Sunday 6 July 2014

Đừng để trẻ em mất những mùa hè vui tươi

Bài viết này xin được mở đầu bằng cuộc đối thoại giữa hai cháu nội của người viết bài này và mẹ của chúng. "Mẹ đã mua sách, đăng kí và đóng tiền học hè cho hai con ở nhà cô giáo rồi đấy". Thằng anh lớn 11 tuổi chủng chẳng: "Nghỉ hè mà mẹ".

- Hè cũng phải học. Cô giáo đã thông báo lịch học hè rồi. May mẹ còn đăng kí kịp chứ không sang năm học mới cô không thấy con học hè thì phiền lắm.    

Thằng em 9 tuổi phụng phịu:

- Ứ, ừ. Mẹ đăng kí, đóng tiền thì mẹ đi mà học. Con còn chơi.

- Chơi. Chơi. Có chỗ nào mà chơi, hay lại chạy nhổng ra đường hoặc chui vào quán game, quán nét.

Tôi nghĩ cuộc đối thoại trên chắc chắn không chỉ diễn ra ở nhà tôi mà đã trở thành phổ biến ở những gia đình trong các đô thị trên khắp đất nước ta.

Dù trong các kì họp Quốc hội gần đây vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần đằng đàn, báo cáo trước các vị đại biểu Quốc hội về mục tiêu và những biện pháp để từng bước giảm thiểu và đi đến chấm dứt triệt để vấn nạn "bắt học thêm và dậy thêm" như thế nào thì tình trạng sai lầm này chẳng những không mấy thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng thêm với những biến thái khôn lường. Vậy là với chương trình học hè tưởng như tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc ngầm kia khiến trẻ em đang trong tuổi học, tuổi chơi của nước ta lại thêm một mùa hè không được chơi bời thoải mái và bị nhốt trong những buổi học nhồi sọ nặng nề.

 

Thương cho lứa tuổi học trò hôm nay đang bị thui chột tuổi thơ, đang bị mất đi những kì nghỉ hè rực rỡ màu hoa phượng. Lứa tuổi trên dưới bẩy mươi chúng tôi lại nhớ đến những kì nghỉ hè cách đây năm, sáu chục năm. Mỗi khi tiếng trống trường vang lên báo kì mãn khoá, hết năm học là lập tức chúng tôi xếp cặp xách vào một góc để dành cho ba tháng hè thanh thản, phóng khoáng với bao nhiêu trò chơi của tuổi học trò gắn liền với cỏ cây, thiên nhiên mời gọi. Còn trẻ con hôm nay nhất là trẻ con ở các khu đô thị. Tôi chợt nhớ đến câu nói đầy lo lắng của con dâu: "Chơi, chơi. Có chỗ nào mà chơi. Hay lại chạy nhổng ngoài đường hoặc chui vào quán game, quán nét". Phải chăng bên cạnh việc bắt buộc con cái mình phải giam mình trong các buổi học thêm thì các bậc phụ huynh hôm nay còn cảm thấy an tâm khi biến những buổi học hè trở thành buổi trông trẻ an toàn cho con trẻ giữa phố phường đầy những hiểm họa và quá thiếu những khu dành cho nhu cầu vui chơi của trẻ con, những khoảng thiên nhiên trong lành.

Trên dưới một thập kỉ nay, ngành Xây dựng liên tục hể hả với những báo cáo "đã hình thành hết khu đô thị này đến khu đô thị khác". Riêng năm 2013 vừa qua ngành này cũng đưa ra những con số đã đưa tỉ lệ đô thị hoá lên hơn 33, 47% (tăng 1,02% so với năm 2012), trong đó bình quân nhà ở toàn quốc lên 19,6 mét vuông/một đầu người (so với năm 2012 là 19,1) đưa tổng số sàn nhà lên con số 79 triệu mét vuông trong đó ở đô thị chiếm xấp xỉ 37 triệu mét vuông. Nhưng hầu như các khu vui chơi, giải trí cũng như diện tích dành cho cây xanh và môi trường thiên nhiên thì bị bỏ qua vì không nằm trong tính toán quy hoạch của ngành xây dựng trong thời buổi mét đất là mét vàng, mét kim cương.

Tiết học ngoài trời của học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp, TPHCM) tại công viên Gia Định.

Dân số nước ta hiện nay là 90 triệu người trong đó trẻ em là 23,6 triệu, chiếm 27,5% dân số. Nhưng có thể nói không ngoa 23,6% dân số là trẻ em đó đang bị bị lãng quên. Nhu cầu chơi bời của trẻ em không được đếm xỉa đến. Hãy bắt đầu từ thủ đô Hà Nội - thành phố được ưu đãi nhiều mặt, kể cả sự mở mang thêm diện tích để tạo điều kiện cho sự phát triển một đô thị trong tương lai. Từ khi giải phóng thủ đô đến nay đã tròn 60 năm và kể từ hai thập kỉ nay, Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, khu đô thị… Nhưng đáng buồn thay. Hầu như các công trình dành cho nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hoá thể thao dành cho trẻ hầu như không những không mọc thêm mà còn bị xâm chiếm, thay thế. Một cung văn hóa thiếu nhi cũ kĩ ngày một xuống cấp mỗi khi hè đến không đủ đáp ứng một nửa nhu cầu vui chơi, bồi dưỡng các bộ môn văn hoá, nghệ thuật cho các học sinh muốn xin học. Một rạp chiếu bóng duy nhất dành cho thiếu nhi được nâng cấp nhưng đã chuyển chức năng thương mại. Một rạp xiếc vắng khách trẻ em vì tiết mục quá cũ kĩ. Một nhà hát mang tên Tuổi trẻ có chức năng phục vụ trẻ em nhưng chức năng này chỉ loé lên vào những dịp hè với những tiết mục phục vụ trẻ em nhàm chán, chiếu lệ. Còn hệ thống công viên cây xanh thì một vườn thú Thủ Lệ đến vài chục năm nay các loài thú không những không tăng thêm mà chỉ hao hụt đi bên cạnh diện tích của công viên bị thu hẹp lại dành cho vui chơi có thưởng và kinh doanh ăn uống. Các công viên hiếm hoi còn sót lại như công viên Thống Nhất, vườn Bách Thảo thì liên tục bị thành phố đe doạ bởi các dự án làm bãi xe, xây nhà cao tầng… Còn ở dưới các quận huyện thì cách đây hơn 20 năm ở các khu phố, cụm dân cư đã từng có tới 2.100 điểm vui chơi cho trẻ được xây dựng một cách chiếu lệ với những thứ đồ chơi đơn giản như cầu bập bênh, cầu trượt, đu vòng… nhưng đến nay số lượng các điểm chơi này đã giảm xuống cùng với gần 50% các điểm xuống cấp. Vì thế các nhà chuyên môn đã nhận định hiện nay nhưng cơ sở dành cho sự vui chơi của trẻ em ở Thủ đô đang trong tình trang bốn quá. Đó là "Quá thiếu, quá cũ, quá tải, quá đắt". Một khoá học ở Cung thiếu nhi Hà Nội trong một tháng rưỡi (từ 15/5 đến 30/6) có học phí từ 450 nghìn đến 1,7 triệu đồng. Một vé vào các khu vui chơi như công viên nước, Thiên đường Bảo Sơn, công viên Vầng Trăng… không dưới 200 nghìn đồng. Không chỉ hệ thống cơ sở vui chơi cho trẻ em không được coi trọng mà ngay môi trường thiên nhiên dành cho trẻ em cũng bị xem thường. Bảy tiêu chuẩn dành cho một đô thị xanh trong đó mỗi người dân ở đô thị này phải có 10 mét vuông cây xanh. Trẻ em hơn bất kì lứa tuổi nào lại càng cần hoà đồng hơn nữa đối với thiên nhiên, cây cối… Đáng buồn thay, trẻ em Hà Nội khi ở nhà bị nhốt trong những căn phòng bê tông, khi ra đường bị ngợp trước những sân golf, nhà hàng, nhà nghỉ, sàn nhảy và sự giăng mắc của hệ thống dày đặc các dịch vụ chơi có thưởng, trước các quán game và Intenet. 

 

Các hoạt động vui chơi bổ ích giúp các em giải tỏa căng thẳng sau thời gian dài lo gánh nặng bài vở.

Hà Nội - đô thị loại một điều kiện dành cho trẻ em còn eo hẹp, thiếu thốn và bất hợp như vậy thì các đô thị khác chắc chắn còn tồi tệ hơn. Theo tính toán sơ bộ nước ta hiện nay có khoảng 572 đô thị lớn nhỏ với hơn 26% dân số sống trong đó. Nếu chúng ta không có những thay đổi lớn về cơ bản trong việc chăm sóc trẻ em thì sẽ là một báo động lớn về việc hình thành nhân cách cũng như tài năng của nhiều thế hệ người Việt sau này. Tôi có may mắn đi công tác ở một số nước đã chứng kiến ở bất kì một quốc gia nào trẻ em cũng được ưu tiên từ chỗ vui chơi, điều kiện sinh hoạt, học hành. Ở Singapore đất hẹp như vậy nhưng không ga Metro nào không có khoảng trống rộng dành cho những trò chơi của trẻ. Ở Thụy Điển có những công viên mênh mông dành cho trẻ. Ở Anh, chính quyền quận, huyện nào cũng chịu trách nhiệm trước chính phủ về không gian công cộng dành cho trẻ được tổ chức quy củ dành cho các lứa tuổi… Còn ở ta không chỉ tại các thành phố coi thường nhu cầu của trẻ mà hiện nay trong cơn lốc đô thị hoá không ít vùng nông thôn cũng đang tàn phá môi trường, tàn phá thiên nhiên - những chiếc nôi di dưỡng tâm hồn trẻ…

Tôi nói thế không có nghĩa nhà nước ta không lưu ý đến việc này. Bác Hồ ngay từ khi lập nước đã quan tâm đến nhu cầu "chơi và học của trẻ". Trong di chúc Bác đã hai lần nhắc đến trẻ em. Ngay từ năm 1990 Việt Nam đã trở thành một trong gần 200 quốc gia tham gia Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em. Trong Nghị quyết 51/2001 QH10 ra ngày 25/12/2001 Quốc hội khoá 10 kì họp 10 bổ sung cho hiến pháp 1992 ở điều 29 chương I. Khoản 1 ghi rõ "gia đình, nhà trường, xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em vui chơi, giải trí…". Khoản 2 "UBND các cấp có trách nhiệm quy hoạch, đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí… Không được sử dụng cơ sở vui chơi dành chộhc tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em".

Mong chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc điều khoản này của Hiến pháp để trẻ em nước ta không mất đi những nhu cầu vui chơi, những ngày hè đẹp đẽ phóng khoáng, mất đi tính hồn nhiên của con trẻ.

 

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home