Monday 14 July 2014

Đuối nước rình rập trẻ em`

Hè đến là thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em tăng cao. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu ấy là những mối nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của trẻ khi môi trường sống xung quanh còn thiếu an toàn và việc phổ cập bơi cho trẻ vẫn còn hạn chế.
Bà Trần Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh), cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước là môi trường sống xung quanh trẻ em thiếu an toàn; bản thân trẻ lại không biết bơi, không có kỹ năng an toàn dưới nước; người lớn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu khi gặp phải các trường hợp đuối nước…
* Môi trường sống thiếu an toàn…
Đã gần 10 ngày trôi qua, nhưng anh Trần Văn Giàu và chị Nguyễn Thị Giàu vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi đột ngột của con gái đầu lòng K.M. (18 tháng tuổi) trong vụ tai nạn đuối nước xảy ra tại khu nhà trọ phường Bửu Hòa (TP. Biên Hòa). Chị Giàu kể, sau khi bé M. tròn một tuổi, vì cuộc sống quá khó khăn nên chị đã ôm con từ Bạc Liêu lên Đồng Nai kiếm việc làm phụ chồng nuôi con. Nhưng vì không mang theo giấy khai sinh, ngại làm các thủ tục rườm rà nên chị Giàu đã gửi con cho bà Bùi Thị Lài (67 tuổi) ở phòng trọ bên cạnh trông giữ. Chiều 17-6, sau khi nghe tin bé M. bị rơi xuống hồ nuôi cá cách phòng trọ 30m, chị như chết lặng, bởi các trò chơi trẻ em chị không ngờ đó lại là nơi cướp đi tính mạng con mình.
Không riêng gì trường hợp của K.M., hàng năm trong tỉnh có từ 25-40 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Theo số liệu của Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh, chỉ tính trong quý I-2014, toàn tỉnh đã có 8 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước và tính từ năm 2008 đến nay có đến 200 trường hợp. Điều đáng nói, hầu hết trẻ bị đuối nước là do nhà ở gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn; bể nước, giếng đào, cống thoát nước không có nắp đậy; hố của các công trình xây dựng, khai thác, đất đá không được san lấp, không được rào, cắm biển báo nguy hiểm…
Cách đây không lâu, người dân ấp 8, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) đã chứng kiến vụ em T.B. (7 tuổi) tử vong vì rớt xuống hồ trong rẫy của một hộ dân trong vùng; trường hợp của em C.H. (10 tuổi), ấp 3, xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) tử vong do rớt xuống hồ khai thác đá bỏ hoang. Trước đó nữa là vụ đuối nước xảy ra tại hầm đá ấp An Hòa, xã Hóa An (TP. Biên Hòa) làm hai em A.K. và em V.C. (13 tuổi) thiệt mạng…
* Phổ cập bơi - còn nằm trên giấy
Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ chăm sóc trẻ em, cho biết trong thời gian qua, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp công tác phòng chống tai nạn thương tích đuối nước ở trẻ em đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, số vụ tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn đuối nước không giảm mà còn có xu hướng tăng lên.
Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích đuối nước, mới đây Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức hội thảo bàn về giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước trẻ em năm 2014. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã được các đại biểu đưa ra, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình; tổ chức các hội nghị chuyên đề về phòng chống tai nạn thương tích đuối nước cho trẻ em ở các xã có nguy cơ cao; tập huấn cách sơ cấp cứu các trường hợp bị tai nạn thương tích đuối nước. Cùng với việc hướng dẫn người dân làm rào chắn, đặt biển báo đối với các khu vực nguy hiểm nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ thì đa số các đại biểu cho rằng cần phải phổ cập bơi cho trẻ.
Ông Võ Ngọc Thạch, Trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên (thuộc Sở GD-ĐT), cho biết để hạn chế đuối nước trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 2156 về phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh giai đoạn 2013-2015. Trong đó, chương trình xóa mù bơi cho trẻ em được UBND tỉnh giao cho Sở GD-ĐT và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, do khó khăn về cơ sở vật chất, hồ bơi nên tính đến thời điểm này chương trình phổ cập bơi cho trẻ vẫn chưa thực hiện được. Trước vấn đề này, Sở GD-ĐT đã xây dựng dự án thí điểm cung cấp, lắp đặt hồ bơi di động bằng composite tại 10 trường tiểu học ở 9 huyện và TX.Long Khánh. Mặc dù dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt từ giữa tháng 3-2014 nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí kinh phí thực hiện.
Cũng theo ông Võ Ngọc Thạch, bên cạnh dự án thí điểm cung cấp, lắp đặt hồ bơi di động của Sở GD-ĐT, về lâu dài để trẻ em trong độ tuổi được xóa mù bơi, các địa phương cần tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa hồ bơi. Đồng thời, trong những dự án xây dựng trường học mới cần đặt ra tiêu chí có hồ bơi nhằm tiến tới việc đưa nội dung bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất chính khóa.

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home