Tuesday 5 August 2014

Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em

 

Các em có hoàn cảnh khó khăn tham gia hoạt động tập thể. Ảnh: ÐAN KHÁNH

Dù đạt những thành tựu to lớn trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều mục tiêu quan trọng liên quan trực tiếp đến trẻ em chưa đạt được, như: thiếu trường học, thiếu điểm vui chơi giải trí an toàn và phù hợp, trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích cao..., trong đó, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột vẫn là vấn đề nhức nhối. 73,9% số trẻ em Việt Nam từ 2 đến 14 tuổi từng bị cha mẹ, người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.

Tuy nhiên, con số đó chưa phản ánh hết thực chất, khi nạn bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang là vấn đề bị né tránh, "vô hình", nằm khuất trong mỗi gia đình. Vết thương hay vết bầm tím trên cơ thể các em có thể biến mất, song những "vết sẹo tinh thần" khó có thể phai mờ. Những sang chấn về thể chất, tinh thần có thể để lại những hậu quả khó lường, làm suy giảm sự phát triển, khả năng hòa nhập xã hội của trẻ...

Hệ thống pháp luật về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em của nước ta đã được điều chỉnh nhiều cho phù hợp với luật pháp quốc tế song đó vẫn còn những khoảng trống, như: một số hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em chưa được điều chỉnh; mức xử phạt chưa đủ độ răn đe; lợi dụng, bóc lột lao động trẻ em nhiều trường hợp chưa bị coi là tội phạm; chưa có quy định rõ việc hành hạ, đánh đập trẻ em bằng hình thức, mức độ nào thì bị xem là hành vi bạo lực...

Khung pháp luật hiện hành cũng mới chỉ tập trung điều chỉnh một số hình thức xâm hại tình dục trẻ em có tính chất nghiêm trọng mà chưa điều chỉnh những hình thức quấy rối tình dục, dâm ô trẻ em, mặc dù đây là những hành vi để lại những tổn thương sâu sắc về tâm lý cho những nạn nhân vốn ngây thơ, chưa có kỹ năng sống và chưa biết cách tự bảo vệ mình...

Việc phát hiện, tố giác tội phạm, quy trình tiếp nhận và bảo mật thông tin, bảo vệ nhân chứng trong các vụ việc liên quan đến trẻ em cũng chưa được quy định cụ thể, khiến nhiều trường hợp rất khó khăn trong thực thi pháp luật, dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) lần này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung những quy định cụ thể nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em; quy định rõ các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp bị xâm hại; bổ sung quy định cụ thể về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các cơ sở trợ giúp trẻ em...

Cùng với việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, trách nhiệm của xã hội, một khung luật pháp hoàn thiện chính là cơ sở để xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em.

 

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home