Friday 19 December 2014

Đừng sợ dơ, hãy cho con chơi thỏa thích

Mẹ đừng nhăn nhó khi thấy cục cưng lấm lem cả người sau một ngày "tung hoành" vui chơi. Chính những trò chơi – đôi khi khiến mẹ mất hàng giờ tắm táp sạch sẽ cho bé – lại khiến bé vui hơn cả, chưa kể còn học được bao điều hay.

Đó là lời khuyên từ Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh tại buổi gặp gỡ cùng các gia đình trẻ theo chủ đề "Cùng bé yêu tận hưởng tuổi thơ" tại TP.HCM ngày 5/10/2014. Đặc biệt, Tiến sĩ Thụy Anh gợi ý nhiều trò chơi trẻ em cho bé trong từng lứa tuổi, vì ở mỗi độ tuổi, bé sẽ có những đặc điểm tâm lý khác nhau và cần học những kỹ năng riêng biệt.
Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh tại buổi gặp gỡ cùng các gia đình trẻ
Từ 1 – 3 tuổi: "làm quen" thế giới qua trò chơi
Giai đoạn từ 1 – 3 tuổi là lúc bé bắt đầu chủ động làm quen với thế giới xung quanh qua mọi giác quan, đặc biệt là xúc giác. Sự giao tiếp bằng ngôn ngữ, sự ôm ấp yêu thương của cha mẹ khiến bé gắn bó và yêu thương cha mẹ hơn.
Có nhiều trò chơi giúp bé phát triển nhận thức và kỹ năng ngôn ngữ như: trò chơi đoán bộ phận thân thể; chơi trốn tìm ngay trên giường ngủ (giấu một con thú bông dưới gối, nệm và đố bé tìm được). Các trò chơi đơn giản ngoài trời như: đi dạo, quan sát sự vật xung quanh, chuyền bóng, ném bóng… cũng khiến bé hào hứng và giúp bé phát triển các kỹ năng vận động. Dơ một chút cũng không sao, quan trọng là bé vui và thoải mái.
Đây là cách chị Liên Hoan (TP.HCM) thường chơi với con: "Như mọi đứa trẻ khác, ở tuổi thích khám phá, mỗi khi đi chơi công viên, Viva đều được mẹ cho thoải mái vọc đất cát, hay thậm chí chơi những trò đòi hỏi phải cầm, nắm, sờ các vật thể lạ... Mỗi lần đi chơi về, mặt mũi đầu tóc Viva lem nhem toàn đất cát nhưng nhìn con vui vẻ, tôi tin rằng mình đã làm đúng khi khuyến khích con đến gần với thiên nhiên."
Viva luôn được mẹ cho thoải mái vọc cát, tự tay mày mò khám phá mọi thứ xung quanh
Từ 3 – 6 tuổi: phát triển tư duy và kỹ năng qua trò chơi
Lên 3 tuổi, bé đặc biệt phát triển tư duy và trí tưởng tượng qua những tiếp xúc với cuộc sống mỗi ngày (trường lớp, thầy cô, bạn bè, người bé gặp ngoài xã hội…). Cũng như người lớn, bé đôi khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Chơi đùa giúp bé giảm căng thẳng, giải tỏa năng lượng, cân bằng tâm lý; học cách đoàn kết, tính hòa đồng, chia sẻ khi chơi tập thể.
Có những trò chơi giúp bé phát huy trí sáng tạo và tưởng tượng như: vẽ tranh, tô màu, kể chuyện hỏi đáp, đố vui… Ngoài ra, những trò vận động trong nhà lẫn ngoài trời như trốn tìm, chạy nhảy, ném bóng, đuổi bắt, kéo co… là lúc bé được cười đùa thỏa thích. Càng "lăn xả" hết mình trong những trò chơi, đôi khi cả người lấm lem, lại chính là khi trẻ hạnh phúc và sảng khoái nhất. Đó là lúc cha mẹ biết rằng bé đang thực sự hạnh phúc trong những ngày thơ ấu của mình.
Mẹ Diệu Bình (TP.HCM) chia sẻ: "Lúc rảnh rỗi, hai mẹ con thường cùng nhau làm bánh. Tôi cho con tham gia vào cả quá trình từ lúc nhào nặn, tạo hình đến bỏ khuôn nướng. Mỗi lần nhớ đến vẻ hí hửng của nàng ấy khi được tận tay đập trứng, nhào nhào nặn nặn là tôi lại phì cười. Nhìn con mặt mũi lem luốc, bàn bếp vương vãi lung tung nhưng phấn chấn hơn hẳn, tôi thấy thật hạnh phúc."
"Trò chơi" làm bánh luôn khiến Gin vô cùng phấn khích

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home