Thursday 10 July 2014

Tổ chức vui chơi, giải trí cho thiếu nhi: Thiếu mô hình hấp dẫn

Xác định công tác chăm lo, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng là một nội dung trọng tâm, cần đầu tư thực hiện thường xuyên, nhiều năm qua Trung ương Đoàn luôn tăng cường chỉ đạo nhiệm vụ này. Trên thực tế, nhiều tổ chức Đoàn đã triển khai đạt kết quả đáng ghi nhận, song so với thực tế chưa đáp ứng yêu cầu.

Năm 2010, BCH Trung ương Đoàn đã ban hành Nghị quyết 06/TƯĐTN về "Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng" nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là tổ chức Đoàn để có nhiều sân chơi bổ ích, tổ chức được nhiều hoạt động vui chơi cho thiếu nhi. Thực hiện nghị quyết, các cấp bộ Đoàn đã đổi mới về hình thức nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Tại các trường học, các hình thức vui chơi gắn với học tập, giáo dục truyền thống ngày càng phát triển; chú trọng hướng dẫn cho thiếu nhi, học sinh tham gia các trò chơi dân gian trong giờ ra chơi, trong sinh hoạt Đoàn, Đội, các hoạt động ngoại khóa... Trong đó, các cuộc thi sáng tạo, hội chợ thiếu nhi, văn nghệ, tham quan di tích lịch sử, truyền thống... luôn được các em hưởng ứng và tham gia sôi nổi.
 

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của các cháu Trường Mầm non Yết Kiêu, quận Hà Đông.


Hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư cũng được quan tâm đầu tư nhiều hơn, nhất là trong dịp hè. BCH Trung ương Đoàn cho biết, thời gian qua, 100% các tỉnh, thành đoàn đã triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi, trong đó 70% đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo hè, phân công trách nhiệm cho từng thành viên, trong đó Đoàn thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Đoàn các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động với các chủ đề thiết thực như "Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo", "An toàn để trẻ em sống và phát triển"... giúp thiếu nhi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia vui chơi giải trí. Điển hình là Thành đoàn Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng 100 công trình sân chơi dành cho thanh, thiếu nhi (mỗi sân trị giá 50 triệu đồng) trong nhiệm kỳ 2012 - 2017. Ngoài ra, trong năm nay, Thành đoàn sẽ xây dựng tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, mỗi tỉnh 1 sân chơi cho thiếu nhi, 1 nhà bán trú cho học sinh; hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 sân chơi cho thiếu nhi các xã khó khăn của thành phố. 

Mặc dù đã đạt kết quả nêu trên nhưng công tác tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng còn hạn chế, nhất là tại địa bàn dân cư. Trung ương Đoàn đánh giá, còn một bộ phận thiếu nhi chưa tham gia các hoạt động Đoàn, Đội, nhất là tại các đô thị lớn, khi nghỉ hè, thiếu nhi ít được tập hợp vào các hoạt động vui chơi tập thể. Ngoài ta, việc chưa có nhiều sản phẩm, mô hình vui chơi giải trí chất lượng cao, hiện đại, tạo ấn tượng nên thiếu nhi chưa hào hứng với hoạt động do Đoàn, Đội tổ chức. Nhiều trẻ nhỏ đã sớm tiếp cận và thường xuyên "lệ thuộc" vào những trò chơi công nghệ cao, internet, không hào hứng với hoạt động do anh, chị phụ trách tổ chức. Điều đó cho thấy, nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi của tổ chức Đoàn, Đội chưa theo kịp nhu cầu và sự phát triển của thiếu nhi...

Để tiếp cận các em nhiều hơn, hiệu quả hơn, Trung ương Đoàn cho rằng cần có sự hỗ trợ to lớn và thiết thực hơn từ các cấp ủy, chính quyền và xã hội. Do nguồn lực của Đoàn thanh niên không lớn, nên rất cần chính quyền, xã hội góp sức chăm lo về cơ sở vật chất, tạo thêm nhiều không gian vui chơi cho thiếu nhi. Qua đó, tổ chức Đoàn có thêm điều kiện để tập hợp các em trong những hoạt động tập thể có ý nghĩa. Về phía mình, các tổ chức Đoàn cũng cần đào tạo nhiều tổng phụ trách tâm huyết, có kỹ năng; sáng tạo hơn nữa trong việc tìm kiếm sân chơi, chương trình giải trí có sức hấp dẫn đối với thiếu niên, nhi đồng, đồng thời đưa nhiều hoạt động đến với trẻ em vùng sâu, xa, vùng khó khăn...
 

 

Với sự cố gắng trong bốn năm qua, các tỉnh, thành đoàn đã tổ chức hơn 130.000 trại hè, 115.553 lớp, khóa học kỹ năng cho thiếu nhi. Cũng qua công tác tham mưu và vận động xã hội hóa của tổ chức Đoàn, hiện trên cả nước đã có hơn 14.300 điểm vui chơi cho thiếu niên, nhi đồng tại 8.619 xã, phường, thị trấn...

 

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home