Thursday 17 July 2014

Thiếu sân chơi đúng nghĩa dành cho trẻ em

 

Sân chơi cho trẻ em thì nhiều, nhưng hình thức còn nghèo nàn, lạc hậu, không hấp dẫn.

Vào dịp hè hằng năm, ở TP Hồ Chí Minh có khoảng 500 nghìn lượt trẻ em sinh hoạt, vui chơi tại địa bàn dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế, sân chơi cho trẻ em ở thành phố vẫn còn lạc hậu, thiếu cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, hình thức không phong phú..

Trẻ em TP Hồ Chí Minh đang đứng trước quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, không gian công cộng ở các quận trung tâm ngày càng bị thu hẹp, do vậy chỗ vui chơi, giải trí của trẻ em cũng bị ảnh hưởng theo. Thành phố hiện có hơn tám triệu dân, trong đó có tới 1,7 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Với đặc thù lứa tuổi, nhu cầu vui chơi giải trí của đối tượng này là rất lớn. Từ thực tế này, cuối năm 2010, HĐND thành phố đã có nghị quyết về đầu tư, xây dựng, phát triển các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 -2015.

Lâu nay, TP Hồ Chí Minh vẫn được xem là một đô thị có nhiều cơ sở văn hóa, thể thao và địa điểm vui chơi giải trí. Thành phố có bảy nhà văn hóa cấp thành phố; 24 trung tâm văn hóa; 24 trung tâm thể thao cấp quận, huyện; 61 nhà văn hóa phường, xã, thị trấn; 17 điểm vui chơi, giải trí và công viên có quy mô lớn, trong đó có những điểm vui chơi được đầu tư công phu cùng nhiều thiết bị trò chơi hiện đại như: Công viên văn hóa Đầm Sen, Công viên văn hóa các dân tộc, Khu du lịch Suối Tiên, Thảo Cầm Viên... Ngoài ra còn có 22 nhà thiếu nhi, trung tâm sinh hoạt quận, huyện và một trung tâm dã ngoại tại huyện Cần Giờ.

Hằng năm, vào dịp hè, trung bình có khoảng 500 nghìn lượt trẻ em được sinh hoạt, vui chơi tại địa bàn dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế, sân chơi cho trẻ em ở thành phố vẫn còn lạc hậu. 22 nhà thiếu nhi của 24 quận, huyện chủ yếu dạy năng khiếu, vì vậy phần lớn trẻ em không được vui chơi, giải trí. Thỉnh thoảng, nhà thiếu nhi quận, huyện tổ chức vui chơi dành cho trẻ em nhưng vẫn còn mang nặng tính phong trào. Còn các điểm ở khu vực nội thành thì thiếu không gian rộng, hạn chế các hoạt động thể chất. Trong khi đó, ở ngoại thành, dù có khuôn viên rộng rãi nhưng lại thiếu trang bị cơ sở vật chất, trò chơi và thiếu người tổ chức, hướng dẫn. Các điểm vui chơi thường khá xa khu dân cư, rất bất tiện cho phụ huynh đưa đón con em đến sinh hoạt. Nhiều nơi chỉ được trang bị những đồ chơi đơn giản như: cầu trượt, đu quay, thú nhún, nhà phao trượt... Chưa kể, ở một số công viên và nơi vui chơi, hàng quán, người bán rong, quảng cáo lấn át hết không gian. Thậm chí, có nơi còn có các tệ nạn xã hội. Một số khu vui chơi khác còn nặng tính kinh doanh, thu phí khá cao khiến trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó tiếp cận sinh hoạt, vui chơi.

Những bất cập kể trên đã làm cho sân chơi của thiếu nhi bị thu hẹp dần, gián tiếp đẩy nhiều em vào con đường nghiện trò chơi trực tuyến, nghiện chat trên in-tơ-nét, sao nhãng việc học tập... Không gian, thời gian vui chơi gần như không có, cho nên việc học sinh sống tại các đô thị lớn chỉ biết giải trí bằng những trò chơi công nghệ số (nhanh, tiện và hấp dẫn) cũng là điều dễ hiểu.

Chị Nguyễn Ái Phương, mẹ em Trần Công Trọng (Trường THCS Trần Quốc Toản, quận 9) cho biết: "Tôi rất muốn cho con đến nhà văn hóa, nhà thiếu nhi thành phố chơi các trò chơi dân gian, nhưng các sân chơi gần như vắng bóng. Ngoài các lớp học đàn, vẽ, học hát... học sinh chẳng còn gì để tham gia khi rảnh rỗi". Chị Võ Thị Kim Quyên (ngụ ở Thủ Đức) chia sẻ: "Ông bố, bà mẹ nào cũng mong muốn con được học trong môi trường rộng rãi, thoáng mát và được chơi những trò mà trẻ em ưa thích. Có thế chúng mới phát triển toàn diện được. Nhưng hiện nay, nhiều sân chơi cho trẻ chưa đáp ứng được, nếu không muốn nói là nghèo nàn...".

Thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố đã cho điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng và hoạt động các cơ sở vui chơi giải trí phục vụ trẻ em, đồng thời cho triển khai xây dựng nhiều khu vui chơi, giải trí mới.

Có đủ sân chơi cho trẻ là tốt, nhưng để có sân chơi "đúng chuẩn" giúp trẻ phát triển toàn diện lại là một vấn đề khác. Việc tạo sân chơi cho trẻ không chỉ đơn thuần là để các em vui chơi, giải trí sau những giờ học căng thẳng, mà còn tạo ra một môi trường lành mạnh để các em thực hành giao tiếp xã hội và rèn luyện kỹ năng sống. Vì vậy, bên cạnh các trò chơi truyền thống, cần tăng cường tổ chức các trò chơi đội, nhóm, dã ngoại để tập cho các em làm quen với việc tự phục vụ mình. Lồng ghép các mô hình hướng nghiệp nhằm giúp trẻ thể hiện được ước mơ và có ý thức đối với bản thân, quan tâm những người chung quanh, tự phát hiện khả năng, sở thích. Sân chơi cần được trang bị các thiết bị, đồ chơi phù hợp nhu cầu của trẻ em trong từng khu vực cụ thể.

Lâu nay, trong những dự án quy hoạch xây dựng của các tỉnh, thành phố, chính quyền đều có yêu cầu phải dành quỹ đất xây dựng sân chơi cho trẻ. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng tuân thủ quy định ấy. Nếu có, thì sân chơi cho trẻ em hoặc chưa đạt tiêu chuẩn hoặc nhắm đến yếu tố kinh doanh...

 

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home