Friday 5 September 2014

Thảm án vì nghiện game: Do giới trẻ thiếu sân chơi?

Liên tiếp trong những tháng này, đi đâu cũng đều nghe mọi người bàn chuyện: giờ bọn trẻ ghê quá, cái gì chúng cũng dám làm. Mới lớp 6, lớp 7 nhẫn tâm giết chết bà để lấy tiền chơi game, rồi ra tay sát hại cả nhà. Nghe mà rùng mình…

Có thể thấy, trong vòng chưa đầy 1 năm nhiều vụ thảm án đã diễn ra mà hung thủ là những người nghiện game ở mọi lứa tuổi khác nhau. Theo thống kê nghiên cứu về thực trạng chơi game của thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy: 4.468 thanh thiếu niên Việt Nam chơi game từ độ tuổi 11 – 30 tuổi trong đó có 36.3% người chơi game bạo lực tuổi từ nhóm tuổi thiếu niên (6-11 tuổi) chiếm 24.9%, đặc biệt từ lứa tuổi (12 – 25 tuổi) chiếm 41.5%, (theo Tạp chí khoa học ĐHQGHN, số1/2013).

Con số này phần nào đã nói lên thực trạng nghiện game của thanh thiếu niên Việt Nam. Đáng báo động tình trạng này ngày càng trở nên nguy hiểm, gây ảnh hưởng sâu sắc tới đạo đức xã hội, luân thường đạo lí,…

Báo động tình trạng nghiện game của giới trẻ.

Ngay đầu tháng 7/2014, công an tỉnh Thái Nguyên đã phá vụ án giết người, cướp của, hung thủ gây ra là hai cháu nhỏ Trần Văn Sơn (sinh ngày 20/9/2000) và Trần Văn Đức (sinh ngày 7/1/2001), đều ở xóm Đồng Tâm, Tức Tranh, Phú Lương, là 2 anh em con cô con bác đã ra tay sát hại bà Nuôi (họ hàng xa với Sơn và Đức) một cách dã man, cướp đi hơn 4 triệu đồng.

Cả hai đã đều lên kế hoạch trước, Sơn và Đức mang theo 1 gậy gỗ và 1 kéo cắt giấy đột nhập vào cửa sau nhà bà Nuôi để ăn trộm tiền. Trong lúc chưa tìm ra tiền thì cả hai phát hiện ánh đèn pin của bà Nuôi. Nghĩ rằng đã bị lộ, 2 đối tượng đứng nép ở hai bên cánh cửa, khi bà Nuôi vừa bước qua cửa thì Sơn dùng gậy gỗ nhằm vào gáy bà đánh khiến bà bị ngã ngửa ra sàn. Lúc này Đức cầm kéo đâm nhiều nhát vào người bà Nuôi, Sơn tiếp tục cầm gậy đánh liên tiếp vào đầu bà…

Hai đứa trẻ sau khi gây ra vụ thảm án vẫn nhơn nhởn, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Điều đáng bàn cả hai đều đang học lớp 6, lớp 7, đều học kém, năm học vừa rồi đều bị lưu ban, và cùng nghiện game đột kích.

Và gần đây nhất, ngày mùng 2/8/2014, vụ án kinh hoàng xảy ra huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, hung thủ là Phạm Duy Quý nhẫn tâm ra tay sát hại bà nội, bố, mẹ và chị họ. Trước khi gây ra thảm án Phạm Duy Quý đã chơi game trong suốt 2 ngày không ăn uống. Sau khi gây ra hắn đã tự đến cơ quan công an tự thú, ngày 4/8 y đã tự tử trong nhà giam.

 

Thiếu sân chơi dẫn đến thực trang này?

Điều đáng nói là các em đều ở nông thôn, tài chính gia đình khó khăn, thiếu các sân chơi. Và đây cũng là thực trạng chung ở các vùng nông thôn.

Ở nông thôn việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em còn nhiều hạn chế vì những người đứng ra tổ chức còn thiếu, đặc biệt là lực lượng thanh niên đi làm ăn xa nhiều không có người tổ chức hoạt động. Nhà văn hóa xây dựng lên nhưng chỉ phục vụ cho những cuộc họp trong thôn, thư viện xã thì đóng cửa, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm khiến bọn trẻ không có chỗ để đào hố để chơi bi, chơi khăng chơi quay. Người lớn thì đi làm cả ngày nên bọn trẻ cũng không có ai quan tâm, giám sát.

Trẻ em nông thôn không còn nhiều không gian để vui chơi như ngày xưa.

Có chỗ chơi nhưng hẹp cứ chơi lại bị người lớn la nào là va vào xe cộ, nắng nôi… đi tắm sông, tắm ao thì nước sông ô nhiễm, lại sợ đuối nước nên bọn trẻ chỉ có cách ở trong nhà xem hoạt hình, vào các quán điện tử,... Khi quen các em lao vào như con thiêu thân, bất chấp tất cả để thỏa mãn cơn nghiện.

Đây là tiếng chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh học sinh, các nhà giáo dục, các nhà quản lí game về việc thích ứng bạo lực của thanh thiếu niên. Vì vậy, cần quan tâm sát sao hơn nữa con em mình và có thêm sân chơi bổ ích cho các em để các em tránh xa các tệ nạn.

Nguyễn Liên 

 

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home