Monday 2 March 2015

Chuyện cái sân chơi trẻ em ở tổ dân phố

 Chỉ là một góc đầu hồi của dãy nhà D2B bỏ không trong con ngõ số 30 Lương Định Của, Hà Nội, bà Trần Thị Vần (tổ trưởng tổ dân phố số 30 P.Phương Mai, Q.Đống Đa) vẫn quyết tâm cải tạo thành sân chơi cho trẻ. 

Sân chơi chỉ rộng khoảng 112m2 nhưng thuộc dạng hiếm ở Hà Nội "tấc đất tấc vàng" - Ảnh: Lê Bích

Thật giản dị, bà bảo: "Chúng tôi làm việc ấy là vì thương trẻ con bây giờ không có chỗ chơi...".

Cái sân chơi cho trẻ mà bà Vần cùng tổ dân phố số 30 mới "khánh thành" cách đây nửa tháng có diện tích vô cùng khiêm tốn: khoảng 112m2.

Nó rất sơ sài khi chỉ có cái sân được tráng bêtông, mấy cái ghế đá và cây ngọc lan mới trồng. Đã thế, đồ chơi ở đây giản đơn đến mức chỉ trừ cái cầu trượt là được mua mới, còn những cầu bập bênh, cầu nhún, quay, đu, ôtô đều được chế tạo từ những vật liệu bỏ đi như thanh gỗ, khúc cây, dây thừng...

Vậy nhưng đám trẻ con không chỉ sống trong ngõ 30 mà cả bên tập thể điện lực, ngõ 36 hay các nhà tập thể gần đó cứ lũ lượt kéo nhau ra đây chơi. 

Ảnh: Lê Bích

Từ một suy nghĩ đơn giản 

Nhà bà Vần ở xéo góc trái của sân chơi. Năm nay bà Vần 70 tuổi, hai cô con gái đã lập gia đình và chồng bà qua đời đã 10 năm nên bà sống một mình trong dãy nhà D2A khu tập thể Kim Liên. Những năm trước, bà Vần đã nghĩ rất nhiều về sân chơi này.

Bà nhẩm tính cái khoảnh đất có hai nhà bơm, một bể bơm ở đầu hồi dãy nhà D2B bỏ hoang đã 15 năm khi khu tập thể được cấp nước sạch trực tiếp. Là đất công cộng nên người dân xả rác bên dưới, phơi quần áo phía trên, nền đất mấp mô, mốc thếch. Chút nước mưa đọng lại trong bể để lâu ngày thành "nhà" cho muỗi đẻ trứng.

Trong khi đó, bà thấy đám trẻ con ở đây mỗi ngày một đông. Bọn chúng lớn lên trong những ngôi nhà khép kín mà chẳng bao giờ có sân chơi để vui đùa, chạy nhảy. Thế nhưng, bà Vần không thể có ý kiến vì lúc đó bà là tổ trưởng tổ dân phố số 57, không phụ trách khu dân cư các tổ 59, 60 có khoảng đất trống ấy. 

Tháng 10-2014, khi ba tổ này được sáp nhập thành tổ dân phố số 30, bà Vần tiếp tục được tín nhiệm làm tổ trưởng. Thế là ngay từ cuộc họp đầu tiên của tổ dân phố, bà đã đưa ra tiêu chí: phải giải phóng hai nhà bơm và bể bơm ở góc đất công cộng đầu hồi nhà để làm sân chơi cho trẻ.

Bà Vần (giữa) vui đùa với trẻ tại sân chơi - Ảnh: Đức Triết

 

Ngày cuối tuần, đám trẻ vui đùa với những món đồ chơi tự chế ở sân chơi mini - Ảnh: Lê Bích

Nhờ sức dân và sự đồng lòng

Bà Vần khiêm tốn nói: "Cái sân chơi ấy có được là từ sức dân, lòng dân đồng thuận cùng ủng hộ, cùng làm. Tôi chỉ là người dựng dỗ, trông nom. Bây giờ có điều kiện thì sắm thêm cái ô ở đó để che nắng che mưa. Mấy đồ chơi cũng cần phải chỉnh sửa lại cho chắc chắn để các cháu chơi được an toàn. Ngày ngày nhìn bọn chúng được chơi, tôi thấy vui khỏe ra rất nhiều!".

Không chỉ đám trẻ ở ngõ 30 Lương Định Của mà cả những người bà, người mẹ xung quanh khu Kim Liên cũng đưa con cháu mình đến sân chơi này - Ảnh: Đức Triết

Ngày thứ bảy đầy nắng ấm của đầu đông, chúng tôi đến thăm cái sân chơi tí hon ấy của tổ dân phố. Đám trẻ con ngày ngày quay tròn trên lớp học hôm nay được đến đây "thả cửa" trượt cầu, bập bênh, nhún nhảy, đu quay, đánh đu...

Bé Lê Diệu Thúy, lớp 1 Trường tiểu học Khương Mai, hồn nhiên kể: "Nhà con bên dãy D1 cách đây mấy dãy nhà liền. Bên nhà con không có chỗ chơi nên con sang đây chơi với các bạn. Con thích nhất trò chơi đánh đu".

Còn bà Thụ, bán phở trong ngõ 30 phố Lương Định Của, có đến năm đứa cháu, bảo: "Bà tổ trưởng đã làm đúng đấy. Nhờ bà ấy cũng như sự đồng lòng của bà con lối phố mà trẻ con ở đây có được cái sân chơi. Sân nhỏ thật nhưng giữa Hà Nội thời tấc đất tấc vàng thì lại thật hiếm". 

 

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home