khiến bé khi lớn lên làm gì cũng sợ sai, không sáng tạo.

Cho trẻ biết tại sao phải làm cái này

Để con nghe và làm theo thì trước hết chúng ta cần cho con biết tại sao chúng ta phải làm thế. Cha mẹ hãy bỏ qua những quy định tồn tại trước đó, tự đặt tình huống cùng bàn luận với trẻ, hãy để trẻ tự nói lên, tự viết ra những lý do vì sao phải làm thế. Chẳng hạn từ những việc đơn giản như tại sao phải đi vệ sinh, uống sữa đến học bài, rửa tay, đánh răng…

Khi đã hiểu, trẻ sẽ tự ra quyết định, tự viết nội quy, tự giác làm và tự giám sát. Trẻ làm không phải vì sợ mà vì đó là điều đúng, cần thiết. Kết quả đạt được là tập cho trẻ kỹ năng tự đưa ra quyết định, kỹ năng tự nguyện, tự giác.

Nguyễn Huyền (tổng hợp)

 

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home